Những ngày này, nông dân huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị vào mùa thu hoạch sắn. Đây là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô nơi đây. Những hộ dân trồng sắn bên này sông Đakrông dễ dàng vận chuyển sắn hơn. Những hộ canh tác bên kia sông Đakrông rộng hơn 100 mét thì gặp muộn vàn cách trở.
Clip: Nông dân miền núi "chơi sang" lắp cáp treo để... thu hoạch sắn
Sắn từ bên kia sông được buộc kỹ vào dây cáp. Ảnh: Ngọc Vũ
Gia đình anh Hồ Văn Hơn (23 tuổi, trú thôn 37, xã Húc Nghì, Đakrông) trồng 2ha sắn ở khoảnh đồi bên kia sông Đakrông. Những năm trước, sau khi nhổ sắn cho vào bao tải, gia đình anh Hơn phải vác sắn lội qua sông. Mỗi lần chỉ vác được 1 bao sắn chừng 40kg, vượt qua đá lởm chởm dưới sông rất nguy hiểm. Vì vậy, mỗi ngày chỉ vận chuyển được khoảng 2 tạ sắn.
Mỗi chuyến vận chuyển 3 bao sắn, nặng chừng 120kg. Ảnh: Ngọc Vũ
Cái khó ló cái khôn, sau khi xem tivi giới thiệu về cáp treo, anh Hơn liền đi mua dây cáp. “Mình xem tivi thấy du khách đi cáp treo lên núi tham quan Bà Nà Hill ở Đà Nẵng, mình nghĩ ra cách mua dây cáp để vận chuyển sắn qua sông. Hiệu quả lắm, mỗi ngày chuyển khoảng 10 tấn sắn chứ không ít”.
Mỗi kg sắn có giá bán 1.000 đồng. Tuy vất vả nhưng đó là nguồn thu nhập chính của người dân. Ảnh: Ngọc Vũ
Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô thấy cách làm hiệu quả nên áp dụng. Chi phí cho nông sản đi cáp treo khoảng 9 triệu đồng gồm dây cáp và ròng rọc.
Sắn được tập trung bên đường mòn Hồ Chí Minh đợi thương nhân đến thu mua. Ảnh: Ngọc Vũ
Anh Hồ Văn Sơn (25 tuổi, trú thôn 37, Húc Nghì) cho biết, đồng bào nơi đây không có tiền thuê nhân công nên phụ giúp nhau thu hoạch sắn. Cả thôn tập trung thu hoạch sắn cho một gia đình nào đó xong xuôi rồi chuyển sang nhà khác theo kiểu cuốn chiếu. Cách làm đó thắt chặt tình cảm thôn xóm và nâng hiệu quả công việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.