Công chức dùng nước hoa phải phù hợp, vậy những mùi khác thì sao?

Thanh Hà Thứ hai, ngày 26/12/2016 07:00 AM (GMT+7)
Rất nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử càng cụ thể thì càng thiếu và quy định chung chung quá thì không đủ.
Bình luận 0

img

Hà Nội khuyến cáo người dân không mặc hở "quá bạo" khi đi ra đường

Mấy ngày hôm nay, người dân, giới chuyên môn, công chức, người dân đang xôn xao về Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội do Sở VHTT Hà Nội soạn thảo và được TP Hà Nội dự kiến ban hành vào 1.1.2017.

Cụ thể Bộ quy tắc đã đưa những quy định sau: Cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp... 

Không nói tục, không tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan; không nấu nướng thực phẩm trong phòng làm việc.

Ngay khi thông tin về một số quy tắc được báo chí đăng tải, rất nhiều ý kiến phản đối của người dân, công chức, viên chức. Đặc biệt là của giới chuyên môn, các chuyên gia văn hóa và khoa học cũng đã có những ý kiến phản biện.

Chia sẻ về một số quy định cụ thể của Bộ quy tắc, ông Nguyễn Hùng Vĩ, chuyên gia văn hóa, giảng viên văn học dân gian tại trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn cho biết: "Điều đầu tiên tôi muốn nói đến quy định đối với cán bộ công chức đi làm về ăn mặc, thì tôi nghĩ nên tùy từng cơ quan mà khuyến khích ăn mặc lịch sự ở công sở, cơ quan.

Còn với quy định phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối. Hay không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp... có vẻ cụ thể quá. Mà thường thì điều gì cụ thể bao nhiêu thì lại thiếu bấy nhiều. Tôi ví dụ như quy định cụ thể về mùi nước hoa cho phù hợp. Thế nhỡ giờ có một vài người có mùi cơ thể thì sẽ tính sao? Chẳng lẽ đuổi việc họ hay không nhận họ vào làm?

Tôi nghĩ những quy định đó trong bộ quy tắc quá cụ thể, không cần thiết. Ngoài ra tôi đọc một số quy định khác cũng khá vô lý, ví dụ không tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan. Nếu nói không tụ tập làm việc riêng trong cơ quan thì tôi đồng ý, nhưng nếu nói không tụ tập làm việc riêng ngoài cơ quan thì thấy rất buồn cười. Bởi, mấy chị em tụ tập, rủ nhau ra ngoài ăn, hay giờ nghỉ trưa rủ nhau đi mua sắm thì cũng trở thành vi phạm quy tắc à?"

Về quy định "không xăm hình, vẽ hình phản cảm", ông Hùng Vĩ đặt câu hỏi: "Vậy hình thế nào thì được cho là phản cảm và hình như thế nào thì không phản cảm?. Với người này, hình xăm là phản cảm nhưng với người khác lại không phản cảm thì sao. Hoặc như, không có hành vi quấy rối dưới mọi hình thức, kể cả bằng lời nói, cử chỉ…vậy phải hiểu không được quấy rối ở đây là quấy rối cái gì? Quấy rối trật tự hay là quấy rối tình dục, làm bẩn môi trường, thành quấy rối môi trường…một từ quá chung chung, khiến người thực hiện cảm thấy mông lung và khó hiểu.

Đấy là chưa nói đến, khi lập ra quy tắc thì phải có chế tài, nhưng ở bộ quy tắc ứng xử này lại thiếu các chế tài. Vậy thử hỏi, khi không có chế tài, nếu có người vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào?

Cho dù trong bộ quy tắc có nói đến việc cuối năm sẽ xét vào bình bầu, thi đua khen thưởng. Thế nhưng, tôi thử hỏi, cuối năm, khi những người thực hiện tốt quy tắc thì được khen thưởng, còn những người không thực hiện tốt thì sẽ bị phạt. Thì ai sẽ là người ngồi thực hiện, giám sát những công việc như vậy?".

Ông Vĩ nói thêm: "Tôi được biết ở các trường Đại học tại Mỹ, có bộ luật đưa ra quy định, các giảng viên, giáo sư không được phép nói xấu tôn giáo. Nếu giáo sư nào vi phạm sẽ không được phép đứng trên giảng đường để dạy học nữa.

Vì vậy theo tôi, Sở VHTT Hà Nội nên có quy định về quy tắc phong cách ăn mặc riêng của Sở VHTT. Còn với các cơ quan hành chính khác thì họ sẽ có đồng phục theo cơ quan của họ. Ví dụ như ngân hàng, họ có đồng phục của họ, Bưu điện cũng có đồng phục màu sắc riêng của họ. Tôi nghĩ nên đề là khuyến nghị hơn là bộ quy tắc".

img

Với nhân viên văn phòng chỉ cần khuyến cáo ăn mặc lịch sự là đủ

Nhà văn, nhà xã hội học Nguyễn Ngọc Tiến thì có ý kiến về Bộ quy tắc như sau: "Tôi nghĩ trước khi Bộ quy tắc này ra đời, thì trong luật công chức mà Chính phủ ban hành đã quy định rất chi tiết về tác phong, ăn mặc, thái độ với công dân…

Hơn nữa tại các cơ quan như hiện nay cũng tiếp tục lại có những quy định riêng. Như vậy là đối với công chức, viên chức đã có tới hai lần quy định. Với Bộ quy tắc ứng xử này nữa thì công chức, viên chức thêm một lần quy định nữa.

Vào khi tôi đọc Bộ quy tắc này, tôi thấy quy định quá quá cụ thể, trong khi họ vẫn thực hiện tốt vai trò công chức của mình. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu Bộ quy tắc được cụ thể quá như vậy là có cần thiết?

Việc Bộ quy tắc yêu cầu sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp, như thế có bị gọi là xâm phạm tới quyền riêng tư, cá nhân của mỗi người? Lâu nay, phụ nữ vẫn dùng nước hoa và trang điểm khi đi làm, đâu có phản cảm…

Hơn nữa, khi đưa ra các quy tắc thì ai sẽ là người giám sát cho những việc cô công chức này đang dùng nước hoa đó là không phù hợp. Chị công chức kia ăn mặc như vậy là không đúng quy tắc hay anh này dùng hình xăm như vậy là phản cảm…

Vì vậy, tôi nghĩ Bộ quy tắc này đưa ra có vẻ thừa. Và thực sự thì theo tôi là không nên cấm và đưa ra Bộ quy tắc đó"- nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết.

Bộ quy tắc bao gồm 6 chương, 16 điều, với mục đích xây dựng nền hành chính Thủ đô chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả. Đối tượng áp dụng của Bộ quy tắc là công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội.

Một số quy tắc cụ thể được đưa ra như: Cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp... 

Không nói tục, không tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan; không nấu nướng thực phẩm trong phòng làm việc.

Không hút thuốc; không sử dụng đồ uống có cồn; không hát karaoke trong giờ làm việc; không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử trong giờ hành chính.

Không lưu giữ, phát tán hình ảnh có nội dung đồi truỵ; không có hành vi quấy rối dưới mọi hình thức, kể cả bằng lời nói, cử chỉ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem