Con gái Thủ đô chơi thể thao giỏi thật!

Thứ bảy, ngày 28/01/2012 06:48 AM (GMT+7)
Tại SEA Games 26, tham gia với lực lượng nữ VĐV đông đảo - 232 người (80 nữ VĐV Hà Nội), phái đẹp đã gặt hái hơn một nửa số HCV toàn đoàn, trong đó 20 tấm HCV là chiến công của nữ VĐV Hà Nội.
Bình luận 0

Mai Phương “Cô bé hạt tiêu” cay xè của Wushu

Sinh năm 1990, tuổi đời còn rất trẻ nhưng trong làng Wushu Mai Phương đã nổi tiếng từ lâu. 14 năm luyện wushu cô đã giành được nhiều thành tích trên đấu trường thế giới, châu lục cũng như khu vực. Tại Sea Games 26 cô lại hái Vàng về cho đất nước.

img

 

Tấm HCV Mai Phương giành được tại SEA Games 26 là thành tích ở nội dung thi trường quyền nữ. Đây là tấm HCV thứ 90 của đoàn thể thao Việt Nam tại đấu trường này. Bài biểu diễn của cô quá xuất sắc và ấn tượng nên đã được các trọng tài chấm 9,71 điểm và vượt qua võ sỹ nổi tiếng của nước chủ nhà là Susyana một cách ngoạn mục.

Mai Phương “bén duyên” với Wushu khi mới 5 tuổi. Ngày ấy cô bé tham gia lớp học múa của trường mẫu giáo và lọt vào “mắt xanh” của một HLV Wushu. Vị HLV đó đã phải thốt lên “cô bé có thân thể mềm dẻo đến khó tin” và tuyển bé về lớp năng khiếu wushu Hà Nội. Mai Phương kể: “Hồi đó em bé loắt choắt. Mỗi khi xem các bậc tên tuổi như Thúy Hiền, Phương Lan... tập em rất khâm phục và… choáng vì thấy các chị thật tài giỏi.

Em luôn mơ có ngày mình cũng biểu diễn xuất thần được như vậy”. Sau 4 năm tập luyện, năm lên 9 Mai Phương tham gia thi đấu ở giải trẻ toàn quốc và giành được HCĐ. Một điều rất đáng khâm phục ở “Phương bé” chính là ý chí quyết tâm trong tập luyện. So với nhiều bạn bè cùng trang lứa trong đội tuyển, Mai Phương yếu hơn về thể lực, bù lại cô rất chăm chỉ, chịu khó trau chuốt cho từng động tác biểu diễn sao cho thật nhuyễn,thật đẹp.

Mai Phương “bật mí”, bạn trai của em cũng là thành viên của đội tuyển wushu Việt Nam. Anh ấy đã giúp em rất nhiều trong luyện tập, từ việc biên bài, làm độ khó ở những bài tập tự do và các nội dung cần nhiều sự sáng tạo của VĐV…

Sau 14 năm kiên trì, Mai Phương đã thực hiện được ước mơ “giỏi như các bậc đàn chị” và gặt hái nhiều giải cao trong nước và quốc tế: HCV giải trẻ châu Á năm 2003, 2007, HCV SEA Games 2009, 2011, HCV Asian Indoor Games 3… Thành tích cao nhất Mai Phương đạt được là chiếc HCĐ về kiếm thuật tại đấu trường lớn Olympic năm 2008.

Ngoài sở thích luyện tập wushu, Mai Phương còn đam mê ca hát và hát rất hay, xứng danh là cây văn nghệ của đội tuyển quốc gia. Mai Phương còn rất thích nấu ăn. Cô chăm vào bếp, chịu khó học cách làm nhiều món ăn lạ trong mỗi dịp đi tập huấn, thi đấu tại Trung Quốc, Thái Lan, Lào... Cô “khoe” mình biết chế biến món sườn rán rất ngon, khi được cô chiêu đãi món này bạn bè và người thân trong gia đình đều trầm trồ khen ngợi.

Trước thềm năm mới, “cô bé hạt tiêu” của làng Wsuhu mong ước sau này sẽ trở thành một phóng viên thể thao để làm cầu nối chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, sự cực nhọc cũng như vẻ đẹp và niềm tự hào của thể thao đến với đông đảo công chúng. 

Lệ Dung “Đệ nhất kiếm”

img

Hai chị em Nguyễn Thị Lệ Dung – Nguyễn Thị Hoài Thu là cặp “song sinh đả kiếm” nổi tiếng của làng đấu kiếm Hà Nội. Cô chị Hoài Thu sau khi giành 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại giải vô địch Đông Nam Á, đã lùi về làm huấn luyện viên. Cô em Lệ Dung vẫn tiếp tục thi đấu môn kiếm chém và được các kiếm thủ mệnh danh là “đệ nhất kiếm chém” của khu vực Đông Nam Á.

 

Việc Lệ Dung tiếp tục giành HCV tại nội dung kiếm chém ở SEA Games 26 lần này không làm ai ngạc nhiên. Cô gái chân dài (cao 1,7 m) SN 1985, đến từ Đông Anh, HN đã gây ấn tượng từ năm 2002, khi đấu kiếm thực sự “tái sinh” tại Việt Nam. Từ thời thiếu nữ, cô và người chị song sinh đã được chuyên gia Trung Quốc - ông Dương Thắng Lợi chọn vào đội tập luyện môn kiếm chém.

Đến năm 2003, Lệ Dung “hạ sơn xuất kiếm” và thành công ngay từ SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam. Thuộc thế hệ đầu tiên của đấu kiếm hiện đại nước nhà, Lệ Dung đã đi một chặng đường dài cùng thanh kiếm. Hiện nay, Lệ Dung là kiếm thủ nữ thành công nhất của “võ lâm Việt Nam” với 6 tấm HCV ở ba kỳ SEA Games 22, 23, 24 và vừa bảo vệ thành công vị trí số một tại SEA Games 26.

Cô gái Hà Nội tính tình nền nã, ít nói thường chỉ cười khi được hỏi về mình, khiến HLV Lê Bá Anh Quang phải nói giúp: “Con gái đấu kiếm ít nói lắm, chỉ lúc nào cầm kiếm mới trở nên hùng dũng và vô cùng mạnh mẽ” .

Hồi đầu, khi vừa xin phép bố mẹ cho theo học môn kiếm, hai chị em vấp phải sự ngăn cản kịch liệt của gia đình. Thế là “hai chị em bước ra từ truyện kiếm hiệp” kiên trì đi vận động cô bác, bạn bè bố mẹ tác động giúp. Cuối cùng thì bố mẹ hai cô cũng đã đồng ý. Sau nửa tháng “thử thách”, chị em Lệ Dung và Hoài Thu đều được chọn vào đội tuyển đấu kiếm Hà Nội.

Phải đi tập luyện xa nhà, hai chị em luôn biết bảo ban, động viên nhau cố gắng tập luyện. Riêng việc phải mang bộ áo giáp nặng tới 10 kg với chiếc mũ nặng 2kg, cô đã rất vất vả. Khi thi đấu, mỗi VĐV còn phải đeo trước bụng tấm giáp lưới điện và mang sau lưng chiếc dây dài nối với bảng tính điểm điện tử.

Lúc vào trận, VĐV phải di chuyển với tốc độ nhanh nên phần bảo hộ nối từ mũ xuống thân áo phải thiết kế mỏng bớt để tăng độ đàn hồi, vì thế phần cổ VĐV trở thành vị trí nguy hiểm, nếu sơ ý để mũi kiếm của đối thủ “lách” vào thì VĐV sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Mang vác nặng lâu ngày nên các kiếm thủ không tránh khỏi chấn thương cột sống, hội chứng đau vai gáy…

Mỗi khi “song sinh kiếm thủ” có dịp về thăm gia đình, bố mẹ các cô lại nhìn hai cô con gái vừa mừng vừa lo. “Theo đuổi nghiệp đao kiếm mãi thế này thì liệu có lấy được chồng”? Đã có lần Lệ Dung định “dứt áo” đi học trường Ngoại thương để lập nghiệp bằng con đường khác. Song vì “ nhớ thanh kiếm quá nên lại trở về và quyết theo đuổi nghiệp đấu kiếm đến cùng” – “Đệ nhất kiếm” của Thủ đô tâm sự. 

Ngân Thương - Cú đúp ngoạn mục đòi lại danh dự

img

Đỗ Thị Ngân Thương - cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng ngần được mệnh danh là bupbe của bộ môn thể dục dụng cụ. Tên tuổi của Ngân Thương từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với người dân Thủ đô.

Rời xa nhà gia đình sang Trung Quốc rèn luyện từ năm lên 6 tuổi. Hơn mười năm “biền biệt nơi đất khách quê người”, gặp nhiều chấn thương ở cột sống, cổ tay, khớp gối… đặc biệt là bàn tay cô bị “mòn” hết tất cả các đường chỉ. Hơn 10 năm xoáy tròn theo các thanh xà lệch, tung người lên không trung rồi bắt lại xà để lấy thăng bằng, tiếp tục các động tác khác… thì bàn tay nào chịu nổi.

Mỗi khi mùa đông đến, cô bé lại bị những cơn đau dai dẳng hành hạ, nhất là khi các vết chai tay bị nứt nẻ, chảy máu. Vượt lên nhiều khó khăn, gian khổ, Ngân Thương đã gặt hái được vô số thành công. Liên tiếp các kỳ SEA Games 22, 23, 24 cô đều giành được HCV, đặc biệt là ở nội dung toàn năng, xà lệnh, cầu thăng bằng.

Sau những thành công vang dội tại đấu trường SEA Games, Ngân Thương được tham gia thi đấu ở Olympic Bắc Kinh 2008. Chỉ vì muốn có thân hình thon thả hơn (dù khi đó cô chỉ nặng có 40 kg và cao 1,50 m), cô đã dại dột dùng thuốc tiêu chảy… Thật không may khi cô bốc thăm trúng vào danh sách thử doping ngẫu nhiên. Và thế là án phạt doping đổ xuống đầu cô.

Ngân Thương phải nghỉ thi đấu 2 năm.Tưởng rằng Ngân Thương sẽ rời thảm đấu. Song, cô muốn đứng lên và tỏa sang nới đấu trường để khẳng định tài năng của mình. Hàng ngày, ngoài giờ học và làm huấn luyện viên cho đội tuyển trẻ Hà Nội, cô âm thầm tự mình tập luyện. 8 tháng trước ngày SEA Games 26 khai cuộc, cô mới trở lại đội tuyển quốc gia tập luyện dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia Trung Quốc.

Tại đấu trường, với tiếng tăm là VĐV đẳng cấp, cô “được” các đối thủ “chăm sóc” rất kỹ. Họ tìm mọi cơ hội có thể để quan sát cô tập luyện, cố gắng phân tích từng động tác tìm điểm mạnh, điểm yếu để “ra” đối sách. Cả những biểu hiện về tâm lý, sức khỏe của cô cũng được đưa vào “tầm ngắm”. Kết cục, tất cả các đối thủ mạnh trong khu vực đã phải “tâm phục khẩu phục” trước kết quả thi đấu của Ngân Thương.

Cô đã giành chiến thắng vang dội với cú đúp ngoạn mục - 2 HCV ở nội dung xà lệch và cầu thăng bằng, 1 HCB nội dung toàn năng. Xúc động dâng tràn, cô gái làng Liễu Giai (cũ) của Hà Nội vui mừng chia sẻ: “2 tấm huy chương Vàng này không chỉ giúp em lấy lại danh dự cho bản thân mà còn là món quà gửi tới bạn bè, bố mẹ, các học trò và cho… anh ấy - người luôn ở bên em chia sẻ mọi nỗi vui buồn.

“Anh ấy” của Ngân Thương là một đồng đội - VĐV thể dục dụng cụ nam Hoàng Cường. Cường là chàng trai Hà Nội, sang Trung Quốc tập huấn đã nhiều năm. Đôi bạn đã có mười năm gắn bó bên nhau. Tại SEA Games này, bên cạnh thành công của Ngân Thương, Hoàng Cường cũng giành được 2 HCV: thể dục tự do nam và nội dung đồng đội.

