Tây Ninh: Hơn 90% văn bản quy phạm pháp luật được lấy ý kiến, nhưng người dân không góp ý

Trần Khánh Thứ hai, ngày 27/06/2022 19:57 PM (GMT+7)
Việc lấy ý kiến đóng góp trên cổng thông tin điện tử Tây Ninh chưa nhận được sự quan tâm của người dân. Hơn 90% văn bản quy phạm pháp luật được lấy ý kiến nhưng không có ý kiến góp ý.
Bình luận 0

Công tác cải cách hành chính ở Tây Ninh còn nhiều hạn chế

Với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiệm vụ cải cách thể chế, tháng 3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 843 tăng cường thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 9/6/2022, tỉnh Tây Ninh đã ban hành 67 văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, cấp tỉnh ban hành 36 văn bản (gồm 20 quyết định và 16 nghị quyết); cấp huyện ban hành 24 văn bản (gồm 21 quyết định và 03 nghị quyết); cấp xã ban hành 7 văn bản.

Công chức TP.Tây Ninh hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục trực tuyến. Ảnh: Trâm Thư

Công chức TP.Tây Ninh hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục trực tuyến. Ảnh: Trâm Thư

Ông Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành đảm bảo tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục soạn thảo; đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của chính quyền địa phương bằng pháp luật; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Tuy nhiên, nhiệm vụ cải cách thể chế nói chung ở Tây Ninh còn nhiều hạn chế. Đơn cử, công tác lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử chưa nhận được sự quan tâm của người dân.

Công tác này vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Theo ông Võ Đức Trong, hơn 90% văn bản quy phạm pháp luật được lấy ý kiến nhưng không có ý kiến góp ý.

Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị địa phương chưa quan tâm phối hợp trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, báo cáo định kỳ Chỉ số B1 (chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật), Chỉ số GII (chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu) làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện.   

Nhiều cán bộ tham gia công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật không có kiến thức chung về pháp luật. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến thời gian thực hiện quy trình, chất lượng văn bản.

Nhiều nhiệm vụ khác trong cải cách hành chính còn vướng mắc

Báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, nhiều nhiệm vụ khác cũng đang gặp vướng mắc.

Về công tác cải cách tổ chức bộ máy và cải cách chế độ công vụ, việc thực hiện cắt giảm biên chế đối với ngành giáo dục và ngành y tế gặp nhiều khó khăn.

Việc cắt giảm này ảnh hưởng đến công tác chuyên môn khi thiếu người thực hiện nhiệm vụ. Một số cơ quan có biên chế ít đã phải sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất phòng nhiều lần để đảm bảo quy định về biên chế thành (lập phòng và số lượng cấp phó).

Cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc có xu hướng gia tăng.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do nguồn thu thấp, nhất là đối với lĩnh vực giáo dục. Trong khi đó, Trung ương vẫn chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp.

Hoá đơn điện tử hiện được xem là cú hích cải cách hành chính thuế, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham gia lễ kích hoạt hoá đơn điện tử trên địa bàn tỉnh vào tháng 5/2022. Ảnh: Trúc Ly

Hoá đơn điện tử hiện được xem là cú hích cải cách hành chính thuế, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham gia lễ kích hoạt hoá đơn điện tử trên địa bàn tỉnh vào tháng 5/2022. Ảnh: Trúc Ly

Về công tác cải cách tài chính công, tháng 6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ chưa hướng dẫn cụ thể về xây dựng phương án tự chủ của từng loại hình đơn vị sự nghiệp.

Các bộ ngành cũng chưa hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho từng chuyên ngành của địa phương, làm cơ sở xây dựng đơn giá dịch vụ công để giao mức độ tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công.

Do đó, theo ông Võ Đức Trpng, địa phương vẫn còn lúng túng và chậm trong việc xây dựng phương án tự chủ. Đến nay, Tây Ninh chỉ phê duyệt được cho 28% đơn vị sự nghiệp công.

Ông Võ Đức Trong cũng cho biết, trong năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số đơn vị sự nghiệp có thu của Tây Ninh thu không đủ bù chi, nhiều nhất là các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, Trung ương chưa hướng dẫn cơ chế cấp bù thu không đủ chi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem