Covid-19: TP. HCM có thực hiện cách ly F1 tại nhà?
Bạch Dương
Thứ bảy, ngày 12/06/2021 12:48 PM (GMT+7)
Mặc dù nhận định việc cách ly F1 tại nhà có nhiều ưu điểm nhưng khó khăn nhất là công tác giám sát, Sở Y tế TP.HCM đang cân nhắc các biện pháp phù hợp.
Theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố hiện đang ghi nhận 592 ca mắc Covid-19 kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Cùng với đó là trên 10.300 người cách ly tập trung, gần 17.700 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Đối với quy định về các khu cách ly, hiện không có quy định cụ thể, mỗi khu vực cách ly sẽ có quy định riêng. Theo đó, việc quyết định gỡ bỏ phong tỏa, địa điểm cách ly dựa vào các các yếu tố nguy cơ, như thời điểm phát hiện ca nhiễm, mức độ tiếp xúc, lây lan trong khu vực...
"Khi quyết định gỡ bỏ phong tỏa tại một khu vực hay một tòa nhà, ngành y tế TP.HCM sẽ đặt sự an toàn của người dân và đảm bảo công tác phòng chống dịch lên hàng đầu, tuyệt đối không gỡ bỏ phong tỏa khi còn các yếu tố nguy cơ lây lan dịch bệnh", ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói
Với việc có nên cho F1 cách ly tại nhà theo gợi ý của Phó Thủ tướng Võ Đức Đam hay không, ông Hưng cho biết, ưu điểm của giải pháp này là người được cách ly có tâm lý thoải mái, có đầy đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là khó giám sát sự tuân thủ biện pháp cách ly của người dân.
Hiện ngành y tế TP.HCM đang cân nhắc các biện pháp phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát được sự lây nhiễm khi cách ly tại nhà, trong đó có thể sẽ ứng dụng một số công nghệ để kiểm soát sự tuân thủ của người cách ly tại nhà.
Các chuyên gia dịch tễ cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến nay, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Việt Nam kiên trì phương châm "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả".
Phương pháp cách ly tập trung bắt buộc với tất cả người tiếp xúc gần ca dương tính (F1) là một mắt xích quan trọng trong chiến lược này. Theo đó, F0 được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế. F1 cách ly tại cơ sở do Bộ Quốc phòng hoặc UBND tỉnh quản lý. Những nơi được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung là doanh trại quân đội, công an; ký túc xá; nhà ở của nhà máy, xí nghiệp; chung cư mới đưa vào sử dụng; khách sạn, nhà nghỉ; trường học; trạm y tế xã...
Trước đây, Việt Nam quy định thời gian cách ly tập trung F1 là 14 ngày; sau ba lần xét nghiệm âm tính, những người này được giám sát sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày nữa. Từ 5/5, Bộ Y tế kéo dài thời gian cách ly tập trung F1 lên 21 ngày; sau ba lần xét nghiệm âm tính, họ được theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Tuy nhiên, khi số lượng F1 quá lớn, nếu các khu cách ly tập trung quá tải sẽ dễ bị lây nhiễm chéo. Cùng với đó là chi phí đưa đón, sinh hoạt cho người cách ly gây gánh nặng và tốn kém cả về nhân lực, vật chất.
TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề xuất phân loại F1 thành hai nhóm: Nguy cơ cao khi tiếp xúc rất gần với F0, không đeo khẩu trang, trong phòng kín bật điều hòa...; nguy cơ thấp khi tiếp xúc có đeo khẩu trang, ở ngoài trời... Nhóm F1 nguy cơ cao vẫn bắt buộc cách ly tập trung; F1 nguy cơ thấp cách ly tại nhà.
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng việc cách ly F1 tại nhà.
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn hai tỉnh thí điểm cách ly công nhân là F1 ngay tại nhà trọ. Những nơi này được coi như khu cách ly tập trung, lắp camera giám sát; yêu cầu không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý người không tuân thủ quy định, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây ra cộng đồng.
Hiện trẻ dưới 5 tuối thực hiện cách ly y tế tại nhà khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trẻ từ 5 đến 15 tuổi thực hiện cách ly y tế tập trung trong 7 ngày đầu. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần liên tiếp (lấy mẫu vào ngày 1, ngày 3 và ngày 7), trẻ sẽ được về cách ly tại nhà nếu đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.