Clip: Cận cảnh 6 dự án BT, BOT sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng ở TP.HCM

Thứ tư, ngày 23/08/2017 11:23 AM (GMT+7)
Cầu Phú Mỹ, đường kết nối cầu Phú Mỹ, QL1A đoạn An Sương - An Lạc, xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 2, đường nối vào KCN Phú Hữu là 6 dự án bị kiến nghị xử lý 2.172 tỷ đồng sai phạm.
Bình luận 0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản đồng ý với kiến nghị Thanh tra Chính phủ về xử lý sai phạm với số tiền hơn 2.100 tỷ đồng tại 6 dự án BOT, BT ở TP.HCM.

img

Dự án BOT cầu Phú Mỹ.  Ngày 21.8, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra tại 6 dự án BT, BOT ở TP.HCM và  kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TP.HCM xử lý 2.172 tỷ đồng sai phạm tại 6 dự án BT, BOT theo kết quả thanh tra. Ảnh: Lê Quân - Trương Khởi

img

Cụ thể, với dự án BOT cầu Phú Mỹ, UBND TP.HCM đã chọn Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư dù hồ sơ chuẩn bị đầu tư của doanh nghiệp này thiếu phương án huy động vốn, chưa đủ giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn, tức được lựa chọn khi chưa rõ năng lực nhà đầu tư. Ảnh: Lê Quân

img

Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất TP.HCM, bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 7 với quận 2 và quận 9. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9.2005, vượt tiến độ 4 tháng và khánh thành vào ngày 2.9.2009. Ảnh: Lê Quân - Hoàng Hà

img

Dự án BT đường kết nối vào cầu Phú Mỹ. Trong quá trình thực hiện dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ theo hình thức BT với tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng, UBND TP.HCM không thực hiện việc xây dựng công bố danh mục kêu gọi đầu tư và đấu thầu rộng rãi mà giao luôn cho doanh nghiệp này thực hiện dự án. Ảnh: Lê Quân - Hoàng Hà

img

Công trình đường trên cao nối từ nút giao khu A nam Sài Gòn kết nối cầu Phú Mỹ này được hoàn thành năm 2009. Ảnh: Lê Quân - Trương Khởi

img

Tổng chiều dài toàn bộ dự án cầu Phú Mỹ và đường kết nối cầu là 2 km, phần đường dẫn có 4 làn xe ôtô và 1 làn xe máy. Ảnh: Lê Quân

img

Dự án BOT Xa lộ Hà Nội. Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội được khởi công từ tháng 4.2010, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Đáng nói là tổng mức đầu tư dự án đã tăng gần gấp đôi nhưng đến nay vẫn chưa biết khi nào nhận đủ mặt bằng để dự án có thể thi công và hoàn thành.  Ảnh: Lê Quân - Phạm Duy

img

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) là tuyến đường huyết mạch, nằm trong nhóm các dự án trọng điểm mà TP.HCM ưu tiên đầu tư để kéo giảm ùn tắc giao thông. Dự án có chiều dài 15,7km với 16 làn xe, do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đầu tư theo hợp đồng BOT. Dự án được khởi công từ 4.2010, dự kiến hoàn thành 4.2013. Ảnh: Lê Quân - Phạm Duy

img

Tuy nhiên, do tiến độ bàn giao mặt bằng chậm dẫn đến tiến độ công trình này ì ạch suốt nhiều năm vẫn chưa xong. Đáng nói là tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là 2.516 tỷ đồng. Do kéo dài, sau đó dự án được điều chỉnh gần gấp đôi và lên đến 4.905 tỷ đồng (trong đó, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương chiếm 1.410 tỷ đồng). Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng do ngân sách TP HCM chi trả. Ảnh: Lê Quân - Phạm Duy

img

Dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu. Tổng mức đầu tư của dự án trên 461 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 125 tỷ đồng do Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 làm chủ đầu tư. Ảnh: Tùng Tin

