Công bố nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Công bố nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Trần Hòe
Chủ nhật, ngày 29/12/2024 22:01 PM (GMT+7)
Tối 29/12, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ công bố nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế.
Tại buổi lễ công bố, bên cạnh nghi thức trao nghị quyết của Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, đã diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng đặc sắc làm nổi bật một Huế vừa truyền thống vừa hiện đại, thể hiện sự vươn mình của Huế trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Từ ngày 1/1/2025, cùng với TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hải Phòng, TP.Đà Nẵng và TP.Cần Thơ, Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào, ước nguyện từ lâu của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân thành phố Huế, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho một địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, một vùng đất địa linh nhân kiệt.
Để triển khai hiệu quả nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho chính quyền thành phố Huế. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cấp ủy, chính quyền thành phố Huế có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, việc thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước từ tỉnh sang thành phố trực thuộc Trung ương với mức độ đô thị hóa cao hơn, bộ máy chính quyền phải được tổ chức thống nhất, chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn để vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng tốt chức năng quản lý nhà nước, nhất là các nhiệm vụ về quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thành phố Huế cũng được giao tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế; phát triển du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Theo Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo, nhân dân Huế nhất định phải phấn đấu nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để phấn đấu đến năm 2030, thành phố là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo định hướng tại Nghị quyết số 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.
"Tôi tin tưởng rằng, Huế sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương bình yên, đáng sống, một Huế xanh, hiện đại, thông minh, hạnh phúc", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết: Việc tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà; là thành quả của quá trình nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ. Mục tiêu, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đến hôm nay đã thành hiện thực.
Ông Lê Trường Lưu cho hay, là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng hào hùng, trải qua biết bao thăng trầm, Huế vẫn vẹn nguyên sức sống mạnh mẽ; luôn giữ gìn, phát huy và lan tỏa những truyền thống quý báu với hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người đã được bồi đắp qua chiều dài lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Huế không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước.
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển với tâm thế là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng, tạo động lực, khí thế mới để Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, xây dựng và phát triển thành một đô thị di sản thông minh và giàu bản sắc, tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá để phát triển nhanh và bền vững; khẳng định vai trò, vị thế các trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định: "Trên chặng đường phát triển mới, thành phố Huế sẽ có nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tôi tin tưởng rằng, Huế sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị".
Vào ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Theo nghị quyết, thành phố Huế sẽ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 4.900km2 và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của thành phố Huế trong giai đoạn 2023-2025. Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 133 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố Huế hiện hữu sẽ được tách thành 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa; thành lập mới thị xã Phong Điền; hợp nhất 2 huyện Nam Đông và Phú Lộc thành huyện mới mang tên Phú Lộc.
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ thành lập Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân mới, kế thừa từ tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, đồng thời giải thể và thành lập các cơ quan này tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.