Covid-19: Câu chuyện tin tức chưa từng có với các nhà báo

Phương Lưu Chủ nhật, ngày 20/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Đối với báo chí trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 là một câu chuyện thời sự chưa từng có. Những thông tin xuất hiện liên tục, bên cạnh đó, những thách thức cá nhân mà đại dịch ảnh hưởng đến mỗi người làm báo khiến đây trở thành một trong những câu chuyện độc đáo nhất mà các phóng viên có thể kể.
Bình luận 0

Kysia Hekster - một phóng viên của Đài Truyền hình quốc gia Hà Lan (NOS) cho biết: "Từ quan điểm báo chí, đây có lẽ là một trong những sự kiện lớn nhất mà tôi từng đề cập".

Đến tòa soạn hoặc ra hiện trường

Trong dịch Covid-19, trong khi hàng nghìn nhân viên làm việc tại nhà trong thời gian đại dịch xảy ra, nhiều nhà báo không có lựa chọn nào khác ngoài lao đến tòa soạn của họ hoặc ra hiện trường.

"Tôi không dừng lại công việc của mình kể cả khi đất nước giãn cách. Công việc của một nhà báo tất nhiên là đưa đến cho độc giả những thông tin nóng hổi nhất, và để làm như vậy bạn cần phải dấn thân" - Leslie Rijmenams, một người dẫn chương trình tại Đài Phát thanh Nostalgie nói tiếng Pháp của Bỉ, giải thích.

gop/Covid-19: Câu chuyện tin tức chưa từng có với các nhà báo - Ảnh 1.

Yves Herman - nhiếp ảnh gia của Reuters. Ảnh: Vincent Kalut-Yves Herman

"Khi một tin tức xuất hiện, chúng tôi có thể diễn giải chúng theo một cách tích cực hơn, thúc đẩy mọi người".

Người dẫn chương trình Leslie Rijmenams

Nhiếp ảnh gia của Reuters tại Bỉ, Hà Lan và Luxembourg là Yves Herman đã đưa tin về đại dịch gần như mỗi ngày trong suốt vài tháng. Mặc đồ bảo hộ đầy đủ, anh thường xuyên ghi nhận lại tình trạng từ các bệnh viện, viện dưỡng lão, dịch vụ tang lễ và nhà xác. "Bất chấp những rủi ro, tôi cảm thấy đó là một vấn đề thực sự quan trọng cần đến sự chú ý của tất cả mọi người. Theo hiểu biết của tôi, đó là một trong những câu chuyện có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới, có lẽ chỉ ngoại trừ Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó ảnh hưởng tuyệt đối đến tất cả mọi người" - Yves Herman nói với Trung tâm Thông tin khu vực của Liên Hợp Quốc (UNRIC).

Giúp giảm thiểu nỗi lo sợ

Ngoài cường độ gắt gao khi đưa tin về dịch Covid-19, các nhà báo cũng phải đối mặt với thứ mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả là "bệnh dịch thông tin". Những thông tin sai lệch, tin đồn vô căn cứ có thể lan truyền nhanh chóng và rộng rãi, đòi hỏi phóng viên phải có một cái đầu tỉnh táo để xử lý và đăng tải.

"Bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì trên internet. Trên mạng xã hội, mọi người chia sẻ những điều họ chưa nắm rõ" - Cordula Schnuer - phóng viên của Delano, một tạp chí tiếng Anh và xuất bản trực tuyến ở Luxembourg, nói. "Tìm một nguồn tin tức mà bạn có thể tin tưởng là điều quan trọng".

gop/Covid-19: Câu chuyện tin tức chưa từng có với các nhà báo - Ảnh 3.

Bức ảnh một cư dân tại viện dưỡng lão ở Bỉ ôm người thân qua bức màn làm bằng các tấm nhựa. Ảnh: Vincent Kalut-Yves Herman

Sylvie Briand - Giám đốc Bộ phận chuẩn bị nguy cơ truyền nhiễm toàn cầu (GIH) tại WHO cho biết, thông tin sai lệch đôi khi được coi là một vấn đề đương đại, nhưng tất cả các đại dịch đều chứng kiến sự xuất hiện của những tin đồn về nguồn gốc và bản chất của căn bệnh này. Chính vì vậy, các nhà báo có vai trò quan trọng trong việc giúp giảm thiểu nỗi sợ xung quanh căn bệnh, vì báo chí đóng vai trò trung gian giữa khoa học và người dân nói chung.

