Con nhà giàu: Tiểu thư gia đình "nghìn tỷ" ở Nghệ An
Tiểu thư gia đình "nghìn tỷ" ở Nghệ An nói về áp lực của con nhà giàu
Thứ hai, ngày 05/09/2022 07:27 AM (GMT+7)
Phạm Thị Linh (thường gọi là Julie Phạm) là con gái của chủ khu du lịch sinh thái lớn ở Nghệ An. Cô hiện đang theo học tại một trường quốc tế tại Đà Nẵng với mức học phí 600 triệu/năm.
Phạm Thị Linh được biết đến là cô tiểu thư lớn lên trong gia đình sở hữu khu du lịch giá trị hàng nghìn tỷ đồng ở Nghệ An. Bên cạnh được biết đến như một "rich kid" (con nhà giàu - PV), Linh còn là một TikToker có hơn 175 nghìn lượt theo dõi kênh video chia sẻ về cuộc sống của cô.
Có điều kiện đủ đầy tưởng chừng sẽ đem đến cho Linh một cuộc sống vô lo vô nghĩ nhưng trên thực tế, cuộc sống của một "rich kid" cũng đem đến cho cô những lo toan và áp lực.
Sự giàu có đem đến nhiều thuận lợi nhưng đi kèm với những áp lực
"Việc gia đình có một nền tảng kinh tế vững chắc đem đến cho mình nhiều thuận lợi. Khi mình muốn làm điều gì đó, bố mẹ luôn sẵn sàng ủng hộ rất nhiệt tình và đưa ra những lời khuyên bổ ích.
Tuy nhiên, áp lực đến từ sự kì vọng của những người xung quanh cũng nhiều không kém. Nếu bản thân mình không thành công trong công việc thì không tránh khỏi sẽ có "điều tiếng" xuất hiện", Linh chia sẻ.
Nói rõ thêm, những "điều tiếng" này không chỉ xuất hiện khi thất bại mà đôi khi nó cũng đến khi Linh đang hoặc đã hoàn thành một mục tiêu trong cuộc sống của mình.
"Thường mọi người sẽ nói rằng vì mình sinh ra ở "vạch đích" nên những gì mình đạt được phải là do có bố mẹ hỗ trợ kinh tế hoặc "nhà giàu rồi làm gì mà chẳng được". Những lời phán xét đó đã phủ nhận những nỗ lực của mình dù rằng trên thực tế, để đạt được những mục tiêu như vậy, mình cũng đã phải cố gắng rất nhiều", Linh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phạm Thị Linh cũng nhận thấy sinh ra trong gia đình giàu có cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định: "Chúng mình phải chứng minh khả năng và năng lực phù hợp với vị trí mà gia đình mang lại hay phải học tập và sử dụng thành thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mình cũng phải trải qua những điều đó và cũng phải nỗ lực rất nhiều".
Ngoài những áp lực đến từ sự kỳ vọng của những người xung quanh, Linh cũng thường phải đối diện với những áp lực do chính mình đặt ra: "Mình may mắn rằng ba mẹ không trực tiếp tạo áp lực cho mình bao giờ. Tuy nhiên, nhìn vào mắt ba mẹ, mình vẫn cảm nhận được sự kỳ vọng rất lớn nên mình luôn muốn cố gắng nhiều hơn nữa".
Đối mặt ra sao với những áp lực từ dư luận?
Linh nói rằng trong giai đoạn đầu làm TikTok của mình, cô gặp khá nhiều áp lực nhưng may mắn vẫn luôn có bố mẹ ở bên cạnh động viên và ủng hộ.
Từng chia sẻ lên trang TikTok cá nhân của mình với chủ đề "Nhà giàu chưa chắc đã sướng", Phạm Thị Linh nhận về nhiều ý kiến trái chiều thể hiện sự phủ nhận những nỗi khổ tâm và những áp lực đến từ những người có hoàn cảnh sống giàu có.
Đối diện với những sự không thấu hiểu này, Linh đã dần xem nó là bình thường: "Mình chỉ muốn cung cấp cho mọi người một góc nhìn khác để mọi người không tự ti về hoàn cảnh của mình. Mỗi người sẽ có một khó khăn nhất định chứ không phải chỉ có những người không khá giả mới có khó khăn".
Gia đình giàu có nên lúc nào cũng được cho tiền?
Nói về việc nhận hỗ trợ kinh tế từ gia đình, Linh chia sẻ: "Về kinh tế, lúc mình cần thì bố mẹ cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ bỏ ra một số tiền lớn cho mình một cách dễ dãi. Mình luôn phải trình bày mục đích công việc là gì, hiệu quả của nó ra sao, lợi ích của nó đem đến sẽ thế nào… Lúc đó bố mẹ mới sẵn sàng hỗ trợ mình".
Bên cạnh đó, Linh cũng bày tỏ góc nhìn của mình về sự khác nhau giữa suy nghĩ thông thường về "rich kid" với thực tế: "Mọi người thường nghĩ, sinh ra trong gia đình giàu có là không cần làm gì hết mà vẫn được bố mẹ cho tiền để tiêu. Trên thực tế mọi thứ lại khác xa so với những gì mọi người nghĩ.
Bố mẹ chỉ cho mình tiền khi mình đạt được điều gì đấy nhất định. Ví dụ như mình đạt được học sinh giỏi thì bố mẹ sẽ thưởng một cái gì đó tương xứng với thành tích và những nỗ lực mình đạt được thay vì một số tiền thật lớn".
Mặc dù điều kiện gia đình rất tốt nhưng Phạm Thị Linh vẫn luôn lựa chọn một cuộc sống tự lập và tránh dựa dẫm quá nhiều vào gia đình: "Khi mới vào Đà Nẵng, mình không có nhiều bạn bè hay người thân nên ba mẹ cho mình ở kí túc xá của trường. Tuy nhiên, mỗi tháng trung bình ở kí túc xá cũng phải hết 30 triệu nên mình quyết định ra ở trọ để tiết kiệm được nhiều chi phí hơn và có cơ hội để đi làm thêm.
Dù công việc làm thêm của mình là làm gia sư, thu nhập cũng không cao lắm nhưng cũng đủ để chi trả cho những khoản phí đi ăn uống, vui chơi với bạn bè. Mình thấy cuộc sống như vậy cũng khá là vui dù bố mẹ mình không đồng tình lắm vì sợ mình gặp nguy hiểm".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.