Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH).
|
Thưa bà, bà đánh giá thế nào về động thái của Chính phủ trong việc đưa ra gói hỗ trợ an sinh xã hội lên tới hơn 61.000 tỷ đồng?
- Theo tôi đây là gói hỗ trợ rất cần thiết và cũng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam. Trước bối cảnh là dịch Covid - 19 đang tác động nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế - xã hội gói hỗ trợ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc duy trì sự tồn tại, giúp người lao động có số tiền tối thiểu để duy trì cuộc sống. Mặt khác, cũng có thể xem đây là kênh để kích cầu trong bối cảnh người dân đang hạn chế tiêu dùng do tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh gây ra.
Theo bà việc hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng người dân và doanh nghiệp như vậy liệu đã phù hợp?
- Tôi cho rằng không phải là hỗ trợ mà nên đặt vấn đề là cứu trợ khẩn cấp, bởi vì thị trường lao động chưa bị đứt gãy, mới chỉ bị đóng băng.
Lao động tại Công ty May 10 (Hà Nội) trong giờ làm việc. Ảnh: M.N
Nhìn chung, dự thảo về gói hỗ trợ an sinh - xã hội đang được lấy ý kiến khá toàn diện và đầy đủ. Nó bao gồm các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cả doanh nghiệp và người lao động như hỗ trợ tiền lương tối thiểu; hỗ trợ vốn vay. Bên cạnh đấy một loạt các biện pháp hỗ trợ khác liên quan tới chính sách giảm lãi suất, giãn đóng thuế, đóng phí công đoàn và BHXH...
Việc hỗ trợ cũng được tính toán, cân đối giữa các nhóm đối tượng như người có công, lao động tự do, mất việc làm, thất nghiệp, lao động bị giãn việc... Tuy nhiên theo tôi, do mức độ tác động, quy mô tác động của dịch bệnh Covid -19 tới nền kinh tế - xã hội nói chung và thị trường lao động việc làm nói chung là rất rộng, nên cần phải mở rộng quy mô hỗ trợ cũng như là nhóm đối tượng cần hỗ trợ. Theo đó, nên hỗ trợ tất cả người dân. Nguồn lấy từ ngân sách Nhà nước. Nguồn này có thể lấy từ việc sắp xếp lại cơ cấu tiền lương theo hướng tinh giảm lương của những người có thu nhập cao, lương của cán bộ công nhân viên chức.
Bà có nói đến việc ngoài việc chống dịch, thực hiện gói cứu trợ khẩn cấp thì cần tính toán phương án khơi thông thị trường lao động. Vậy phương án thúc đẩy thị trường lao động phát triển trong và sau dịch Covid -19 là gì?
- Ở góc độ tích cực nào đó, tôi vẫn nhìn nhận thấy sự thích ứng hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước từ các bộ ngành, tới Chính phủ trong việc phòng chống dịch Covid -19 và nỗ lực duy trì thị trường lao động.
Chúng ta đã từng bước áp dụng công nghệ thông tin để bước đầu tạo nên một nền kinh tế ở nhà (làm việc tại nhà). Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi sản xuất với một số doanh nghiệp nhất định, đồng thời phát triển nền kinh tế phi chính thức, kiểu tự cung - tự cấp, trọng tâm là hoạt động sản xuất hàng hóa ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Muốn làm được điều này cần kích hoạt thị trường lao động hoạt động theo kiểu thời chiến, tăng sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực trong nước. Chúng ta cũng cần thúc đẩy sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu trong nước thay vì tập trung cung ứng xuất khẩu như trước đây.
Xin cảm ơn bà!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.