Bích Phương tài năng không đợi tuổi

img

Chính thức gia nhập Quân đội chỉ mới 5 năm nay nên đối với làng karatedo thì Lê Bích Phương (SN 1991) là “người mới”. Nhưng cô gái người làng Lở, xã Đặng Xá, Gia Lâm, HN đã sớm thành danh nhờ thành tích giành HCV tại ASIAD 16 (Đại hội thể thao châu Á năm 2010). Tại SEA Games 26, Bích Phương đã khẳng định tài năng đích thực của mình với tấm HCV ở hạng cân 55kg nữ.

Bắt đầu tập luyện karatedo từ năm 2005 nhưng đến năm 2008, Bích Phương mới được gọi vào đội tuyển quốc gia. Danh tiếng của những đàn chị như Bảo Ngọc, Kim Anh, Nguyệt Ánh… tưởng chừng như đàn em khó có thể “đuổi” theo. Tại ASIAD 16 Bích Phương được cử tham dự để cọ xát, nâng cao kinh nghiệm, bản lĩnh.

Chính vì vậy, cô không phải chịu bất kỳ sức ép nào. Phương vào trận với tâm lý thoải mái nên đã thi đấu tốt và giành HCV. Biết thế mạnh của Bích Phương qua kỳ ASIAD năm ngoái, các đối thủ tìm mọi cách để “phá” các ngón “độc chiêu” của cô. Họ đã phải “bó tay” vì Bích Phương năm nay đã chững chạc, điêu luyện hơn rất nhiều.

Không phụ niềm tin của Ban huấn luyện và đồng đội, cô gái Thủ đô này đã xuất sắc thắng đối thủ người Indonesia Pustitasari 4-0 , hoàn tất bộ sưu tập HCV ở cả đấu trường châu lục và khu vực.

Năm 2005, khi đoàn của Sở TDTT Hà Nội xuống địa phương tìm kiếm tài năng, Bích Phương đã háo hức về nhà xin ý kiến bố mẹ để đăng ký tham gia. Ông Lê Văn Vang, bố của Phương là người kịch liệt phản đối vì sợ con theo thể thao thì tương lai sẽ “không nên cơm cháo gì”. Bích Phương đã nỗ lực hết sức để chứng minh cho bố mẹ thấy quyết tâm của mình.

Suốt cả tuần, cô bé đi bộ ra tuyến xe bus số 22 – Gia Lâm – Kim Mã, rồi lại đi bộ từ Kim Mã tới Trung tâm thể thao Hà Nội ở Trịnh Hoài Đức. “Thế là bố mẹ em “thua” luôn. Em không ngờ bố còn phóng xe máy theo để xem con đi lại có an toàn không rồi mới yên tâm trở về nhà. Sau tuần đó, bố em ngày nào cũng đèo em lên Trịnh Hoài Đức để tập luyện”.

Sau chiến thắng tại SEA Games 26 , ông Vang càng tự hào về cô con gái “rượu”: “Phương đã chứng minh được thành công thực sự của mình chứ không phải là do may mắn. Con gái đã lớn rồi, vợ chồng tôi không còn phải quá lo lắng…”. Còn thầy Lê Công thì khẳng định: “Bích Phương có sức trẻ, không sợ va chạm, có đòn chân rất điêu luyện và lợi hại, đặc biệt là khả năng nhanh chóng tìm ra điểm yếu của đối phương… Nếu chăm chỉ luyện rèn, em còn tiến xa hơn nữa”.

Tuổi trăng tròn, Bích Phương có bạn tâm giao là võ sĩ karatedo Nguyễn Minh Phụng, con trai đất Bình Dương. Chàng trai này cũng rất tài giỏi với thành tích HCV tại SEA Games 25 ở nội dung 70kg, HCV giải karatedo trẻ châu Á 2010. Mối tình nồng thắm chính là động lực để cả hai cùng tiếp tục tỏa sáng.

Theo Phụ nữ Thủ đô
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem