Bài học đắt giá
Trung tâm Văn hóa huyện Yên Phong ngày 11.8 chật kín người. Đông đảo người dân địa phương, các phóng viên báo chí và đại diện cơ quan chức năng đã đến chứng kiến buổi công bố kết luận đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm.
Ông Trần Văn Thêm đặt quyết định đình chỉ điều tra bị can lên bàn thờ tổ tiên, rồi thắp hương khấn vái. Ảnh: V.H
Ông Trần Văn Thêm (SN 1935, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được người nhà dìu đến trung tâm văn hoá huyện vào lúc gần 9 giờ sáng. Hơn 40 năm trước, ông Thêm bị các cơ quan tố tụng kết tội giết người trong một vụ án mà sau đó, đã tìm được hung thủ thực sự.
Tuy nhiên, cho đến trước ngày 11.8, trên giấy tờ, ông Trần Văn Thêm vẫn là người bị truy tố về tội giết người. Nhiều năm qua, ông Thêm cùng gia đình và luật sư đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để tìm lại hồ sơ vụ án nhằm minh oan cho ông. Đến ngày 9.8, các cơ quan chức năng đã kết luận ông Thêm vô tội.
Trước đông đảo người dân, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng - Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an - đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thêm. Kết quả điều tra cho thấy, có căn cứ xác định ông Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn. Căn cứ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định đình chỉ bị can đối với bị can Trần Văn Thêm.
Thiếu tướng Vũ Quang Hưng trao quyết định đình chỉ bị can cho ông Trần Văn Thêm và nói: “Đây là văn bản pháp lý của một cơ quan có thẩm quyền tố tụng xác định ông Trần Văn Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn”.
Ông Trần Văn Tuân - Phó Chánh án TAND Tối cao cũng đã chính thức công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm. “Hôm nay, đại diện cho cơ quan tố tụng là TAND Cấp cao tại Hà Nội (trước đây là TAND Tối cao), Viện Kiểm sát Cấp cao tại Hà Nội, Cơ quan CSĐT Bộ Công an; chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm và gia đình theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Việc khởi tố, xét xử không đúng đã gây tổn thất cho ông Thêm và gia đình. Chúng tôi nhận thấy đây là một bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử vụ án. Chúng tôi mong ông Thêm và gia đình thông cảm sâu sắc, chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng đã gây ra cho ông” – Phó Chánh án TAND Tối cao nói lời xin lỗi người bị oan sai.
Người bị kết án oan Trần Văn Thêm đã gửi lời cảm ơn Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và bày tỏ lòng biết ơn ông Bùi Văn Hoà - Phó Chánh án TAND Tối cao, Công ty Luật Hoà Lợi đã không quản ngại khó khăn vất vả để tìm lại bản án, nhân chứng làm chứng cứ để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết oan sai.
Chưa tính mức bồi thường
Ngay sau khi được xin lỗi công khai, gia đình ông Thêm cùng luật sư sẽ tiếp tục làm các thủ tục cần thiết để yêu cầu cơ quan chức năng bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần cho ông Trần Văn Thêm.
Luật sư Vũ Văn Lợi - Công ty Luật Hòa Lợi khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với gia đình ông Thêm trong quá trình kiến nghị để được bồi thường theo đúng quy định pháp luật về bồi thường oan sai.
Anh Trần Văn Sáu - con trai út của ông Thêm cũng cho biết: “Gia đình sẽ tiếp tục xử lý các công việc liên quan đến đòi bồi thường oan sai cho bố tôi, để đền bù xứng đáng cho cụ sau những năm tháng mang án oan tử hình. Việc bồi thường sẽ thực hiện theo đúng quy định của nhà nước”.
Về số tiền dự kiến đề nghị được bồi thường, anh Sáu cho biết hiện gia đình chưa tính toán ngay được, nhưng sẽ phải xứng đáng với những gì ông Thêm và gia đình đã phải chịu đựng trong 46 năm qua.
Trần Văn Tuân – Phó Chánh án TAND Tối cao cũng đã cam kết: “Ngay sau khi xin lỗi công khai ông Thêm, TAND sẽ khẩn trương thực hiện đúng quy định về Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, công khai đăng trên thông tin báo đài và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”.
Diễn biến vụ việc
* Ngày 23.6.1970, ông Trần Văn Thêm và người em họ Nguyễn Khắc Văn lên Tam Dương, Vĩnh Phú thu mua quả trám. Đêm đó có một đối tượng dùng búa tấn công hai người hòng cướp tài sản. Ông Văn tử vong, còn ông Thêm bị thương.
* Tháng 8.1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Trần Văn Thêm tội giết người, cướp tài sản.
* Tháng 8.1973, cấp phúc thẩm cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông.
* Đêm 30 Tết năm 1976, ông Thêm được bác sĩ ở Bộ Công an cấp giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống. Ông ở trại tạm giam 5 năm 6 tháng 7 ngày. Hung thủ của vụ án cũng bị bắt.
* Nhiều năm ông Trần Văn Thêm cùng gia đình kêu oan, năm 2005, TAND Tối cao trả lời: Nếu ông bị xét xử oan sai thì phải có tài liệu chứng minh.
* Năm 2014, Viện KSND Tối cao cho biết, cơ quan này đã trực tiếp đi xác minh nhưng không tìm thấy tài liệu liên quan đến vụ án của ông Thêm, do đó không có căn cứ để xác định ông Thêm bị xét xử oan.
* Tháng 11.2014, Công an tỉnh Bắc Ninh có công văn phúc đáp gửi Công ty TNHH Luật Hòa Lợi (đơn vị trợ giúp pháp lý cho ông Thêm – PV), cho biết Công an tỉnh đang lưu trữ 2 hồ sơ có liên quan đến vụ án giết người xảy ra tại Tam Dương, Vĩnh Phú năm 1970, bị can là Trần Văn Thêm.
* Ngày 9.8, sau khi họp chuyên ngành, cơ quan chức năng đã kết luận ông Trần Văn Thêm bị truy tố oan tội giết người, cướp tài sản cách đây hơn 40 năm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.