Hy vọng le lói

Khi ngày càng nhiều người trong chúng ta tìm kiếm thông tin về virus, các phương tiện truyền thông như Đài NOS đã chứng kiến lượng khán giả tăng cao đột biến. Bên cạnh đó, công chúng cũng có nguy cơ bị bão hòa với thông tin.

Phóng viên Hekster nói: "Nhiều người đã quyết định không xem tin tức nữa vì họ cảm thấy hoàn toàn bất lực". Trong trường hợp như vậy, những câu chuyện nêu bật lên các giải pháp tiềm năng hoặc mang lại tia hy vọng có thể giúp nâng cao tinh thần cho người dân.

Phóng viên ảnh Yves Herman từng chụp ảnh một cựu bác sĩ 103 tuổi, người đã gây quỹ bằng cách đi bộ theo một cự ly chạy marathon trong khu vườn của mình. Anh cũng từng chụp lại cách cư dân trong một viện dưỡng lão ở Bỉ xoa dịu nỗi buồn của các biện pháp giãn cách xã hội bằng cách ôm những người thân yêu của họ qua một "bức màn ôm". Tấm nhựa này cho phép các gia đình ôm nhau lần đầu tiên sau nhiều tháng.

"Điều đó thật phi thường" - Yves Herman kể lại. "Tôi thấy mọi người xúc động rơi nước mắt. Đó là cách duy nhất để họ có thể tiếp xúc với người thân của mình".

Đối với mức độ đưa tin về Covid-19, nhiều tòa soạn chủ yếu dựa vào số liệu thống kê để mô tả diễn biến của đại dịch. Denise Lievesley - cựu Hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Green Templeton (thuộc Đại học Oxford, Anh), cho biết: "Mặc dù số liệu có thể mang lại cảm giác đáng tin, nhưng điều quan trọng cần nhớ là các con số có thể gây hiểu nhầm, cũng như lời nói. Do đó, các phóng viên nên thường xuyên sử dụng các kỹ năng báo chí của mình khi trình bày các số liệu thống kê có vẻ "trung lập".

Đối với một số phương tiện truyền thông, đại dịch thậm chí đã dẫn đến sự gia tăng các hành vi bạo lực, hung hãn nhắm vàohọ. NOS đã buộc phải xóa logo của mình khỏi các xe thu phát tín hiệu vì nó thu hút hành vi bạo lực từ một nhóm quá khích tin rằng virus là một trò lừa bịp và NOS là đài "tin tức giả mạo". "Những hành động này đe dọa đến tự do truyền thông, tự do cho báo chí độc lập và do đó cho cả nền dân chủ. Đó là điều không thể chấp nhận được" - phóng viên Kysia Hekster nói.

Báo chí xây dựng

Đưa thông tin kịp thời là ưu tiên hàng đầu của nhà báo, nhưng bên cạnh đó, họ cũng có thể làm nhiều hơn thế. Người dẫn chương trình Leslie Rijmenams - người đồng sáng lập New6s, một hiệp hội báo chí của Bỉ, giải thích: "Khi một tin tức xuất hiện, chúng tôi có thể diễn giải chúng theo một cách tích cực hơn, thúc đẩy mọi người".

Cô cũng nói thêm rằng mặc dù không nên đánh giá thấp những rủi ro của virus, báo chí mang tính xây dựng có thể đưa ra một phương án thay thế để làm cho tình hình trở nên dễ chịu hơn. "Bằng cách thu hút người dân tham gia, chúng tôi đưa ra hy vọng và để họ nhận ra rằng họ là một phần của giải pháp. Cùng nhau, chúng ta sẽ đánh bại con virus này" - Leslie Rijmenams cho hay.

Sự kết thúc của cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể đang đến gần, với những tin tức tích cực gần đây về vaccine. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu khác có thể sẽ phát sinh trong tương lai. Chính vì vậy, mỗi nhà báo cần nắm vững những kỹ năng chuyên môn, đồng thời không ngừng trau dồi thêm kiến thức cần thiết để xây dựng một nền báo chí hiệu quả, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thông tin của mọi người dân, đồng thời góp phần hỗ trợ đẩy lùi đại dịch. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem