Bệnh viện Quân đội 108 vừa cho biết, bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho một cụ ông 105 tuổi bị gãy xương đùi. Đây là ca bệnh rất khó vì cụ ông đã quá cao tuổi.
Gãy xương đùi nhưng bệnh viện tỉnh không điều trị được
Cụ ông 105 tuổi (sinh năm 1917) trú tại Thanh Hóa. Theo thông tin gia đình cung cấp, trong lúc đang ngồi trên giường, cụ ông không may bị ngã xuống đất. Ngay sau khi phát hiện cụ bị ngã, người nhà đã bế cụ lên giường để cụ nghỉ ngơi. Sau ngã, cụ ông tỉnh, không nôn, sưng nề, đau chói, bất lực vận động đùi phải.
Cụ ông được người nhà đưa cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, chụp X - quang phát hiện gãy đầu trên xương đùi phải nhưng không chỉ định phẫu thuật do tuổi quá cao. Gia đình liên hệ chuyển cụ ra Bệnh viện Quân đội 108 điều trị.
Tại Bệnh viện Quân đội 108, sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được khám và hội chẩn liên khoa gồm chấn thương chỉnh hình, tim mạch, hô hấp, gây mê và hồi sức. Sau hội chẩn đánh giá toàn trạng, bệnh nhân được điều trị hỗ trợ chuyên khoa và theo dõi trước mổ 3 ngày.
Sau đó, được tiến hành phẫu thuật kết xương bằng nẹp khoá đầu trên xương đùi với đường mổ tối thiểu. Kíp phẫu thuật do TS, bác sĩ Nguyễn Viết Ngọc làm trưởng kíp với bác sĩ Đàm Văn Khải phụ trách vô cảm, cuộc mổ diễn ra trong khoảng 45 phút, kết thúc cuộc phẫu thuật an toàn, bệnh nhân về khoa tỉnh táo.
Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định, ăn ngủ tốt, hết đau tại chỗ, ngồi dậy được, vận động khớp háng phải không đau, vết mổ khô ổn định, bệnh nhân đã được xuất viện về nhà trong niềm cảm phục, phấn khởi của cả bệnh nhân và người nhà.
TS Nguyễn Viết Ngọc, khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật (Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân đội 108) cho biết, đây là trường hợp người bệnh cao tuổi nhất từ trước đến nay được phẫu thuật kết xương đùi tại Viện Chấn thương Chỉnh hình.
Người bệnh cần được chăm sóc tập vận động khớp háng tại giường trong 3 tuần sau mổ, sau đó có thể đứng dậy tập đi và sau 5 tuần có thể vận động và đi lại sinh hoạt bình thường.
Cảnh báo gãy xương ở người cao tuổi
TS Ngọc cũng cho biết, gần đây, Bệnh viện Quân đội 108 tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh cao tuổi nhập viện do ngã dẫn đến gãy xương.
Theo TS Ngọc, ở người cao tuổi sau nhiều năm lao động, làm việc, hệ thống xương khớp đã bị thoái hóa, xương giòn và dễ gãy do thiếu canxi. Chỉ cần một lực tác động nhẹ cũng có thể làm gãy xương, nếu không xử trí, chăm sóc đúng, người bệnh có thể nhanh chóng suy kiệt và chịu nhiều hệ lụy khác làm giảm đáng kể thời gian và chất lượng cuộc sống sau chấn thương .
Gãy xương đùi ở người cao tuổi rất thường gặp do trượt ngã đập mông hoặc hông xuống nền cứng. Tổn thương hay gặp là gãy cổ hoặc gãy liên mấu chuyển, đường gãy xương ngoài khớp do tình trạng loãng xương, thưa xương.
Đối với người cao tuổi, thường kèm theo bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính…) đặc biệt là bệnh lý về tim mạch, nguy cơ tăng nặng các bệnh lý này sau phẫu thuật là khá cao.
"Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không điều trị kết hợp xương để vận động sớm thì nguy cơ bùng phát hoặc nặng lên của các bệnh lý mạn tính sẵn có cũng sẽ tăng cao, nằm lâu một tư thế còn gây loét điểm tỳ và các biến chứng khác như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, suy kiệt… dẫn đến tử vong, thời gian và chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm đáng kể", TS Ngọc cho biết thêm.
Về việc điều trị gãy xương đùi cho người cao tuổi, TS Ngọc chia sẻ, đối với gãy liên mấu chuyển xương đùi ở người cao tuổi, khi điều kiện sức khỏe và các điều kiện về y tế cho phép thì việc lựa chọn phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp khoá với đường mổ tối thiểu.
Cùng sự hỗ trợ của gây mê hồi sức và màn hình tăng sáng sẽ giúp bệnh nhân giảm đau, ngồi dậy và tập vận động sớm tránh những biến chứng do bất động lâu ngày, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ.
"Gãy đầu trên xương đùi do ngã ở người cao tuổi là rất thường gặp, điều trị bảo tồn (không mổ) người bệnh đau đớn và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, mọi sinh hoạt thường ngày đều phải có người trợ giúp.
Quan niệm xưa và các cơ sở y tế không đủ khả năng điều trị hiện nay cho rằng với người trên 80 tuổi không nên mổ vì mổ sẽ nguy hiểm nên người nhà thường để người bệnh ở nhà điều trị bằng cách đắp lá cây, bó thuốc nam vào vùng bị đau.
Người bệnh không những không hết đau mà còn loét điểm tỳ đè, thậm chí loét nhiễm trùng chỗ đắp thuốc, viêm phổi, viêm đường niệu… do nằm lâu và khi đến bệnh viện tuyến Trung ương để điều trị thì đã quá muộn, không còn cơ hội phẫu thuật. Vì vậy khuyến cáo người bệnh nên đến các cơ sở y tế đủ khả năng điều trị phẫu thuật để được khám và điều trị kịp thời", TS Ngọc khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.