Khu bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya cho hay các bác sĩ thú y đã quyết định trợ tử cho Sudan, 45 tuổi, vào ngày 19.3 sau khi tình trạng sức khỏe của con vật xấu đi nghiêm trọng. Xương và cơ của nó bị thoái hóa và da có những vết loét rộng, theo AP.
Sức khỏe của Sudan đã đi xuống trong những ngày gần đây và được điều trị các bệnh liên quan tới tuổi tác cũng như nhiều chứng viêm nhiễm. Một đội binh lính có vũ trang túc trực bảo vệ con vật trong những ngày cuối đời.
Con tê giác này là một phần trong chương trình đầy tham vọng nhằm cứu loài tê giác trắng phương bắc khỏi sự tuyệt chủng, với sự giúp đỡ của hai con cái hiện vẫn còn sống.
Tê giác Sudan tại khu bảo tồn Ol Pejeta vào tháng 5.2017. Ảnh: AP.
"Sudan là đại sứ xuất sắc của giống loài và sẽ được tưởng nhớ vì những gì nó đã làm để nâng cao nhận thức toàn cầu về hoàn cảnh không chỉ của những con tê giác mà còn của hàng nghìn loài vật khác đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì các hoạt động gây tổn hại lâu dài của con người", Richard Vigne, giám đốc khu bảo tồn nói trên, nói với AP.
Sudan là con tê giác nổi tiếng, thu hút hàng nghìn du khách đến Ol Pejeta. Nó sinh ra tại Sudan, được đưa đến sở thú ở Czech, sau đó được chuyển đến Kenya vào năm 2009. Những người bảo vệ khu bảo tồn nói Sudan có tính tình hiền lành.
"Chúng tôi chỉ có thể hy vọng rằng thế giới rút ra được bài học từ sự ra đi đau buồn của Sudan và sẽ tiến hành mọi biện pháp để chấm dứt việc buôn bán sừng tê giác", Giám đốc tổ chức bảo tồn thiên nhiên WildAid Peter Knights nói với CNN. Ông đồng thời chỉ ra Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có thói quen sử dụng sừng tê giác.
Đông Phong (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.