Con bệnh, chồng mất, nhà không còn..., “Nữ hoàng điền kinh” Vũ Bích Hường vẫn không gục ngã

Lê Đức - Đức Hiếu (Dòng đời) Thứ ba, ngày 11/11/2014 06:24 AM (GMT+7)
Cuộc đời dường như cố ý tạo ra những nỗi khổ, những sự trớ trêu tột bậc để thử thách sức chịu đựng của “cô gái thép” Vũ Bích Hường - “nữ hoàng điền kinh” một thời của thể thao Việt Nam. Nhưng nghị lực phi thường đã giúp Bích Hường không gục ngã. Chị đã chấp nhận mọi khổ ải, nén tất cả những đau đớn vào trong để sống và cống hiến với tất cả đam mê…
Bình luận 0
Cuộc gặp diễn ra lúc 14 giờ 30 nhưng chị Hường mới bắt đầu… ăn sáng (mà cũng là bữa trưa và cũng có thể là bữa tối luôn) với một gói xôi xéo: “Không sao đâu, chị vừa ăn và nói chuyện nhé. Thông cảm cho chị, không có thời gian, từ sáng đưa con nhỏ đi học rồi dạy đội trẻ điền kinh Hà Nội…” - chị nói một cách thoải mái...

Càng khổ càng không được khóc

Ở tuổi 45, trải qua bao đắng cay, mất mát trong cuộc sống nhưng Bích Hường vẫn nhanh nhẹn, trẻ trung và vô cùng lạc quan. Ngay thời điểm đớn đau nhất, khi đứa con thứ hai mắc chứng tăng động, còn người chồng ra đi vì bạo bệnh, nhà cửa bán sạch, Bích Hường vẫn rất cứng cỏi và mạnh mẽ đối diện với bão táp cuộc đời. “Kêu khổ thì giải quyết được gì đâu. Điều quan trọng là mình phải chấp nhận thực tế và vượt qua những nỗi đau như thế nào. Khóc lóc, buông xuôi trong nghịch cảnh thì dễ. Nén đau để cười và vượt lên mới khó. Và tôi luôn chọn cách thứ hai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào” - Bích Hường chia sẻ. 
img Vũ Bích Hường luôn lạc quan và nhìn về phía trước ở tuổi 45. (Ảnh: Đức Hiếu)

19 năm trước, ở SEA Games 18 tại Chiang Mai (Thái Lan), hình ảnh vận động viên điền kinh Vũ Bích Hường khóc òa trên vai HLV Hoàng An đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của thể thao Việt Nam một thời gian dài. Những giọt nước mắt ấy, như Bích Hường hiện tại chia sẻ, là nước mắt của hạnh phúc ngập tràn và cả những xúc cảm trộn lẫn khi đem về tấm huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam trong lịch sử các kỳ tham dự SEA Games. Thành công ấy đã tạo đà mạnh mẽ để điền kinh Việt Nam sau đó có những bước phát triển vượt bậc và trở thành một thế lực thực sự của điền kinh Đông Nam Á. 

Thời điểm ấy, Bích Hường chính là “độc cô cầu bại” của điền kinh Việt Nam và chị lẽ ra đã giành thêm rất nhiều huy chương vàng SEA Games nữa trong sự nghiệp thi đấu kéo dài đến năm… 41 tuổi. Nhưng Thái Lan, với vận động viên nhập tịch Trecia Roberts, đã lái câu chuyện sang một hướng khác. Chỉ giành thêm 4 huy chương bạc nữa, nhưng Bích Hường không quá buồn vì điều ấy. Chị bộc bạch: “Vào thời điểm ấy, ai cũng biết và bản thân tôi cũng biết mình là vận động viên giỏi nhất Đông Nam Á ở cự ly này. Trecia thực chất không đủ tiêu chuẩn tham dự SEA Games, nhưng do điền kinh của ta lúc đó chưa có tiếng nói đủ mạnh nên đành chấp nhận”.

Nhưng đấy mới là khoảng lặng trong sự nghiệp. Còn cuộc đời mới tạo ra những bi kịch khủng khiếp để thử thách lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng của Bích Hường. Cách đây mấy năm, gia đình Bích Hường cũng từng có một căn nhà nhỏ do ông bà nội để lại. Nhưng khi con trai thứ hai bất ngờ bị bệnh tăng động, anh chị đã quyết bán nhà để chữa trị cho con. “Không bán thì biết lấy tiền đâu mà chữa. Thương con, của nả chẳng có ý nghĩa gì hết. Chẳng riêng nhà chứ có cái gì bán được để  chữa cho con, tôi cũng đã bán hết”.
img Vũ Bích Hường chăm sóc cho cậu con trai đang tiếp bước mẹ trong sự nghiệp điền kinh lắm gian truân.(Ảnh: Internet)

Con vừa tạm đỡ, cả nhà chuyển về căn nhà thuê rất tuềnh toàng, chật chội trên phố Thụy Khuê. Thế nhưng đời lắm trớ trêu, vận hạn nào đã buông tha Bích Hường. Sau đứa con, lại đến chồng mắc bệnh hiểm nghèo: Ung thư phổi giai đoạn cuối. “Khi ấy, ruột tôi như đứt ra từng khúc, đau đớn lắm chứ. Nhưng tôi đã tự nhủ, trong hoàn cảnh này, mình cũng gục ngã thì lấy ai làm chỗ dựa cho chồng, con”. Từ tận cùng nỗi đau, tính cách mạnh mẽ đã giúp Bích Hường gượng dậy. Chị không bao giờ khóc trước mặt chồng, con, cố gắng tạo ra tiếng cười trong căn nhà nhỏ đi thuê. Bích Hường bảo: “Tôi giấu bằng được bệnh án của anh ấy. Cả hai họ nội, ngoại đều biết nhưng tôi giữ kín để riêng anh không biết”. 

Nhưng chẳng nhẽ chị không bao giờ khóc trước sự cay đắng, nghiệt ngã đến tột cùng như thế? chúng tôi hỏi. Nghẹn lại một chút, ánh mắt hơi xa xăm, Bích Hường nói nhỏ cho chúng tôi nghe mà như tâm sự với chính mình: “Có chứ, tôi khóc nhiều lắm, khóc đến cạn nước mắt rồi. Nhưng tôi biết, mình mà khóc trước mặt mọi người thì cả gia đình quỵ mất. Bởi thế, lúc đau đớn quá, tôi ra ngoài, tìm một góc khuất nào đó để khóc cho vơi nỗi buồn”. 
Ít ai biết rằng, ngoài niềm đam mê với điền kinh, Vũ Bích Hường còn có thú chơi xe máy phân khối lớn. Bích Hường từng nhờ mua một chiếc xe khá “độc” để sử dụng, nhưng khi con ốm, chồng bệnh, chị không ngần ngại bán xe để lấy tiền chữa trị cho chồng con.
Đã đam mê thì không sợ khổ

Khi chồng mất, chị đã được Sở VHTTDL Hà Nội tạo điều kiện để mua một căn nhà trả góp. “Cũng khó khăn lắm nhưng dù sao cũng đỡ hơn cảnh đi ở thuê” - Bích Hường nhoẻn cười tâm sự.
img HLV Hoàng An (phải) chúc mừng học trò Vũ Bích Hường khi cô giành HCV SEA Games đầu tiên cho điền kinh Việt Nam. (Ảnh: tư liệu)

“Đến với điền kinh đỉnh cao vì đam mê lẫn tình cờ, cả nghiệp vận động viên thành công trên đường chạy nhưng cực khổ ngoài đời. Biết vậy sao chị vẫn cho con trai đầu (Nguyễn Ngọc Quang) nối nghiệp mình?”. Bích Hường trả lời rất dứt khoát: “Tôi đến với điền kinh bằng niềm đam mê, mà đã đam mê thì không được sợ khổ. Tất nhiên, tôi biết cái nghề này đã “ráo mồ hôi là hết tiền”, nhưng đam mê lắm, không bỏ được. Với con trai, tôi đã nói: Mẹ chia sẻ với con là chơi thể thao thì khổ lắm. Tập luyện cực nhọc, thường xuyên xa nhà khi thi đấu, đến lúc giải nghệ không dễ kiếm việc làm. Nhưng nếu con thực sự đam mê, mẹ sẽ ủng hộ con”. Nói là làm, Bích Hường chính là HLV đầu tiên của cậu cả và luôn sẵn sàng uốn nắn, giúp đỡ con về chuyên môn. 

“Trong nghề nghiệp cũng như cuộc sống, tôi luôn khuyên con là phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định. Khi đã quyết định rồi thì khó khăn thế nào cũng phải tìm cách vượt qua chứ không được nản chí, ỉ lại”, Bích Hường khẳng định với chúng tôi. Không chỉ điền kinh, ngay cả việc Ngọc Quang quyết lập gia đình sớm, dù còn lăn tăn, nhưng chị vẫn quyết định ủng hộ con.

Hiện tại, Bích Hường hài lòng với công việc là HLV đội điền kinh trẻ Hà Nội. “Huấn luyện cho các vận động viên lứa 12-13 tuổi thích lắm, vì đó là lúc xây nền móng, đòi hỏi sự chăm chút, kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng chút một. Tôi luôn nói với các em: Cô biết các con tập luyện mệt nhưng các con không được bỏ bê việc học. Các con cố gắng học văn hóa để nếu không vươn đến sự nghiệp thể thao đỉnh cao, các con cũng đỡ vất vả khi vào đời”. 

Điều mà Bích Hường trăn trở nhất, day dứt nhất là chị chưa thể tìm ra truyền nhân của mình. “Đã gần 20 năm kể từ khi tôi đoạt huy chương vàng nội dung 100m rào nữ, chưa có vận động viên Hà Nội nào “nối nghiệp” tôi ở cự ly khó khăn bậc nhất trong thi đấu điền kinh”- Bích Hường nói. Rồi chị chia sẻ thêm: “Thời xưa, chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm, đi thi đấu có khi còn phải ngủ ở nhà dân, tập trên sân xỉ than ngã cực đau, chấn thương thì toàn tự mày mò tìm cách chữ. Còn bây giờ, không ít vận động viên trẻ có nhiều điều kiện, có cả tố chất nhưng lại chưa đủ đam mê để bứt phá, bật vọt thành tài năng thực sự”. Một chút bâng khuâng bên bàn cà phê, rồi Bích Hường, với sự mạnh mẽ đúng với tính cách của chị đã pha trò: “Thôi tạm thế nhé, đến giờ tôi đi huấn luyện rồi. Hy vọng, với niềm đam mê của mình, tôi sẽ tìm được thật nhiều “ngọc thô” cho điền kinh Việt Nam”. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem