Xây dựng quy định là vấn đề khó
Thưa ông, tại kỳ họp thứ 5 (tháng 12.2016) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết về xử lý kỷ luật đối với cán bộ nghỉ hưu (viết tắt Nghị quyết) đã bị lùi. Sang đến kỳ họp thứ 6, dự thảo Nghị quyết tiếp tục bị lùi sang ngày 19.1, thay vì trình cho ý kiến ngày 11.1. Ông có suy nghĩ gì về việc này?
- Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý trách nhiệm đối với người nghỉ hưu. Điều đó có nghĩa là truy cứu trách nhiệm cán bộ trong thời gian họ đương chức có những vi phạm nhưng không bị phát hiện, khi nghỉ hưu mới phát hiện. Việc như thế chưa từng có trong tiền lệ, chính vì thế việc xây dựng quy định để xử lý là vấn đề khó khăn cho cơ quan được giao soạn thảo (Bộ Nội vụ).
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: I.T
Trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 2 khóa XIV ngày 23.11.2016, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
|
Trong hệ thống pháp luật của chúng ta chưa quy định mang tính pháp lý nào để xác định trách nhiệm hành chính của cán bộ khi họ đã nghỉ hưu. Nói cách khác, trách nhiệm hành chính ở đây tức là khi người cán bộ nhà nước không làm tròn bổn phận, có những vi phạm, khi bị phát hiện và truy cứu trách nhiệm lại rơi vào thời điểm người cán bộ đó đã chấm dứt quan hệ hành chính, tức là đã nghỉ hưu, đã trở thành dân thường. Đó cũng là cái khó khi đặt vấn đề xử lý.
Việc xử lý kỷ luật hành chính với cán bộ đã nghỉ hưu là yêu cầu thực tiễn chúng ta chưa lường được khi xây dựng pháp luật, thưa ông?
- Từ trước tới nay chúng ta chưa đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hành chính đối với người đã nghỉ hưu. Nhưng thời gian gần đây có những biểu hiện cho thấy nhiều trường hợp cán bộ đã tranh thủ "chuyến tàu vét", dẫn tới làm bừa, làm bậy, gây hậu quả cũng như tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Do đó, phải đặt ra quy định để xử lý vấn đề đó. Đây đúng là việc xuất phát từ thực tiễn mà chúng ta chưa lường trước được. Trong các văn bản luật trước đây, trong đó có Luật Cán bộ công chức đều chưa đặt ra vấn đề xử lý kỷ luật người nghỉ hưu.
Thực tiễn thôi thúc như vậy nên khi xây dựng Nghị quyết để xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu cần phải tìm những cơ sở pháp lý cơ bản có thể vận dụng được. Trước tiên cần xây dựng những quy định đảm bảo cho việc áp dụng xử lý, đồng thời cũng đảm bảo tính răn đe, giáo dục nhưng về lâu dài qua thời gian thực hiện phải nâng lên thành luật, như thế mới trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu trong kiểm soát quyền lực của cán bộ khi thành công vụ.
Không để tình trạng xảy ra sai phạm rồi “hạ cánh an toàn”
Có ý kiến cho rằng, nếu Nghị quyết về xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành, giá trị lớn nhất là sự răn đe, giáo dục cho đội ngũ cán bộ đương chức, nhất là với cán bộ lãnh đạo chứ không phải chỉ để xử lý kỷ luật người đã nghỉ hưu, ông nghĩ sao?
- Đúng như vậy. Nếu như Nghị quyết trên sớm được ban hành thì sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa trực tiếp đến những cán bộ đang làm việc trong bộ máy, đặc biệt là những người chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức cấp trên về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình. Sự răn đe, giáo dục không chỉ đối với cán bộ lãnh đạo có chức vụ quyền hạn mà cả đối với nhân viên công vụ khi thực hiện công việc hành chính, trách nhiệm đó sẽ xuyên suốt và đi đến cùng.
Nghị quyết phải làm sao cho tất cả cán bộ thấy như lưới pháp luật. Khi anh đương chức, anh không thực hiện đúng chức trách của mình, để xảy ra vi phạm gây hậu quả thì dù anh có chuyển công tác hay nghỉ hưu vẫn không thể nào thoát khỏi lưới pháp luật. Nói một cách mà nhiều người vẫn ví von "hạ cánh nhưng không an toàn". Ý thức được điều đó, người cán bộ trong thời gian đương chức có thể tránh được sự tùy tiện, lạm dụng khi thi hành công vụ.
Theo ông, sau này nếu Quốc hội tiến hành sửa Luật Cán bộ, công chức, vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu có cần đưa vào, về mặt logic việc đưa vào có phù hợp?
- Tôi nghĩ khi sửa Luật Cán bộ, công chức, nội dung nêu trên rất cần được đưa vào. Từ đó có cơ sở xác định trách nhiệm hành chính cho cán bộ trong cả một quá trình thực thi công vụ của họ. Tất nhiên phải xem xét đến bản chất của quan hệ hành chính. Bản chất của quan hệ hành chính là quan hệ điều hành của cấp trên với cấp dưới, là sự chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ của người cán bộ. Còn khi họ đã nghỉ hưu quan hệ hành chính đã chấm dứt.
Khi còn làm việc, cán bộ nào vi phạm, có những hình thức xử lý kỷ luật hành chính như cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Tuy nhiên, những hình thức đó sẽ không tác động trực tiếp đến quyền lợi, uy tín của người đã nghỉ hưu.
Như vậy việc xử lý hành chính với cán bộ đã nghỉ hưu thế nào, tôi nghĩ có thể tước bỏ toàn bộ những danh dự trước đây của họ, chẳng hạn như huân chương, bằng khen..., tước bỏ quyền lợi, chế độ họ đang được hưởng. Cách thứ hai là xem xét mức độ xử lý hành chính đó đã đủ sức răn đe chưa nếu chưa thì có thể chuyển sang xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Qua đó để cho đội ngũ cán bộ đương chức thấy để làm gương, để có ý thức thực hiện đúng trách nhiệm trong công việc.
Trong khi chờ Nghị quyết được ban hành, việc xử lý những trường hợp vi phạm như dạng của ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương) vẫn phải chờ, thưa ông?
- Vấn đề để xử lý những trường hợp cụ thể thì không chỉ xem xét ở góc độ hành chính, trong hệ thống pháp luật hiện hành đều có quy định trách nhiệm về dân sự, trách nhiệm về kinh tế, trách nhiệm hình sự. Nói như vậy để thấy không nhất thiết phải có quy định về trách nhiệm hành chính với cán bộ nghỉ hưu mới xử lý kỷ luật khi phát hiện vi phạm của họ. Để xử lý những trường hợp có sai phạm nghiêm trọng trong thời gian đang đảm nhiệm chức vụ thì cho dù không cần truy cứu trách nhiệm hành chính vẫn có các quy định trách nhiệm khác vẫn có thể xử lý được. Vấn đề phải được xem xét kỹ lưỡng.
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào vi phạm hành chính của ông Vũ Huy Hoàng rồi đi tìm cơ sở pháp lý để xử lý, nhưng vì thiếu quy định nên phải xây dựng. Tuy nhiên trong vụ việc này dư luận đặt vấn đề ngoài vi phạm hành chính, ông này còn những vi phạm gì khác không. Để trả lời câu hỏi này đó là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu như những dấu hiệu vi phạm cấu thành những hành vi vi phạm nằm trong đạo luật khác thì phải xử lý theo luật đó.
Xin cảm ơn ông (!)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.