img

Dự án sẽ được chia làm 2 tuyến. Tuyến thứ nhất có chiều dài 1,4 km, điểm đầu giao với đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 đến giáp khu đất của Công ty TNHH một thành viên Cảng Bến Nghé (đang được quy hoạch xây dựng cảng Phú Hữu). Tuyến thứ hai có chiều dài 1,2 km, điểm đầu giáp với khu đất Công ty TNHH một thành viên Cảng Bến Nghé và điểm cuối giáp với khu đất quy hoạch của Công ty cổ phần Vận tải và thương mại quốc tế (ITC). Ảnh: Tùng Tin


img

Theo Sở GTVT TP.HCM, do KCN Phú Hữu bao gồm cả cảng Phú Hữu nên khi con đường này được xây dựng xong thì giao thông đến cảng cũng sẽ thông suốt. Sau khi được thành phố phê duyệt, chủ đầu tư sẽ tự thu xếp các nguồn vốn để thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với thời gian thu phí giao thông dự kiến là 24 năm. Ảnh: Tùng Tin

img

Dự án BOT cầu Bình Triệu 2. Theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND TP.HCM không xây dựng và công bố danh mục dự án cầu Bình Triệu 2 để kêu gọi đầu tư, không tổ chức đầu thầu rộng rãi mà chấp thuận cho công ty thực hiện là vi phạm quy định tại điều 10,11 Nghị định 78/2007/NĐ-CP. Ảnh: Lê Quân

img

Dự án Cầu, đường Bình Triệu 2 được Chính phủ duyệt dự án khả thi từ năm 2000 với tổng mức đầu tư là 341 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2001 do Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư.  Năm 2002, do UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh dự án mở rộng Quốc lộ 13 (từ ga Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, quận Thủ Đức) từ 32m lên 53m nên số vốn đầu tư cho dự án đã tăng từ 341 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Số vốn này vượt quá khả năng của Cienco 5, nên sau khi xây dựng xong cầu Bình Triệu 2, nhà đầu tư này đã rút khỏi dự án. Ảnh: Lê Quân

img

Đầu năm 2006, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã được UBND TP lựa chọn làm nhà đầu tư mới của dự án. Cho phép CII thực hiện đầu tư trước phần 1 của dự án bằng hợp đồng BOT. Theo đó, CII hoàn thành việc đầu tư phần 1 giai đoạn 2, đã tổ chức thu phí để hoàn vốn đầu tư tại trạm thu phí giao thông cầu Bình Triệu 2 tháng 7.2009 và cầu Bình Triệu 1 tháng 8.2013). Ảnh: Lê Quân

img

Dự án BOT nâng cấp cải tạo quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc. Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO đã đề xuất bổ sung xây dựng 2 nút giao thông và lắp đặt dải phân cách làn xe cơ giới và thô sơ với tổng mức đầu tư hơn 704 tỷ đồng. Ảnh: Lê Quân

img

Tuy nhiên UBND TP.HMC đã không bổ sung dự án vào danh mục và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia theo quy định mà đã chỉ định luôn IDICO làm nhà đầu tư. Theo kết luận thanh tra, riêng việc thẩm định, phê duyệt dự án này thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT và các cơ quan chuyên môn thuộc bộ này. Ảnh: Lê Quân

img

Dự án có chiều dài 16 km từ ngã tư An Sương, quận 12 đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân với mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh Miền Tây về TP.HCM và ngược lại. Ảnh: Lê Quân

Theo Thanh tra Chính phủ, hầu hết các dự án BOT nêu trên đều chậm tiến độ, từ đó dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư. Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TP.HCM xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là 2.172 tỷ đồng.

Trong đó, phê duyệt không đúng khoản tiền 1.400 tỷ đồng, phê duyệt tăng sai 67 tỷ đồng; giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị 90 tỷ đồng, loại khỏi phương án tài chính đối với cầu Bình Triệu 2 gần 50 tỷ đồng;  giảm giá trị quyết toán dự án 497 tỷ đồng; thu về ngân sách thành phố từ các nhà đầu tư với giá trị hơn 41 tỷ đồng do thực hiện không đúng quy định.

Nhóm PV (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem