Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị với Chính phủ cho phép tăng nặng xử phạt đối với ba nhóm hành vi: hành vi dùng xe ô tô chở hàng quá tải, hành vi điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm nồng độ cồn và đi xe máy vào đường cao tốc.
Ngoài biện pháp xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị tịch thu phương tiện. Cụ thể, hành vi chở hàng vượt tải trên 150%, người điều khiển phương tiện sẽ phạt tiền 25 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 12 tháng. Nếu chủ phương tiện là cá nhân phạt tiền 40 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt. Chủ phương tiện là tổ chức bị phạt tiền 80 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.
Nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cũng bị đề nghị tăng nặng mức xử phạt, đối với cả người điều khiển ô tô và xe gắn máy. Người điều khiển ôtô, xe máy mà trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông
Bên cạnh đó, ông Đinh La Thăng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện lưu thông trên đường cao tốc.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng: “Muốn đề xuất biện pháp tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm giao thông như của Ủy ban ATGT Quốc gia thì phải xem xét các yếu tố: trong luật, các nghị định hiện hành có quy định điều này hay không; hành vi vi phạm này có đến mức phải tịch thu phương tiện hay không".
Theo ông Sơn, nếu nghị định xử phạt hiện hành chưa có điều khoản trên mà cơ quan có thẩm quyền muốn sửa đổi, bổ sung nghị định mới để quy định thì phải xem xét lại từ các luật liên quan. Đồng thời, phải xét đến tính chất hành vi vi phạm có đến mức cần phải tịch thu tài sản, phương tiện hay không.
Người đứng đầu cơ quan Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho hay: "Nếu đề xuất này được trình Chính phủ thì chắc chắn sẽ gửi qua Bộ Tư pháp để thẩm định, khi đó thì chúng tôi sẽ có ý kiến chính thức".
Có khá nhiều ý kiến đồng tình với việc tăng nặng mức xử phạt các hành vi kể trên, nhưng còn băn khoăn về tính khả thi của việc tịch thu phương tiện vi phạm. Thứ nhất, đó là tài sản thuộc sở hữu của người dân. Thứ hai, trong trường hợp người vi phạm mượn hay thuê phương tiện của người khác thì tịch thu thế nào?
Ông Đàm Minh Thụy (Hà Nội) cho rằng: "Tôi nghĩ, đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc và tịch thu xe ô tô nếu lái xe có nồng độ cồn quá cao có vẻ hơi thiếu khả thi. Phương án phạt thật nặng có hiệu quả hơn và cũng mang tính giáo dục hơn. Chẳng hạn thay vì tịch thu xe ô tô, có thể đề xuất mức phạt 100 triệu đồng kèm theo giam lái xe 3 ngày chẳng hạn. Còn với xe máy, phạt 10 triệu VND và giam lái xe 3 ngày. Nếu họ không nộp phạt đúng hạn, tịch thu xe cũng đâu có muộn".
Còn Luật sư Tạ Quốc Cường – Giám đốc Công ty luật hợp danh Sự Thật (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá: “Tôi cho rằng kiến nghị này là trái luật và khó thực thi. Theo tôi, Bộ GTVT khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là không được trái với Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ".
Ông Cường phân tích: "Về mặt luật pháp, nếu tịch thu và bán đấu giá thì đó là tài sản riêng của người dân và điều này sẽ vi phạm quyền sở hữu. Trong đó có quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản được quy định trong Luật Dân sự. Nếu người dân vi phạm giao thông thì chỉ có thể phạt tiền, tước giấy phép lái xe. Chỉ có thể tịch thu khi họ vi phạm pháp luật mà thôi".
Chính vì vậy, luật sư Cường cũng đề nghị tăng mức phạt thật nặng bằng tiền hoặc các chế tài bổ sung đối với các hành vi vi phạm giao thông như kiến nghị, thay vì đề xuất tịch thu xe.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.