Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cô đồng bát nước là ai?
Cô đồng bát nước tên là Đinh Quỳnh Phương sinh sống tại Hà Nội. Trong nội dung những clip chia sẻ trên mạng xã hội, Quỳnh Phương tự nhận là “cô đồng bát nước”, “Hoàng Thiên ân đức” và quảng cáo “xem bói cô đồng bát nước” có thể “nhìn rõ” được căn số, công danh, sự nghiệp và vận hạn của người đến xem. Chỉ với thao tác người xem mở bát nước, cô đồng này có thể đọc vanh vách chuyện gia đình, chuyện đất cát, vong nhập, cơ đày, sát căn, cắt duyên âm...
Mọi người muốn đến xem cô đồng này thì phải đặt lịch trước qua fanpage Facebook hoặc nhóm cộng đồng Zalo. Khi đặt được lịch hẹn thì người xem cần mang theo chai nước 1,5 lít, cô đồng sẽ đổ nước từ chai vào bát, khua 1 nén hương bên trên và sau đó bắt đầu phán về gia đạo, cuộc sống, âm phần, dương phần...
Để thu hút nhiều người dân đến xem, những clip xem bói được cô đồng này đăng tải liên tục lên trang TikTok cá nhân với hơn 11 triệu lượt thích và gần nửa triệu lượt theo dõi.
Theo thông tin từ phóng sự VTV đưa, trung bình 1 ngày, cô đồng bát nước xem cho khoảng 30-40 khách. Mỗi khách đặt lễ 500.000 đồng thì thu nhập 1 ngày đã vào khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên đây chỉ là khoản tiền vặt, mục đích chính mà cô đồng bát nước hướng tới là yêu cầu các khách đến xem phải làm lễ trình đồng mở phủ với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Hiện trang tiktok "Quỳnh Phương - Cô Đồng Bát Nước" có hơn 455 nghìn người theo dõi và hơn 11 triệu lượt thích. Đến sáng ngày 31/10 tài khoản này đã khóa bình luận ở các video xem bói.
Điều dễ dàng thấy khi xem qua nội dung trên các trang MXH của cô đồng này chủ yếu xoay quanh việc cắt duyên âm, căn đồng số lính, giải vong, lễ thánh...Ngoài những clip trên, còn rất nhiều clip khác quay lại cảnh cô đồng xem bói phán về ốp nhập cơ hành, gia tiên, đường công danh sự nghiệp, con cái… Nhiều lần, “cô đồng” khẳng định người đến xem bị “hành căn”, cần đi cúng lễ, xám hối.
Trước đó, vào năm 2023, "cô đồng bổ cau" Trương Thị Hương ở Hải Dương gây xôn xao dư luận với khả năng "xem bói, bổ cau phán vanh vách đủ chuyện ma quỷ, âm dương". Bà Hương sau đó đã bị bắt tạm giam để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vì vậy, hiện tượng "cô đồng bát nước" sau khi VTV đưa tin đã lập tức gây tranh cãi. Nhiều người lo ngại đây là biểu hiện của tình trạng mê tín dị đoan và dẫn tới các trường hợp lừa đảo như sự việc của "cô đồng bổ cau" ở Hải Dương trước đây.
"Cô đồng bát nước" Quỳnh Phương và màn "hù doạ" khách
Theo nội dung phóng sự đã phát sóng, 2 phóng viên VTV trong vai 1 cặp vợ chồng hiếm muộn, nhiều năm chưa có con đã xách chai nước 1,5 lít tìm đến cô đồng bát nước để kiểm chứng khả năng siêu nhiên của cô. Sau khi đặt tiền lễ và làm vài thủ tục khấn vái, nước trong chai được cô đồng đổ vào bát và màn hù dọa lại diễn ra giống như kịch bản được áp dụng cho hàng nghìn người đã từng đến đây.
Dù tự nhận có thể nhìn rõ tiền vận, hậu vận của tất cả mọi người qua bát nước, thế nhưng cô đồng này lại không hề nhìn ra rằng 2 phóng viên VTV đang ngồi trước mặt mình đều đã có gia đình con cái đủ đầy, thậm chí không phải là vợ chồng. Tuy nhiên với mục đích hù dọa để những người yếu bóng vía phải chi tiền làm đủ loại lễ lạt, cô đồng tiếp tục diễn kịch.
Sau khi đã làm người đến xem khiếp vía, nhân viên của cô đồng đã chuẩn bị sẵn 2 địa chỉ ở Thái Bình và Bắc Giang, cùng những hướng dẫn chi tiết về các lễ vật phải mang theo để 2 phóng viên đến làm lễ sám hối cầu con.
Theo VTV, một số nạn nhân đã tin tưởng vào câu chuyện ma mị mà cô đồng bát nước nói ra nên đã phải đi vay nặng lãi để đủ tiền làm lễ. Đến thời điểm hiện tại, đơn tố cáo đã được các nạn nhân gửi đến cơ quan công an để đề nghị làm rõ hành vi trục lợi từ tuyên truyền mê tín dị đoan của cô đồng bát nước.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP thì: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.