Theo kế hoạch, ngày mai (25/2), Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Đắk Song (Đắk Nông) sẽ cưỡng chế nhà của bà Phạm Thị Nhung (trú huyện Đắk Song).
Con vay tiền, THA bán nhà của bố mẹ
Ngày 24/2, bà Phạm Thị Nhung cho biết, cơ quan THADS huyện Đắk Song vừa có thông báo sẽ cưỡng chế ngôi nhà của bà vào ngày mai (25/2). Đáng chú ý, bà Nhung không nợ nần, cũng như không phải chịu trách nhiệm dân sự nào liên quan đến ngôi nhà nói trên.
Bà Nhung nức nở bên bàn thờ chồng trước ngày ngôi nhà bị cưỡng chế.
Theo tìm hiểu của PV, tháng 12/2015, con bà Nhung là anh Nguyễn Văn Du đã vay 1 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk. Anh Du dùng lô đất 100m2 của mình để thế chấp nhưng không đủ tài sản đảm bảo nên anh đã mượn thêm giấy đăng ký quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của cha mẹ (là thửa đất liền kề với diện tích 160m2) để làm tài sản bảo lãnh.
Giữa năm 2017, vợ chồng anh Du mất khả năng thanh toán nên ACB Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk kiện ra TAND huyện Đắk Song đòi nợ. Theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND huyện Đắk Song, vợ chồng anh Du phải trả cho ngân hàng hơn 1,116 tỷ đồng cả gốc và lãi. Ngày 26/6/2017, ông Nguyễn Anh Sâm - Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Đắk Song ra thông báo và quyết định kê biên bán đấu giá toàn bộ tài sản anh Du đã thế chấp để vay tiền (gồm cả thửa đất của vợ chồng bà Nhung).
Ngày 11/10/2017, tại buổi làm việc, anh Du đề nghị tạm hoãn đấu giá tài sản của cha mẹ anh, chờ giải quyết xong tài sản của anh. Đại diện theo ủy quyền của ACB Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chi cục THADS huyện Đắk Song tạm hoãn việc tổ chức bán đấu giá tài sản của ông Nguyễn Ngọc Cảnh (cha anh Du) và bà Nhung, chờ xử lý xong tài sản của vợ chồng anh Du.
Tuy nhiên, ngày 27/10/2017, chấp hành viên vẫn bán đấu giá toàn bộ 2 tài sản của anh Du và bà Nhung. Trong đó, chỉ riêng tài sản thế chấp của anh Du đã bán được hơn 1,3 tỷ đồng, đủ để trả khoản nợ của anh tại ngân hàng ACB. Nhưng Chấp hành viên vẫn bán luôn tài sản mà bà Nhung cho con trai mượn thế chấp vay tiền. Hơn nữa, mặc dù tài sản của bà Nhung được thẩm định có trị giá hơn 1,533 tỷ đồng nhưng chỉ bán đấu giá được 1,559 tỷ đồng (chênh lệch chưa đến 26 triệu đồng).
Ngôi nhà của bà Nhung được Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo diện gia đình chính sách có công.
Đáng chú ý, việc kê biên 2 tài sản này không chỉ để trả khoản nợ của anh Du tại ngân hàng ACB mà còn để trả cho một khoản vay khác của anh Du (không liên quan đến vợ chồng bà Nhung).
Quyết lấy đất dân đến cùng?
Sau khi Chi cục THADS huyện Đắk Song lấy tài sản của vợ chồng bà Nhung để trả các khoản nợ của anh Du (mà vợ chồng bà Nhung không liên quan), ngày 4/4/2018, VKSND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định kháng nghị số 1185/QĐ-VKS.
Kháng nghị này cho rằng, việc Chấp hành viên bán đấu giá tài sản thế chấp của ông Cảnh, bà Nhung để thanh toán cho những nghĩa vụ khác của vợ chồng anh Du là vi phạm quy định pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Cảnh, bà Nhung.
Bà Nhung cho biết, gia đình đã khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết.
Những vi phạm được phát hiện là nghiêm trọng. Do đó, VKSND tỉnh Đắk Nông đã kháng nghị một phần Quyết định cưỡng chế kê biên của Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Đắk Song và hành vi bán đấu giá của Chấp hành viên đối với lô đất của ông Cảnh, bà Nhung; yêu cầu hủy một phần quyết định cưỡng chế kê biên và có biện pháp khắc phục ngay vi phạm trong việc bán đấu giá lô đất của ông Cảnh, bà Nhung.
Ngày 21/8/2018, Cục THADS tỉnh Đắk Nông có văn bản trả lời kháng nghị và nhất trí với kháng nghị của Viện KSND tỉnh Đắk Nông. Bất ngờ, ngày 23/9/2019, Cục THADS tỉnh Đắk Nông lại có văn bản cho rằng, sau khi Bộ Tư pháp trao đổi với VKSND Tối cao, Tổng cục THADS có công văn với nội dung: “…không có cơ sở để cơ quan THADS chấp nhận nội dung kháng nghị của VKSND tỉnh Đắk Nông về hành vi kê biên, bán đấu giá tài sản của ông Cảnh, bà Nhung đối với Chấp hành viên”.
Từ đó, Cục THADS tỉnh Đắk Nông thông báo để VKSND tỉnh Đắk Nông được biết và tiếp tục phối hợp với ngành THADS tỉnh Đắk Nông tổ chức thi hành vụ việc theo quy định của pháp luật (!?).
Ngay sau văn bản thay đổi ý kiến của Cục THADS Đắk Nông, ngày 30/9/2019, Chi cục THADS huyện Đắk Song ra Quyết định số 8 về việc sửa đổi bổ sung quyết định về thi hành án (nhằm sửa đổi Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản đối với ông Du và vợ chồng bà Nhung đã được ban hành từ trước đó hơn 2 năm).
Quyết định sửa đổi này bao gồm việc kê biên tài sản của vợ chồng ông Du để thi hành "các bản án" và khoản nợ của ngân hàng. Còn tài sản của vợ chồng bà Nhung chỉ để trả khoản vay của vợ chồng anh Du tại ngân hàng ACB.
Như vậy, Cục THADS huyện Đắk Song đã dùng quyết định sửa đổi này để bỏ qua kháng nghị của Viện KSND tỉnh Đắk Nông (?). Trong khi đó, việc kê biên, bán đấu giá tài sản của bà Nhung đã được thực hiện trước đó hơn 2 năm. Dân liên tục khiếu kiện nhưng không được giải quyết.
Theo ông Tạ Đình Đề - Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông, đến nay, Quyết định kháng nghị số 1185/QĐ-VKS ngày 4/4/2018 của VKSND tỉnh Đắk Nông vẫn còn giá trị pháp lý. Viện KSND tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục có ý kiến về việc này.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Theo tìm hiểu của PV, ngôi nhà bị kê biên của bà Nhung được Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo chính sách gia đình có công. Chồng bà Nhung đã lâm bệnh mất sau một thời gian dài khiếu nại, tố cáo bất thành. Vợ anh Du hiện cũng bị ung thư máu, đang điều trị tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM nhiều tháng qua, hết hàng trăm triệu đồng. Để chăm sóc vợ, anh Du đưa 3 con nhỏ xuống gần bệnh viện thuê trọ và chạy xe ôm kiếm sống. "Vợ chồng tôi khổ thế nào cũng được, nhưng điều tôi áy náy nhất là vì mình mà cha mẹ mất nhà, gia đình ly tán, rơi vào cảnh khốn cùng như ngày hôm nay”, anh Du nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.