Có thật Triệu Vân giết chết đại đô đốc Đông Ngô Chu Nhiên?

Thứ ba, ngày 02/06/2020 18:32 PM (GMT+7)
Chu Nhiên là đại đô đốc Đông Ngô (kế tục Lục Tốn) và cũng là bạn thuở thiếu thời của Tôn Quyền. Ông chết năm 249, sau khi Triệu Vân đã chết 20 năm.
Bình luận 0

Mất Kinh Châu và Quan Vũ khiến Lưu Bị nóng lòng muốn báo thù Đông Ngô. Tuy nhiên lúc đó lại xảy ra nhiều biến cố khiến Lưu Bị tạm gác việc đánh Đông Ngô và làm lễ lên ngôi hoàng đế. Lễ được tiến hành ở phía nam núi Vũ Đương thuộc Thành Đô, lấy quốc hiệu là Hán để kế tục Lưu Hiệp, đặt niên hiệu là Chương Vũ. Từ đó nhà Thục Hán bắt đầu.

Tam quốc diễn nghĩa: Thực hư chuyện Triệu Vân giết chết đại đô đốc Đông Ngô Chu Nhiên - Ảnh 1.

Trận Di Lăng là trận chiến giữa nước Thục Hán và nước Đông Ngô năm 221-222 thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lưu Bị tiếp tục quyết định đánh Đông Ngô, trước quyết định này một số tướng lĩnh đã ra sức can gián. Đầu tiên là Triệu Vân, ông cho rằng kẻ thù của Thục Hán là họ Tào chứ không phải họ Tôn, nên phải đánh Tào Ngụy trước để phục hưng nhà Hán. Lưu Bị không nghe theo, quyết thân chinh khởi binh đánh Ngô.

Tháng 8/221, Lưu Bị hạ lệnh tập trung quân ở Giang Châu. Vì Hoàng Trung đã mất, ông để Ngụy Diên và Mã Siêu phòng Tào Ngụy phía bắc, cùng các tướng Mã Lương, Hoàng Quyền, Trình Kỳ, Trương Nam, Ngô Ban, Phùng Tập và Triệu Vân lên đường. Khi đến Giang Châu, ông lệnh cho Triệu Vân (từng can gián) đóng quân ở lại làm tiếp viện, cho Ngô Ban làm tiên phong, dẫn quân ra Tam Hiệp, tiến vào Kinh Châu.

Năm 222, Lưu Bị đại bại ở trận Di Lăng hay còn gọi là trận Khiêu Đình hoặc trận Hào Đình, Triệu Vân đóng quân ở Giang Châu, được tin Ngô Ban báo toàn quân đại bại, vội dẫn quân ra chi viện, nhưng khi chưa tới mặt trận thì Lưu Bị đã rút về thành Bạch Đế, nên chia quân ra đóng ở Vu Huyện, dựa vào địa hình hiểm trở để phòng thủ.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung đã hư cấu ra chiến tích không có thật của nhân vật Triệu Vân là ra hộ tống Lưu Bị ở núi Mã Yên, đâm chết tướng Chu Nhiên, đẩy lui quân Đông Ngô. Trên thực tế Chu Nhiên trở thành đại đô đốc Đông Ngô năm 245, đến năm 249 mới mất (còn Triệu Vân đã chết từ năm 229).

Có nhiều ý kiến nhận định rằng, tác giả La Quán Trung có ý muốn "trả thù" giùm cho Quan Vũ, nên trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa đã hư cấu nên cái chết của những người đã hại Quan Vũ, như My Phương, Phó Sĩ Nhân, Mã Trung, Phan Chương, Chu Nhiên...

Tam quốc diễn nghĩa: Thực hư chuyện Triệu Vân giết chết đại đô đốc Đông Ngô Chu Nhiên - Ảnh 2.

La Quán Trung đã hư cấu ra việc Triệu Vân giết Chu Nhiên.

Chu Nhiên (182 – 249) hay Thi Nhiên, tự Nghĩa Phong, là một tướng của nhà Đông Ngô trong thời kỳ Tam quốc.

Mặc dù ông là bạn thuở thiếu thời của Đông Ngô Đại Đế Tôn Quyền, nhưng lại không bao giờ được giao trọng trách hay được đảm nhiệm các chức vụ cao trước khi Lã Mông đánh chiếm được phía nam Kinh Châu năm 219, khi đó ông được giao nhiệm vụ hỗ trợ truy bắt tướng địch là Quan Vũ. Lúc Quan Vũ chạy tới Lâm Thư thì Chu Nhiên và Phan Chương chặn đường phục kích. Chu Nhiên để sổng Quan Vũ, nhưng bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt sống được Vũ cùng Quan Bình và Triệu Lũy.

Năm 222, sau trận chiến Di Lăng, Tào Ngụy mở cuộc công kích vào phía tây bắc, miền trung, và phía đông biên giới Đông Ngô. Chu Nhiên được phái đến trấn thủ phía tây bắc để bảo vệ thành Giang Lăng chỉ với 5000 quân chống lại kẻ địch đông đảo hơn đến 10 lần. Danh tiếng của ông nhanh chóng lan truyền khắp nơi và trở thành nỗi khiếp sợ đối với Tào Ngụy. Sau đó, ông còn tham gia nhiều chiến dịch quân sự khác chống lại nước Ngụy, ông cũng tiêu diệt được khá nhiều quân địch nhưng lại không đạt được mục đích thực sự của các chiến dịch đó.

Năm 245, đại đô đốc Lục Tốn qua đời, Chu Nhiên tiếp quản chức vụ đại đô đốc, 4 năm sau thì mất. Đám tang Chu Nhiên được cho là lớn thứ 3 sau Lã Mông và Lăng Thống.

Quốc Tiệp (Theo Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem