Thông tin từ TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết, cơ quan này đã hoàn tất việc bồi thường oan sai trên 6,7 tỷ đồng cho ông Trần Văn Thêm (81 tuổi, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), từ tháng 10/2017 TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định số 759 về việc giải quyết bồi thường đối với ông Trần Văn Thêm với tổng số tiền bồi thường trên 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó việc cấp kinh phí bồi thường gặp nhiều khó khăn, kéo dài.
Trên cơ sở công văn đề nghị cấp kinh phí của TAND Tối cao, Bộ Tài chính đã cấp kinh phí và TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành việc chi trả tiền bồi thường theo quy định cho ông Thêm.
Ông Trần Văn Thêm bị oan sai 41 năm. (Ảnh: Bá Đoàn)
Như Dân trí đã phản ánh, năm 1970, ông Trần Văn Thêm khi đó 34 tuổi cùng người em họ Nguyên Khắc Văn ghé vào ngủ ở lều cắt tóc. Nửa đêm, hung thủ xông vào dùng búa bổ củi đánh ông Văn tử vong. Ông Thêm sau đó bị kết tội là hung thủ giết người.
Năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (sau này tách ra thành tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc) đưa ra xét xử và kết tội ông Thêm mức án tử hình. Không đồng ý với bản án, ông Thêm kêu oan. Đến năm 1974, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.
Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.
Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng. Đến năm 2015, TAND Tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do gia đình cụ Thêm cung cấp. Từ đó, các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, xác định ông Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn năm 1970.
Dựa trên việc tính toán thời gian từ khi ông Trần Văn Thêm bị bắt giam, ở tù đến khi tại ngoại là 41 năm, gia đình ông Thêm đã đòi bồi thường 12 tỷ đồng. Việc thương lượng bồi thường “cù cưa” suốt 3 năm trời mới thống nhất được số tiền bồi thường trên 6,7 tỷ đồng.
Thế Kha (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.