Có thể nào Mr. Park sẽ trở thành Sir Alex Ferguson của Việt Nam?

Phạm Trần Oánh Thứ bảy, ngày 26/01/2019 19:09 PM (GMT+7)
Vậy là hành trình của ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2019 đã khép lại ở vòng tứ kết sau trận thua 0-1 trước Nhật Bản và các cầu thủ đã lên máy bay trở về nước trong sự chào đón của hàng ngàn CĐV nhà...
Bình luận 0

Chúng ta đã có 1 giải đấu thành công trên mọi phương diện. Ở trận đấu cuối cùng với Nhật Bản, dù thua, nhưng các cầu thủ của chúng ta hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu. Họ đã đối mặt một cách sòng phẳng với một đội bóng hàng đầu Châu lục. Cả đội đã thi đấu hết mình và đã có một trận đấu tốt. Phía dưới có Văn Lâm, xứng đáng là thủ môn xuất sắc nhất của giải. Phía trên Công phượng quấy đảo hàng phòng ngự Nhật Bản. Anh đá một trận như thể cho bõ những ngày phát tờ rơi trên đất Nhật. Nụ cười tự tin, có phần ngạo nghễ của ông HLV Nhật Bản Hajime Moriyasu ở những phút đầu đã được thay thế bằng nét mặt căng thẳng ở những phút cuối trận đấu.

Đến giờ, có thể khẳng định, HLV Park Hang-seo đã thành công với vai trò là HLV trưởng của ĐT Việt Nam.

img

HLV Park Hang-seo.

Các ĐT Việt Nam ở mọi cấp độ mà ông dẫn dắt đều đạt được những thành tích khó tin, đánh dấu đỉnh cao mới của bóng đá Việt Nam. Từ U23, đến U23 + 3, và nay là đội tuyển quốc gia. Với sự nghiệp một HLV, đó là những thành tích vang dội. Với bóng đá Việt Nam, ông đã trở thành một huyền thoại.

Ông là một HLV tài năng. Không cần đến những thành tích ở Việt Nam, thì tài năng chuyên môn của ông cũng đã được khẳng định. Không bỗng dưng mà ông được chọn làm trợ lý cho HLV huyền thoại Guus Hiddink ở Wold Cup 2002, ở giải đấu mà đội bóng Hàn Quốc của ông vào tới trận bán kết.

Chứng kiến ông dẫn dắt các cấp độ đội tuyển Việt Nam đến thành công, điều dễ nhận thấy nhất đó là cái cách mà ông dùng người. Ông đã thấy được tiềm năng cũng như điểm yếu riêng của mỗi cầu thủ và sử dụng họ cho những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong mỗi trận đấu, tương thích với ý đồ chiến thuật chung của cả đội. Ta chưa thấy cầu thủ nào được ông sử dụng mà gây thất vọng, kể cả những cầu thủ được coi là còn non hoặc những cầu thủ dường như đã hết thời. Đến độ, giờ đây vấn đề nhân sự của đội tuyển khi tập trung không còn là đề tài bàn tán sôi nổi của giới chuyên môn, của truyền thông hay người hâm mộ như trước đây nữa.

Điểm dễ nhận thấy nữa đó là sự sáng tạo, ứng biến trước từng đối thủ và với các diễn biến cụ thể trong từng trận đấu. Với mỗi đối thủ, ông có cách bày binh bố trận riêng và rất khó đoán. Chúng ta cũng chứng kiến cách ông thay người, điều chỉnh đội hình, thế trận để ứng biến với sự thay đổi tình thế của trận đấu. Có nhiều ví dụ cho điều này, nhưng điển hình là cách ông dùng Công Phượng. Có những trận Công Phượng không được ra sân, có những trận anh được xếp đá hơi lùi, phối hợp tấn công cùng đồng đội. Nhưng trong trận đấu tứ kết với Nhật Bản, một đội bóng có lối đá rất hiện đại, đại diện cho một nền bóng đá hiện đại. Họ phối hợp tấn công tốt, và có các bài miếng chống phối hợp tấn công của đối phương rất nhuần nhuyễn. Thì Công Phượng lại được yêu cầu đá đúng sở trường của mình, đó là khả năng hoạt động độc lập, cầm bóng, rê dắt và dứt điểm.

Và qua diễn biến trận đấu, ta đã thấy được hiệu quả của ý tưởng chiến thuật này. Khi chứng kiến các hậu vệ Nhật Bản khổ sở chống đỡ với kiểu đi bóng lắt léo của Công Phượng, ta cảm thấy dường như họ không quen thuộc khi phải đối mặt với lối đá rất cá nhân đó. Trong bóng đá hiện đại, người ta có xu hướng đề cao lối đá phối hợp đồng đội, và thực tế cho thấy lối đá này phát huy hiệu quả tốt hơn lối đá cá nhân, rê dắt. Việc sử dụng Công Phượng trong trận gặp Nhật bản như là đi ngược với xu hướng nêu trên, thể hiện sự sáng tạo của HLV Park Hang-seo trong ý tưởng chiến thuật của mình.

Nhưng điểm nổi bật nhất của đội Việt Nam trong tay ông HLV Park Hang-seo là tinh thần đoàn kết, tinh thần thi đấu. Theo dõi đội tuyển thi đấu, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến các cầu thủ có thái độ đầu hàng, buông súng, dù với bất kỳ tỷ số nào, trước bất kỳ đối thủ nào. Họ luôn thi đấu hết mình cho tới khi trận đấu kết thúc. Nếu là những người lính, họ thực sự là những người lính can trường, quả cảm.

img

ĐT Việt Nam đã có những trận đấu quả cảm tại Asian Cup 2019.

Hẳn HLV Park Hang-seo bằng cách nào đó đã truyền được nhiệt huyết, khơi dậy được lòng quả cảm trong từng cầu thủ. Làm cho họ hiểu ý nghĩa cụ thể của khái niệm “màu cờ sắc áo”. Rằng hình ảnh của họ, tinh thần của họ, tuy là trong thể thao, nhưng là đại diện cho hình ảnh dân tộc, tinh thần của dân tộc. Chúng ta có thể chưa giỏi, chúng ta có thể chưa mạnh, nhưng không bao giờ chúng ta chấp nhận là những kẻ bạc nhược.

Để làm được điều đó thì phẩm chất về năng lực chuyên môn là không đủ. Nó đòi hỏi phải có sự đồng điệu về mặt tâm hồn. May mắn thay, dường như ông vốn có một tâm hồn rất Việt Nam. Chứng kiến cách ông cư xử với các hoc trò của mình ta nhận ra điều đó. Tuy rất nghiêm túc, chỉn chu nhưng cũng đầy sự quan tâm, ân cần. Ông đòi hỏi ở học trò của mình rất nhiều, đòi hỏi sự kỷ luật, nỗ lực luyện tập, quyết tâm thi đấu. Sự tuyệt đối chấp hành đấu pháp ông đề ra, chấp hành các quyết định của ban huấn luyện. Nhưng ông cũng rất quan tâm, ân cần động viên, chăm sóc các cầu thủ trẻ, từ thể chất tới tinh thần, đúng là nghĩa thày trò, tình cha con.

Sự quan tâm này của ông được thể hiện qua những cư xử rất tinh tế. Nhìn lại trận Chung kết AFF Cup 2018, gặp Malaysia. Ở phút cuối cùng của thời gian bù giờ, khi trận đấu đã an bài, chắc chắn đội Việt Nam vô địch, ông đã thay Xuân Trường vào sân. Sự thay đổi đó không có giá trị gì về chiến thuật hay thế trận lúc đó. Nhưng nó là sự tinh tế trong cách quan tâm, ứng xử của ông dành cho Xuân Trường, là sự ưu ái dành cho tiền vệ trẻ tài năng của đội tuyển, vốn là đội trưởng đội U23. Do những lý do về sự phù hợp với nhu cầu thực tế, với ý tưởng chiến thuật, vì thành tích chung của đội, đã phải ngồi ngoài gần như cả giải đấu đó, để anh được có mặt trên sân với tư cách cầu thủ thi đấu trên sân của trận chung kết. Ví dụ khác về sự quan tâm tinh tế của ông là với Văn Quyết, người không được ra sân trong trận chung kết, không có nhiều đóng góp cho đội trong giải, thời gian thi đấu trên sân rất ít so với các cầu thủ khác. Mặc dù không được ra sân trong trận chung kết, và đội trưởng trong trận chung kết đó là Quế Ngọc Hải, nhưng khi nhận giải cùng cả đội, Văn Quyết vẫn đeo băng đội trưởng. Đó như là sự ghi nhận sự trách nhiệm, gương mẫu của Văn Quyết trong cả quá trình tập trung, luyện tập chuẩn bị cho giải đấu.

Trước HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam cũng đã từng có những HLV ngoại quốc, nhưng họ đã không thành công được như ông. Nếu cắt nghĩa sự thành công của Mr.Park chỉ bởi yếu tố tài năng chuyên môn, chắc rằng không đầy đủ. Các HLV ngoại quốc của ĐT Việt Nam trước ông cũng có nhiều người rất tài năng, họ cũng từng thành công ở nhiều nơi, nhiều cấp độ trước khi tới Việt Nam. Có lẽ, sự thành công của HLV Park Hang-seo còn nằm ở những yếu tố ngoài chuyên môn. Để tìm được một HLV có các phẩm chất phù hợp với bóng đá Việt Nam như HLV Park Hang-seo, cả ở những yếu tố chuyên môn lẫn những yếu tố ngoài chuyên môn là rất khó.

Trong cuộc sống, đôi khi người ta làm việc không chỉ vì tiền. Đôi khi họ làm việc để khẳng định bản thân, để thỏa chí bình sinh, hay để thể hiện sự có ích của mình. Có cảm giác rằng, thầy Park nằm trong số “đôi khi” đó.

Ở Manchester United, Sir Alex Ferguson đã làm HLV trưởng thành công trong 27 năm, ta biết rằng ông không làm việc chỉ vì tiền, và chỉ nghỉ hưu khi đã 72 tuổi với một sự nghiệp rực rỡ. Điều đó thể hiện tài năng của Sir Alex, thể hiện những phẩm chất chuyên môn lẫn ngoài chuyên môn phù hợp, sự đồng điệu, hòa hợp của ông với đội bóng. Nhưng cũng thể hiện tầm nhìn, văn hóa và cách thức ứng xử của những ông chủ CLB.

Vậy với chúng ta thì sao? Có thể nào Mr. Park sẽ trở thành Sir Alex của Việt nam? Có vẻ điều đó phụ thuộc vào tầm nhìn, văn hóa và cách ứng xử của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem