Ông Ali Asghar Soltanieh - Đại sứ của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân của nước này dự kiến diễn ra vào các ngày 21 và 22-1 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có thể sẽ là "cơ hội cuối cùng" cho phương Tây.
|
Bên ngoài cơ sở hạt nhân Bushehr của Iran. |
Hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn lời ông Soltanieh cho rằng một khi Iran có thể tự sản xuất nhiên liệu phục vụ lò phản ứng nghiên cứu y tế, nước này có thể sẽ không quay trở lại bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai nếu cuộc đàm phán tại Istanbul thất bại.
Truyền thông Pháp dẫn lời ông Soltanieh nói: "Đó có thể là cơ hội cuối cùng bởi vì với việc lắp đặt các thanh nhiên liệu do Iran sản xuất vào lò phản ứng nghiên cứu Tehran, Quốc hội Iran có thể sẽ không cho phép chính phủ đàm phán hoặc chuyển urani ra nước ngoài và cuộc đàm phán ở Istanbul có thể sẽ là cơ hội cuối cùng đối với phương Tây để trở lại đàm phán". Bản thân Tổng thống Iran Ahmadinejad cũng không giấu lập trường không nhân nhượng trên bàn đàm phán và sẽ đáp trả "đáng tiếc" với bất kỳ ý định nào nhằm ngăn cản Iran về vấn đề này.
Trải qua nhiều cuộc đàm phán thất bại, đến nay Tehran vẫn kiên quyết theo đuổi công nghệ hạt nhân như một chủ quyền bất di bất dịch trong khi P5+1 khăng khăng không chấp nhận một Iran sở hữu nguyên tử với hoài nghi về thứ vũ khí hủy diệt này. Sự khác biệt cốt lõi đó khiến phương Tây và Iran dường như vẫn đang đi theo hai hướng khác nhau. Do đó, ý định tìm kiếm một khung hợp tác nhằm tạo lối thoát cho những bế tắc bị đặt trước nguy cơ có thể tan vỡ bất kỳ lúc nào nếu cả hai vẫn sử dụng lợi thế riêng để áp đặt luật chơi cho đối phương. Hiện Iran vẫn mải miết cập nhật những công nghệ hạt nhân được khẳng định vì mục đích hòa bình như một thể hiện sự không lùi bước trước sức ép từ nhiều phía. Việc xuất xưởng uranium cô đặc "made in Iran" và làm giàu urani để chế tạo thành những "đĩa" hoặc "viên" năng lượng là thông điệp mà Tehran muốn gửi tới P5+1.
Mỹ và các đồng minh liên tục tận dụng các đặc quyền của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran. Và dù chưa thể tìm ra bằng chứng nào thì họ vẫn cáo buộc Iran đang âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân.
Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Iran đã phải tạm ngưng vào năm 2009 do Iran cho triển khai dự án xây dựng nhà máy làm giàu uranium thứ hai gần thành phố Kum. Đến tháng 6-2010 HĐBA Liên Hợp Quốc đã quyết định ra Nghị quyết 1929 để trừng phạt bổ sung Iran vì các hành động chống đối và đe dọa đến an ninh thế giới, ổn định trong khu vực. Kể từ đó đến nay, đàm phán 6 bên vẫn chưa thể được nối lại do căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng leo thang. Mỹ đã nhiều lần cho áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với quốc gia Hồi giáo này.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.