Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Ứng xử của cả 2 bên đều "có vấn đề"?

Chủ nhật, ngày 11/03/2018 17:59 PM (GMT+7)
Cả cô giáo và vị phụ huynh đều cần nhận thức lại cách ứng xử của mình bởi cả hai đều là những người được đào tạo có nhận thức và đều làm công tác xã hội.
Bình luận 0

Vụ việc một cô giáo dạy tiểu học ở Long An phải quỳ gối để xin lỗi phụ huynh vì đã phạt quỳ con của vị phụ huynh này, khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc. Họ bức xúc vì lối ứng xử phản giáo dục của cô giáo một thì bất bình trước lối hành xử của vị phụ huynh mười. Sai sót của cô giáo đã có nhà trường xử lý, vị phụ huynh kia không thể hành xử kiểu côn đồ ở nơi chỉ chấp nhận những hành vi văn hóa, đạo đức.

img

Trường tiểu học Bình Chánh nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc.

Nhiều ý kiến đề nghị nhà trường cần xem xét, xử lý nghiêm túc cách ứng xử của cô giáo này nhưng cũng cần làm rõ có hay không việc vị phụ huynh này tạo sức ép buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi để xử lý một cách thỏa đáng.

Dẫn Điều 34 Bộ Luật Dân sự quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) cho rằng, về mặt pháp lý, hành vi của vị phụ huynh nói trên có thể coi là làm nhục người khác. Xét về hành vi, người này có thể đã vi phạm các quy định tại Điều 155 về tội làm nhục người khác. Cụ thể: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Tuy nhiên, luật sư Tạ Quốc Long cho rằng, trong khi chờ đợi kết luận chính thức của các cơ quan chức năng về hành vi của vị phụ huynh nói trên, cần quan tâm hơn đến việc thời gian qua không chỉ nhà giáo mà nhiều bác sĩ bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, gây nhức nhối trong dư luận, được pháp luật bảo vệ ở mức độ nào. Trong những vụ việc như thế, có thể xử lý hành vi xâm phạm dưới góc độ chống người thi hành công vụ hay không?

Theo Luật sư Long, yếu tố công vụ chỉ được nêu ra khi người bị xâm phạm là cán bộ, công chức, viên chức hay người được giao nhiệm vụ và họ bị tác động của hành vi tội phạm khi đang thực thi công vụ (chỉ xét tới lực lượng vũ trang hoặc công chức trong bộ máy chính quyền). Còn nhà giáo khi dạy học chưa được coi là thực hiện công vụ (mặc dù có thể nhà giáo đó là công chức hoặc viên chức và việc giảng dạy là chức nghiệp được giao). Vì thế, đến nay chưa có vụ xâm phạm đến nhà giáo khi giảng dạy nào được coi là chống người thi hành công vụ.

Theo quan điểm của Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc có khởi tố vụ án theo quy định tại điều 155 khoản 1 Bộ luật Tố tụng hình sự về tội làm nhục hay không phụ thuộc vào yêu cầu của bị hại. Tuy nhiên trong vụ việc cụ thể của cô giáo ở Long An, luật sư Chi cho rằng cần làm rõ ý chí của vị phụ huynh có thực sự muốn hạ nhục cô giáo hay không và cảm nhận bị xúc phạm của bị hại. Cũng có thể, hành vi của vị phụ huynh chỉ nhằm mục đích để cô giáo cảm nhận hành động của cô giáo trong lúc nóng giận đã áp đặt với học sinh. Việc cô giáo quỳ theo yêu cầu của vị phụ huynh cũng có thể do cô giáo nhận thức được sai lầm của mình.

“Do vậy, trường hợp này các cơ quan tố tụng cần cân nhắc và xem xét về tính chất cũng như yêu cầu của các bên”, luật sư Chi nêu quan điểm. Luật sư Chi cũng cho rằng, hành động của cả cô giáo và vị phụ huynh đều chưa đúng nên không nhất thiết khởi tố vụ án. Tuy nhiên để giáo dục ý thức, cần nhắc nhở và hoà giải các bên để họ phải nhận thức lại cách ứng xử của mình bởi cả hai đều là những người được đào tạo có nhận thức và đều làm công tác xã hội.

Nóng trên mạng: Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh vì phạt học sinh. Nguồn: Canthotv

An Minh (VOV.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem