Cơ hội thay đổi ngành nuôi cá tra

Thuận Hải- Thanh Xuân Thứ năm, ngày 03/12/2015 07:15 AM (GMT+7)
Các quy định mới về giám sát tại chỗ (trang trại và nhà máy chế biến) đối với cá da trơn của Mỹ vừa ban hành khiến nhiều người lo ngại con cá tra Việt Nam bị đẩy vào thế “mắc cạn” tại thị trường này. Việt Nam đang tiếp tục gửi các ý kiến phản đối chương trình này đến phía Mỹ.
Bình luận 0

Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng tại sao chúng ta phải lo lắng, nếu thực hiện tốt quy trình nuôi và chế biến cá tra?

Vì sao phải lo lắng?

Như Dân Việt đã thông tin, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ban hành các quy định mới đối với những nhà cung cấp cá da trơn, trong đó yêu cầu tiến hành thanh tra tại chỗ các trang trại và các nhà xưởng chế biến đối với cả những nhà sản xuất trong và ngoài nước (hầu hết từ Việt Nam), nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn đồng nhất.

img

Ngành nuôi cá tra xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: Thuận Hải

Trao đổi với Dân Việt sau quyết định của USDA, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, vấn đề này đã gây tranh cãi trong nhiều tháng qua, không chỉ giữa các nước xuất khẩu với nước nhập khẩu mà còn ngay trong nội bộ Chính phủ Mỹ. Theo ông Hòe, ngay từ đầu, VASEP đã có ý kiến phản đối chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ. Các ý kiến phản đối sẽ tiếp tục được gửi đến USDA, Bộ NNPTNT Việt Nam và các cơ quan chức năng có liên quan.

Theo ông Hòe, VASEP lo ngại chương trình này sẽ trở thành rào cản thương mại phi thuế quan, cản trở hoạt động xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam vào Mỹ. Trong khi đó, sản phẩm này đã được thị trường Mỹ chấp nhận trong nhiều năm qua. Năm 2014, cá tra Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 loài thủy sản được yêu thích nhất tại Mỹ với lượng tiêu thụ khoảng 0,31kg/người/năm.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú (xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang) thì cho rằng, vấn đề người Mỹ quan tâm là vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra, basa xuất khẩu. Những vấn đề này cũng là mục tiêu phấn đấu của phần lớn hộ nuôi cá tra tại Việt Nam những năm qua. Hiện cá tra Việt Nam cũng đã có được những chứng nhận an toàn của Mỹ như BAP, USDC, hay các chứng nhận ASC, GlobalGAP, ISO... của châu Âu. “Từ cuối năm tới, người nuôi cá tra trong nước còn phải áp dụng VietGAP, là bộ tiêu chí thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam. Trong khi có hàng loạt các yêu cầu trong nuôi trồng mà người nuôi phải tuân thủ thì phía đầu ra, thị trường tiêu thụ vẫn rất khó khăn” - ông Nguyên nói.

Phải chú trọng an toàn thực phẩm

Ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết, hiện công ty của ông chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cá tra sang châu Âu. Theo ông, việc Mỹ ban hành chương trình kiểm tra cá da trơn là chuyện bình thường, vì hiện sản phẩm của Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường của họ theo quy định, họ có quyền kiểm tra. “Nếu doanh nghiệp sản xuất đã đảm bảo các tiêu chuẩn, thì vấn đề kiểm tra cũng chỉ là thủ tục, chẳng đáng lo ngại”- ông Hùng nói.

Theo ông Phạm Anh Tuấn – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT), chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ đã được thông báo trước, nên vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này là cần phải xem lại thật kỹ các điều kiện của họ. Từ đó, có thể biết được các tiêu chuẩn của họ đưa ra có khác biệt so với tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt và các tiêu chuẩn chế biến hay không để kịp thời đối phó. “Việc thanh tra của các thị trường nhập khẩu như Mỹ và các nước khác tiến hành có thể đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, nhưng chủ yếu là tập trung vào 2 vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, thị trường Mỹ đã giảm lượng nhập khẩu cá da trơn của Việt Nam so với trước đây, chỉ còn chiếm khoảng hơn 20% sản lượng. Thay vào đó là các thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng nhập khẩu số lượng lớn cá da trơn của Việt Nam. Ông Tuấn cũng cho rằng, việc thanh tra của Mỹ ở các nước nhập khẩu cũng rất tốn kém, nên dù Chính phủ Mỹ phê duyệt, nhưng sẽ vẫn gặp phản đối ở ngay trong nước, nên chưa chắc chương trình đã được thực hiện.

Một số ý kiến thì cho rằng, việc bị đẩy vào tình thế “một cổ nhiều tròng”, cá tra Việt Nam sẽ phải trở mình, sắp xếp lại sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Theo ông Nguyên, người Mỹ đòi hỏi người Việt Nam nuôi cá theo như cách nuôi cá của người Mỹ là vô lý, vì điều kiện tự nhiên của hai nước không giống nhau. Tuy nhiên, cách đây hơn 10 năm, cá tra mang lại lợi nhuận lớn nên đã phát triển ào ạt ở các tỉnh ĐBSCL, kéo theo các hệ lụy về môi trường, kháng sinh, diện tích vượt quy hoạch… Đây là những vấn đề mà hiện nay, ngành nuôi trồng, chế biến cá tra Việt Nam phải sắp xếp lại.

Thực tế, với việc triển khai Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, việc sản xuất, chế biến cá tra trong nước hiện đã cải thiện nhiều. Việc thanh tra tại chỗ của Mỹ do đó sẽ buộc các doanh nghiệp và người nuôi còn lơ là phải tăng cường hơn nữa các biện pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm. 

Kiểm tra là việc bình thường

Ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, không chỉ có thị trường Mỹ mà các nước nhập khẩu sản phẩm cá da trơn của Việt Nam khác cũng vẫn tiến hành kiểm tra như EU, Nhật, Nga... Hiện tại, đoàn kiểm tra của Nga cũng đang tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu tại TP. HCM.

Theo ông Thể, thông thường họ kiểm tra các vấn đề về thú y, dịch bệnh, quy trình nuôi VietGAP, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật và việc thực hiện các quy định này của các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện Việt Nam cũng tiến hành kiểm tra các nước xuất khẩu vào Việt Nam. Do đó, việc các nước nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam tiến hành thanh tra, kiểm tra cũng là việc bình thường.

Phương Vy

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem