Công khai danh tính thực phẩm bẩn tại Đà Nẵng: Khó

Thứ tư, ngày 12/10/2011 14:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ đầu tháng 10.2011, các sản phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị chi cục ATVSTP địa phương nêu danh trên báo, đài. Tuy nhiên, việc thực hiện điều này tại các địa phương còn rất khó, mà Đà Nẵng là ví dụ.
Bình luận 0

Thống kê từ Sở Y tế TP. Đà Nẵng, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 20 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến gần 200 người phải nhập viện với những biểu hiện giống nhau như nôn ói kéo dài và co giật chân tay.

img
Nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm ở Đà Nẵng bị phát hiện có sai phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh (ảnh minh họa).

Người tiêu dùng tiếp tục bị… lừa

Theo bác sĩ Hà Châu Thanh- Trưởng khoa Khám- Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, phần lớn nguyên nhân gây ngộ độc là do ăn phải thức ăn không bảo đảm vệ sinh; rau quả bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản còn dư lượng kháng sinh, hay việc sử dụng các loại phụ gia, phẩm màu độc hại trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Nếu không cứu chữa kịp thời, người bệnh rất dễ tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Đà Nẵng, thực trạng vi phạm ATVSTP trên địa bàn khá nghiêm trọng. Đơn cử, chỉ trong một tháng cao điểm, Chi cục kiểm tra 1.147 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đã phát hiện 247 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 22%.

Ngoài ra, khi Chi cục ATVSTP tiến hành kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu Andehyt và Methanol đối với 81 cơ sở nấu rượu thủ công trên địa bàn thì phát hiện có đến 95% mẫu xét nghiệm không đạt yêu cầu về chỉ tiêu Andehyt - chất gây hôn mê và các triệu chứng về thần kinh cấp tính.

Hay trong đợt kiểm tra 20 cơ sở nấu, bán cơm bình dân trên địa bàn thành phố, chỗ nào cũng thấy vi phạm như người làm bếp không mặc đồ bảo hộ, thực phẩm không có kiểm dịch của thú y...“Đây chỉ là những con số được ghi nhận qua kiểm tra. Còn rất nhiều cơ sở vẫn đang lén lút hoạt động mà chưa bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị… lừa” - ông Tiến nhấn mạnh.

Rất ít cơ sở bị công khai!

Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, hiện nay đội ngũ nhân sự còn mỏng, còn mới, thiếu kinh nghiệm khiến công tác thanh tra, kiểm tra còn bị động. Mặt khác do công tác quản lý nhà nước về chất lượng ATVSTP chưa có thanh tra chuyên ngành nên việc xử phạt vi phạm hành chính chưa thể thực hiện được.

Hơn nữa, lại có sự phân cấp trong vấn đề kiểm tra, ví như: Động vật tươi sống, sơ chế, mặt hàng nông sản thì do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; rượu bia, bột sữa… là do Sở Công Thương, chỉ mặt hàng chín thì mới do Chi cục ATVSTP quản lý. Đặc biệt là khung mức phạt xử lý vẫn phải theo Nghị định 45, nghĩa là rất nhẹ, cao nhất chỉ 15 triệu đồng và thấp nhất 100.000 đồng. Chính vì vậy, việc kiểm tra vẫn còn mang tính hình thức, thời vụ.

Gần 50% mẫu xét nghiệm bàn tay của người chế biến thực phẩm ở Đà Nẵng bị nhiễm Coliform và Ecoli (vi sinh vật có trong phân người). Nguyên nhân là do người dân (kể cả người có mang găng tay) vừa chế biến thức ăn vừa thu tiền, lau bàn, dọn dẹp...

Thực tế, tại Đà Nẵng có đến hàng nghìn cơ sở, sản phẩm trong các cuộc kiểm tra bị phát hiện vi phạm VSATTP như đã nêu, tuy nhiên, để công khai danh tính thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Tiến lại lý giải, nói thì nói để “răn đe”, chứ khi tiến hành thì khác nhau vì vướng nhiều thủ tục. Bởi quy định, nếu phát hiện tại cơ sở, lần đầu thì yêu cầu viết cam kết không tái phạm và cho cơ sở đó… cơ hội để thay đổi.

Ngoài ra, nhiều cơ sở, sản phẩm, khi lấy mẫu test nhanh, rồi còn phải “phúc tra lại”. Thời gian này cơ sở đó có đủ thời gian để “lách luật” khiến việc công khai cũng không thể đúng trình tự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem