Có bất thường giám định tâm thần vụ Việt kiều Mỹ đâm chết người?

An Sơn Chủ nhật, ngày 18/09/2016 14:27 PM (GMT+7)
Trong vụ án Việt kiều Mỹ đâm chết người, sau 2 tháng được kết luận mắc bệnh tâm thần xảy ra tại Thừa Thiên - Huế, tác động của rượu bia có thể dẫn tới hành vi gây án của hung thủ nhưng không được cơ quan giám định xem xét...
Bình luận 0

Bỏ qua yếu tố tác động của rượu bia

Về vụ “Việt kiều đâm chết người, sau 2 tháng được kết luận… tâm thần” gây xôn xao dư luận tại Thừa Thiên - Huế, PV Dân Việt vừa có buổi làm việc với ông Tôn Thất Hưng - nguyên Giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng giám định Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Thừa Thiên - Huế, hiện là chuyên gia biên chế của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung. (Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung được thành lập trên cơ sở Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Thừa Thiên - Huế từ tháng 7.2015).

Ông Hưng cho biết, qua giám định, Hội đồng giám định Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Thừa Thiên - Huế xác định: Tại thời điểm đâm chết Bùi Ngọc Phương (SN 1989) - con trai bà Ngô Thị Hạnh (SN 1966, ngụ phường Phú Hiệp, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế), Việt kiều Mỹ Hà Cường D (tên gọi khác là Hà Cường, SN 1966 tại Thừa Thiên - Huế) rơi vào cơn động kinh tâm thần vận động, có hành vi tự động vô cớ đôi khi gây nguy hiểm cho xã hội, kèm theo những cơn hoang tưởng ảo giác kéo dài 5 đến 10 phút, sau cơn ảo giác không nhớ gì. Do đó D được xác định mất năng lực hành vi và mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự khi gây án.

img

Bà Ngô Thị Hạnh cho rằng đã có sự không minh bạch trong việc giám định tâm thần đối với thủ phạm đâm chết con trai bà. Ảnh: An Sơn

Theo ông Hưng, việc giám định đối với D căn cứ vào bệnh án có từ trước, đồng thời khai thác thêm từ bệnh nhân và người nhà, nên dù sau 2 tháng hay nhiều năm cơ quan chuyên môn vẫn giám định được. Cụ thể, D khai rằng tại thời điểm gây án đối tượng này thấy một bóng đen trùm xuống mình, D tưởng là quỷ nên rút dao đâm. Người nhà của D khai nhiều lần đối tượng này lên cơn, vô cớ đánh vợ và mẹ;  ở Mỹ D từng nhiều lần tự tử không thành. Ông Hưng cũng cho biết, kết quả giám định tâm thần đối với D còn dựa vào việc luật sư bảo vệ cho D cung cấp thông tin rằng khi ở Mỹ đối tượng này từng được bác sĩ cho sử dụng thuốc an thần. Khi PV hỏi cơ quan giám định có tiếp cận chứng cứ sử dụng thuốc an thần của D tại Mỹ, ông Hưng trả lời rằng hồ sơ về D do công an cung cấp không có đơn thuốc của bác sĩ tại Mỹ, đơn thuốc này chỉ được nêu trong văn bản của luật sư (!?).

Một trong những tình tiết rất quan trọng của vụ án là ở thời điểm gây án D đang cùng bạn bè ăn nhậu lần thứ 3 trong đêm. Tại bản kết luận giám định pháp y tử thi anh Phương (số 52 ngày 12.3.2015) của Trung tâm pháp y tỉnh Thừa Thiên - Huế, ở mục “tình hình sự việc” ghi: “Quá trình ngồi uống bia, D nhìn qua bàn bên cạnh thấy Phương đang nhìn mình, D cho rằng người thanh niên này đang nhìn đểu mình nên D đi qua bàn Phương, rút dao giấu sẵn trong người đâm”. Tại bản án số 23 ngày 22.6.2016 của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử D về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” cũng thể hiện tại thời điểm đâm anh Phương, D đang uống bia lần thứ 3.

Về vấn đề này, ông Hưng cho biết, trong hồ sơ của cơ quan công an có thể hiện D có uống bia rượu nhưng không say. Ông Hưng cho rằng bệnh của D không cần uống bia rượu vẫn lên cơn nên cơ quan giám định không xem xét tình tiết này.

Trao đổi với PV, luật gia Hoàng Ngọc Thanh - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: Việc cơ quan giám định dựa vào thông tin cho rằng D từng sử dụng thuốc an thần tại Mỹ để làm căn cứ kết luận D mất năng lực hành vi tại thời điểm gây án trong khi không tiếp cận bệnh án cụ thể là không thuyết phục.

Ông Thanh cũng cho hay, trong vụ án này, tác động của hơi men có thể dẫn đến hành vi gây án của D, tức có thể D mất năng lực hành vi do uống bia rượu. Yếu tố này không được xem xét trong quá trình giám định có thể dẫn tới bản kết luận giám định thiếu khách quan, chưa chính xác.

Vì sao bị từ chối giám định lại tâm thần hung thủ?

Theo ông Thanh, khoản 1 Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Bị can, những người tham gia tố tụng khác được trình bày những ý kiến của mình về kết luận giám định, yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại” và khoản 2 Điều 159 bộ luật này quy định “Việc giám định lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định...”. Tại phiếu thông báo số 558 ngày 12.4.2016, VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng viện dẫn khoản 1 Điều 158 để thông báo cho bà Hạnh “gửi đơn đề nghị cơ quan điều tra giám định lại tình trạng tâm thần của D”.

Thế nhưng ngược lại, tại thông báo số 564 ngày 23.5.2016, cơ quan điều tra căn cứ Điều 158 và khoản 2 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự trả lời: “Việc yêu cầu giám đinh lại tâm thần đối với D là không có căn cứ, nên cơ quan điều tra không thể ra quyết định trưng cầu giám định lại”. Đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên, thì trả lời của cơ quan điều tra về vấn đề bà Hạnh yêu cầu giám định lại là chưa khách quan, thuyết phục.

Cũng theo luật gia Thanh, khoản 2 Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trong trường hợp cơ quan điều tra, viện kiểm sát không chấp nhận yêu cầu của bị can, những người tham gia tố tụng khác thì phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết”. Trước đó, tại công văn số 986 ngày 17.8.2015, cơ quan điều tra trả lời kiến nghị của bà Hạnh: “Kết luận giám định của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh là cơ quan chuyên môn, độc lập được cơ quan điều tra trưng cầu giám định để phục vụ công tác điều tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình…”. Lý do này của cơ quan điều tra đã không thực hiện đúng các điều, khoản của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về việc giám định lại khi có nghi ngờ.

“Kết luận giám định của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Thừa Thiên - Huế không khách quan và vô cảm. Bà Hạnh là người tham gia tố tụng nên có quyền yêu cầu giám định lại khi nghi ngờ kết quả giám định. Tại sao cơ quan điều tra không chấp nhận yêu cầu của bà Hạnh khi việc giám định lại vừa làm tăng tính chính xác vừa giúp ổn định tâm lý cho gia đình nạn nhân” - ông Thanh nói.

Như Dân Việt đã phản ánh, sau khi đâm chết người con trai của bà Hạnh, D bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành bắt giữ. Khám xét nơi ở của D, cơ quan công an thu giữ nhiều vũ khí quân dụng được D mang từ Mỹ về Việt Nam. Sau đó, cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với D về hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Vậy nhưng, sau đó, lấy lý do D có những biểu hiện bất thường trong hành vi và thái độ khai báo, cơ quan công an trưng cầu Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh tiến hành giám định tâm thần đối với D. Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh kết luận: Trước thời điểm gây án D bị bệnh động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần và biến đổi trí năng nhân cách nên về mặt pháp luật giảm năng lực hành vi và giảm năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Tại thời điểm gây án hung thủ bị rối loạn ý thức của động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần và biến đổi trí năng nhân cách nên mất năng lực hành vi và mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Tại thời điểm giám định, tình trạng của D tương tự trước thời điểm gây án.

Dựa vào kết luận giám định này, cơ quan công an quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can đối với D về hành vi “Cố ý gây thương tích” nên D chỉ bị truy tố về hành vi “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem