Trước đó, tôi đã có gần 20 năm gắn bó với công việc bảo vệ ở HTX Nông nghiệp Nam Sơn, Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An với thu nhập đủ để phụ vợ chăm lo cho con cái.
Quyết định của tôi bị gia đình, họ hàng kịch liệt phản đối vì khi ấy, con trai lớn của tôi đang học đại học, 3 cô con gái đang học phổ thông. Khi tôi chuẩn bị ra đứng ở ngã tư, anh em họ hàng ra ngáng đường, thu dùi cui, còi bắt tôi từ bỏ công việc này. Vợ chồng tôi một thời gian dài không nói chuyện, hỏi han gì nhau. Cũng may, cuối cùng vợ con đã hiểu và thông cảm với công việc của tôi.
|
Ông Điều chuẩn bị đưa trẻ qua đường. |
Nơi tôi đứng chốt là ngã tư xóm 6 (điểm giao cắt Quốc lộ 1A với con đường đi vào Trường Tiểu học Quỳnh Văn B, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Nơi này thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm không ít các cháu học sinh đi học về qua đường quốc lộ tử nạn. Những lần chứng kiến tai nạn thương tâm ấy, tôi đã tự nhủ mình phải làm được một điều gì đó. Sau mấy ngày đi qua, đi lại ngã tư "tử thần" ấy để tìm hiểu, nắm bắt tình hình, tôi lên gặp chính quyền xã đề nghị được nhận công việc đứng chốt ở ngã tư để đưa học sinh qua đường.
Trước khi được cấp còi, dùi cui, phương tiện hành nghề của tôi chỉ là một cành cây có lá, mỗi lần các cháu học sinh đến, tôi đưa cành cây lên vẫy xin đường đưa các cháu sang đường. Để hoàn thành công việc, tôi phải nắm chắc số các cháu qua đường xem đủ hay thiếu. Hết giờ tan học thấy còn thiếu cháu nào tôi đến gia đình các cháu hỏi xem các cháu làm sao mà không đi học. Có hôm đang giờ học, có cháu bị ốm nhà trường gọi điện nhờ tôi đưa về. Mỗi buổi tôi đưa đón trẻ qua lại hết vòng này đến vòng khác cả chục cây số đi bộ...
Từ khi làm công việc này đến giờ, may sao tôi chưa khi nào ốm đau. Lúc có việc đột xuất tôi nhờ vợ ra ngã tư làm thay, chứ không bỏ mặc các cháu đi qua đường một mình. Công việc đứng đường khói bụi, mưa nắng và cả nguy hiểm, đã mấy lần tôi suýt bị xe đâm. Song, niềm vui lớn nhất của tôi là được thấy tiếng cười của các cháu học sinh. Một ngày không được gặp chúng là tôi thấy thiếu. Còn sức khỏe, tôi còn đưa các cháu qua ngã tư này.
Bảy năm "ăn cơm nhà, chốt ngã tư", việc làm của tôi đã được bà con địa phương và chính quyền ghi nhận. Tôi có thể tự hào và vui nhất là từ lúc mình làm việc này không còn tai nạn giao thông đáng tiếc nào với học sinh nữa. Mỗi khi tết đến, xuân về, dịp 20.11, nhà tôi lại rộn ràng tiếng cười của học sinh và phụ huynh. Đó là niềm động viên để tôi có thể tiếp tục công việc...
Ông Hồ Văn Điều (xóm 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)
Hồ Văn Ngợi (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.