Hà Nội: Cư dân chung cư tố Ban quản trị do mình từng bầu ra lạm quyền
Gia Khiêm
Thứ sáu, ngày 17/02/2023 06:02 AM (GMT+7)
Nhiều cư dân tại một chung cư ở Hà Nội đứng ra căng băng rôn phản ánh Ban quản trị lạm quyền, cho rằng đơn vị này đã sai phạm trong quy trình lựa chọn nhà thầu bảo trì thang máy.
Cư dân tố Ban quản trị sai phạm quy trình lựa chọn nhà thầu bảo trì thang máy
Thời gian qua, tại nhiều tòa chung cư, câu chuyện về việc quản lý, vận hành tòa nhà luôn chưa bao giờ hết nóng. Với các cư dân, việc mua được dự án có chất lượng tốt đã là may mắn khi lựa chọn được chủ đầu tư uy tín. Sau đó, chất lượng sống, môi trường sống ra sao lại phụ thuộc khá nhiều vào đơn vị vận hành.
Nếu như trước đây, phần lớn các vụ ồn ào tại chung cư xoay quanh vấn đề cư dân đấu tranh với chủ đầu tư để đòi quyền lợi, thành lập Ban quản trị của riêng mình thì gần đây, theo ghi nhận thực tế của PV Dân Việt, nhiều khu vực, cư dân lại đang phản ứng với…. Ban quản trị do chính mình bầu ra.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình Ban quản trị nhiều nơi bắt đầu bộc lộ những vấn đề khiến cư dân bức xúc cho rằng đây là hành vi lạm quyền, tài chính không minh bạch, quản lý yếu kém khiến tiện ích xuống cấp…
Mới đây, tại một khu đô thị cao cấp trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhiều cư dân mang băng rôn "Yêu cầu BQT làm rõ sai phạm quy trình lựa chọn nhà thầu bảo trì thang máy" hay "yêu cầu được bảo trì thang máy chính hãng, yêu cầu được bảo vệ an toàn tính mạng".
Theo phản ánh của một số cư dân sống tại đây, chính Ban quản trị mà mình và nhiều cư dân khác trước đó bầu ra lại đang không bảo vệ quyền lợi của cư dân. Thậm chí, cư dân cho rằng Ban quản trị có ý định tư lợi riêng. Chính vì vậy, họ tập hợp nhau để phản đối Ban quản trị, đòi quyền lợi của chính mình.
Theo anh Trần Quang T. (33 tuổi), bức xúc xuất phát khi Ban quản trị đấu thầu chọn nhà thầu bảo dưỡng thang máy. Chính đơn vị cung cấp thang máy cũng không trúng thầu, thay vào đó là một đơn vị hoàn toàn xa lạ. Lý do trúng thầu cũng không được công khai minh bạch.
Anh T. cho biết, đã dọn về khu chung cư trên sống 2 năm nay. Ngay sau khi cư dân về ở đông, chủ đầu tư đã nỗ lực tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ra Ban quản trị. Sau đó, Ban quản trị đại diện cho cư dân thực hiện việc lựa chọn đơn vị bảo hành các hạng mục trong tòa nhà.
Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, việc sử dụng quỹ bảo trì, lựa chọn nhà thầu cho các hạng mục bảo hành khiến Ban quản trị "bộc lộ" nhiều điểm chưa được. Các cư dân trong chung cư của anh T. tố Ban quản trị: Cho đăng báo mời thầu trước khi ban hành quy chế thầu, không thành lập tổ giám sát chấm thầu dù đa số đã biểu quyết, các cuộc họp không có sổ ghi biên bản... Sự việc bức xúc của cư dân đã khiến UBND phường Tây Mỗ phải can thiệp.
"Trước đó, chúng tôi nghe nói chủ đầu tư sẽ giúp đàm phán giá do chính hãng bảo hành bảo trì nhưng ban quản trị quyết định mở thầu chấm cho bên đơn vị khác. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng toàn cư dân", một cư dân sống trong khu chung cư chia sẻ.
Hay, tại một dự án trên địa bàn quận Hà Đông, do một liên doanh nước ngoài làm chủ đầu tư, trên các bức tường tràn ngập băng rôn do cư dân "Yêu cầu BQT thực hiện đúng pháp luật" và tại một số dự án khác cũng có những tấm băng rôn với nội dung "BQT lừa dối"…
Đại diện Ban quản trị chung cư nói gì?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đạidiện Ban quản trị cụm chung cư trên cho biết "quy trình lựa chọn nhà thầu không có gì sai, chỉ có một số điểm chưa thống nhất".
"Cho đến thời điểm hiện tại, phía Ban quản trị chưa có quyết định cuối cùng về việc chọn nhà thầu nào. Ban quản trị mới trong giai đoạn mở thầu, chưa có quyết định cuối cùng, để nói có hay không có sai phạm. Do Ban quản trị mới thành lập nên vài quy trình chưa đi đúng theo chuẩn", vị đại diện Ban quản trị thông tin.
Theo vị đại diện Ban quản trị, phía cư dân có ý kiến thế nào thì đơn vị "rất lắng nghe", trước khi đưa ra họp bàn cuối cùng bao giờ cũng phải có khoảng thời gian để đánh giá nhà thầu.
Trước một số ý kiến cho dân cho rằng, nguyên nhân do Ban quản trị không minh bạch trong tài chính, có tư lợi? Vị này lên tiếng khẳng định: "Cá nhân tôi không thấy có biểu hiện nào tư lợi ở đây bởi đến thời điểm này Ban quản trị chưa nhận quỹ bảo trì từ chủ đầu tư.
Họ chưa bàn giao, khi Ban quản trị chấm thầu đánh giá kết quả thầu có thêm đơn vị tư vấn độc lập. Kết quả do đơn vị tư vấn họ chấm chứ không phải do Ban quản trị tự chấm. Có điều một số thành viên Ban quản trị cho rằng, đối với nhà thầu hiện tại, cảm nhận họ chưa hoàn thành nhiệm vụ mà phía Ban quản trị đặt ra nên muốn mở thầu", vị này nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng mời thầu không thông qua dân, vị đại diện cho hay, Ban quản trị mời đơn vị chấm thầu không nhất thiết phải thông qua cư dân. Việc này Ban quản trị tự đàm phán với các thành viên lấy biểu quyết mời thầu. Khi tổ chức mở và đóng gói thầu, ban quản trị có mời tổ cư dân tham gia giám sát việc mở và đóng thầu. Việc mời cư dân sẽ công khai minh bạch.
Về thắc mắc không thành lập tổ giám sát chấm thầu dù đa số đã biểu quyết, các cuộc họp không có sổ ghi biên bản, đại diện Ban quản trị cho biết: "Trong các cuộc họp, thư ký đều ghi lại nhưng có điều thư ký không xin chữ ký của các thành viên Ban quản trị.
Tức là có ghi lại toàn bộ nội dung cuộc họp, tuy nhiên cuối cuộc họp phải đọc lại nội dung cuôc họp, rồi mọi người chỉnh sửa, ký tên thế nhưng việc này sơ suất. Các cuộc họp thường kết thúc rất muộn, mọi người không có thời gian đọc lại và ký đóng dấu vào biên bản cuộc họp. Cá nhân tôi luôn luôn lắng nghe, đứng về phía cư dân", vị này nói thêm.
"Ban quản trị thường là những người không chuyên nghiệp hoặc không có chuyên môn về quản lý"
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, luật thông qua việc có ban quản trị là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, Ban quản trị thường là những người không chuyên nghiệp hoặc không có chuyên môn về quản lý, vận hành các toà nhà.
Thứ 2, theo ông Điệp, cơ chế quản lý, giám sát của ban quản trị mang tính tự phát, không có quy trình quản lý, tập huấn, chứng chỉ quản trị… dẫn đến một số nơi tố Ban quản trị lộng quyền là tất yếu như tự ý đấu thầu không hỏi ý kiến dân hoặc cho thuê bãi xe theo ý ban quản trị hoặc ký với tổ chức nào để làm bảo vệ, vận hành toà nhà…
"Nếu không dân chủ, không công khai minh bạch sẽ dẫn đến kiện cáo, mâu thuẫn giữa Ban quản trị và Ban quản lý, giữa người dân với Ban quản trị diễn ra ngày càng phức tạp. Ban quản trị là người đại diện cho dân để làm việc cho dân nhưng phải chuẩn mực, điều này tôi thấy rõ nhiều nơi chưa làm được, dẫn đến hệ quả rất gay gắt thậm chí có thể đưa nhau ra công luận, chính quyền địa phương… gây mất trật tự an ninh", ông Điệp nhấn mạnh.
Ông Điệp cho rằng, ban quản trị chung cư là đơn vị sẽ đứng ra giữ khoản phí bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ. Đây là một nguồn tiền khổng lồ lên tới hàng tỷ đồng.
"Số tiền đó dùng để bảo trì, bảo dưỡng để vận hành toà nhà cho tốt, đó là ý rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải củng cố lại những người trong ban quản trị, khi dân bầu đòi hỏi phải có chuyên môn, phải có lớp học để bồi dưỡng cho những người làm công tác quản lý, thậm chí tiến tới có phí cho người làm nhiệm vụ này, có công sức thì mọi người sẽ làm tốt hơn.
Thậm chí từng địa phương, thành phố phải có lớp tập huấn hoặc lớp chứng chỉ nghề quản trị khu chung cư, có chế độ chính sách rõ ràng về quy chế, quy định chặt chẽ. Các cấp chính quyền địa phương phải vào cuộc, phải đưa ra tiêu chí cần và đủ khi tham gia Ban quản trị, tất nhiên không cầu toàn nhưng phải đi vào khuôn khổ tránh tình trạng kiện cáo, tranh đấu không hay, dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ", ông Điệp chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.