Công trình chính của ASIAD 2019 gồm những gì?

Thứ ba, ngày 13/11/2012 14:49 PM (GMT+7)
Việt Nam sẽ tận dụng hệ thống cơ sở vật chất sẵn có từ SEA Games 22. Ngoài ra, sẽ có những công trình mới sẽ mọc lên tại thủ đô Hà Nội, nơi sẽ diễn ra 12-14 môn thi đấu.
Bình luận 0

Một kỳ Đại hội với hơn 13.000 vị khách và 35 môn thể thao tranh tài đòi hỏi xây dựng thêm các công trình mới, bên cạnh việc tận dụng cơ sở sẵn có.

ASIAD 2019 sẽ có 35 môn thi đấu, được tổ chức ở địa điểm chính là Hà Nội và 14 tỉnh thành khác, trong đó có TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương...

img
Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình sẽ được hoàn thiện tiếp nhân dịp ASIAD 2019.

Theo kế hoạch đăng cai Đại hội, Việt Nam sẽ tận dụng hệ thống cơ sở vật chất sẵn có từ SEA Games 22. Ngoài ra, sẽ có những công trình mới sẽ mọc lên tại thủ đô Hà Nội, nơi sẽ diễn ra 12-14 môn thi đấu, tập trung vào hai Khu liên hợp thể thao của quốc gia tại Mỹ Đình và của Hà Nội tại Xuân Trạch.

Dựa vào kế hoạch này, Mỹ Đình sẽ có một diện mạo mới bởi sự xuất hiện của một loạt công trình thể thao và khách sạn. Các công trình mọc lên tại đây gồm: Cung xe đạp lòng chảo; Nhà thi đấu đa năng 1 vạn chỗ ngồi và nhà thi đấu nhỏ; Một tổ hợp khách sạn dịch vụ thể thao 5 sao. Những công trình này được đưa vào trong hai dự án.

Dự án Nhà thi đấu đa năng gồm 1 nhà đấu lớn và một nhà thi đấu nhỏ do Nhà nước đầu tư với kinh phí 100 triệu USD. Còn Cung đua xe lòng chảo và tổ hợp khách sạn 5 sao nằm chung một dự án có tổng kinh phí 500 triệu USD, được tiến hành liên doanh với Hàn Quốc. Trong liên doanh này, Khu Liên hợp thể thao quốc gia góp đất và được tính giá trị bằng 30% tổng vốn đầu tư.

Ở điểm nóng về xây dựng công trình thứ hai, trên khu đất rộng 245ha dành cho Khu liên hợp thể thao của Hà Nội tại Xuân Trạch, Đông Anh sẽ xây dựng 6 sân thi đấu gồm: Cụm 13 sân tennis đạt tiêu chuẩn ATP, sân đua ngựa và tổ chức thi đấu 5 môn phối hợp, sân bóng bầu dục, sân bóng chày, sân hockey trên cỏ.

Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, người chấp bút xây dựng đề án đăng cai ASIAD 2019, cho biết: "Những công trình ở khu Xuân Trạch như bóng chày, bóng bầu dục, đua ngựa, hockey trên cỏ sẽ được làm với phương án tiết kiệm. Trong đó mặt sân cỏ phải làm đảm bảo chất lượng thi đấu quốc tế, nhưng khán đài làm lắp ghép di động giống như Olympic 2012.

Các phòng chức năng đặt trong lều bạt chất lượng cao. Hết ASIAD, chúng sẽ được dỡ đi. Còn mặt sân cỏ được giữ lại và biến thành một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của Hà Nội. Trung tâm này có thể sẽ liên kết với một CLB nổi tiếng của châu Âu hoặc Nam Mỹ".

Khu đua thuyền trên Hồ Tây được cải tạo và sử dụng hình thức làm đường tạm của công binh với kinh phí thấp và hoàn trả lại cảnh quan thiên nhiên sau ASIAD.

Một công trình lớn nữa của ASIAD là làng VĐV có sức chứa 11.000 người. Dự kiến, làng VĐV sẽ nằm ở khu vực Đặng Xá, Long Biên, nơi có mặt bằng đất đã được giải tỏa đền bù. Theo kế hoạch, công trình này sẽ được thành phố Hà Nội liên kết với một nhà đầu tư để xây dựng, sau Đại hội sẽ bán lại cho người dân cho nhu cầu về nhà ở.

Cho đến thời điểm này, các chương trình xây dựng phục vụ ASIAD 2019 mới nằm trên đề án và đang trong thời gian làm việc với đối tác đầu tư.

Theo VnExpress

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem