Dân hâm mộ thể thao Đà Nẵng gọi VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc (21 tuổi, ở Hòa Sơn, Hòa Vang) là cô gái đi bộ. Mới đây, tại Giải Vô địch đi bộ châu Á (diễn ra hôm 11.3), tại TP.Nomi (Nhật Bản), Phúc đã phá sâu chuẩn B Olympic London 2012 nội dung đi bộ 20km nữ. Thành tích này giúp cô gái nghèo trở thành VĐV điền kinh đầu tiên của Việt Nam giành quyền tham dự Thế vận hội 2012 tại Anh.
|
Nguyễn Thị Thanh Phúc - niềm tự hào của điền kinh Việt Nam. |
Mơ một lần mặc áo mới
Gia đình nghèo, lại đông con (5 trai, 2 gái) nên ngay từ nhỏ, chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc đã sớm vất vả phụ giúp gia đình mưu sinh. Nhà Phúc ở xã Hòa Sơn - vùng đất bán sơn địa cằn cỗi, 9 miệng ăn chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng khoán, quanh năm vất vả cũng chẳng đủ ăn. Chị em Phúc một buổi đi học, một buổi đi bứt đót, hái chè gánh xuống chợ Hòa Khánh cách nhà gần 10km, để bán.
Với chị em Phúc, phải nhịn ăn đi học là chuyện thường ngày. Phúc kể: "Nhà đông anh chị em nên đứa sau phải mặc đồ cũ của đứa trước. Quanh năm, suốt tháng chẳng bao giờ ai biết đến tấm áo mới, miếng quà là gì".
Năm 2005, Thanh Phúc theo chân chị gái xuống Đà Nẵng xin vào tập ở đội điền kinh trẻ với suy nghĩ: "Ở nhà cha mẹ cực khổ quá, mình xin đi tập thể thao để đỡ cho cha mẹ được một miệng ăn". Lúc ấy, cô gái trẻ này chẳng bao giờ biết rằng, đấy cũng chính là ngã rẽ của cuộc đời mình.
"Cô gái đi bộ"
Ở đội điền kinh trẻ Đà Nẵng, ban đầu Thanh Phúc được bố trí tập chạy các cự ly dài 5.000 và 10.000m. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, Phúc được chuyển sang tập môn đi bộ khi HLV Trần Anh Hiệp phát hiện ra ở cô học trò nhỏ này những tố chất rất phù hợp với môn đi bộ như cơ thể dẻo dai, sức bền tốt... Những ngày đầu làm quen với nội dung đặc thù này, cột sống, hông, cơ bắp... của Phúc như rã rời sau mỗi buổi tập. Thế nhưng, cuộc sống mưu sinh vất vả ở quê đã tạo cho Phúc ý chí rất kiên cường nên dù khó khăn đến mấy cũng không thể khuất phục được cô gái nhỏ nhắn này.
Cuối năm 2005, Phúc giành được chiếc Huy chương Vàng đầu tiên trong đời vận động viên ở giải trẻ năng khiếu mục tiêu. Kể từ đó, cô gần như không có đối thủ ở nội dung đi bộ nữ ở tất cả các giải đấu mà mình tham gia, từ giải trẻ, giải vô địch quốc gia cho đến giải điền kinh trong khuôn khổ Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc rồi đến SEA Games 26.
Tôi rất có niềm tin ở Phúc trong giải đấu Olympic thế giới tới đây.
HLV Trần Anh HiệpNăm 2007, cậu em trai kế Phúc là Nguyễn Thành Ngưng cũng theo chân chị xuống Đà Nẵng tập đi bộ. Kể từ đó, 2 chị em Phúc như hình với bóng, cả trên đường tập lẫn ngoài đời. Xa gia đình, 2 chị em nương tựa vào nhau, chuyện vui, chuyện buồn cùng thủ thỉ tâm sự với nhau. Những ngày nghỉ, 2 chị em rủ nhau bắt xe buýt về nhà nhưng xe chỉ chạy đến chợ Hòa Khánh chứ không rẽ lên nhà. Vậy là 2 chị em lại rủ nhau thi triển... đi bộ để vượt hơn 10km, về thăm ba mẹ.
SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia năm 2011, Phúc xuất sắc giành Huy chương Vàng nội dung đi bộ 20km nữ ngay ở lần đầu tiên góp mặt. Niềm vui của người chị càng được nhân lên gấp bội khi cậu em trai Nguyễn Thành Ngưng cũng giành được chiếc Huy chương Đồng đi bộ 20km nam. Với thành tích đó, ngoài mức em được thưởng 45 triệu đồng theo quy định của Nhà nước, Phúc còn nhận được 22,5 triệu đồng tiền thưởng từ UBND TP. Đà Nẵng.
Và mới đây nhất, chỉ sau 3 tháng kể từ SEA Games 26, trên đất Nhật Bản Thanh Phúc đã rút ngắn được thành tích của mình đến hơn 8 phút để lập thành tích lịch sử cho điền kinh. Với sự tiến bộ này, Phúc trở thành niềm hy vọng huy chương của thể thao nước nhà ở giải đấu lớn nhất hành tinh Olympic tới đây.
Song Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.