Cúm A/H5N1 gây chết người lây lan như thế nào?

Diệu Linh Thứ hai, ngày 25/03/2024 05:53 AM (GMT+7)
Cúm A/H5N1 lây truyền từ chim hoang dã hoặc gia cầm sang người có tỷ lệ tử vong lên đến hơn 50%.
Bình luận 0

Bộ Y tế vừa cho biết, thanh niên tử vong sau khi mắc cúm A/H5N1 đã có tiền sử bẫy chim hoang dã ở gần khu vực bệnh nhân sinh sống. Đây được xem là yếu tố dịch tễ nghi ngờ lây nhiễm cúm A/H5N1 cho bệnh nhân. 

Bộ Y tế cho biết, đây là trường hợp mắc cúm A(H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 10/2022, tại Phú Thọ đã ghi nhận 1 trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên người. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (50,8%).

Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người, virus A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (~50%).

Cúm A/H5N1 gây chết người lây lan như thế nào? - Ảnh 1.

Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (50,8%). Ảnh minh họa unmc

Tại sao cúm A/H5N1 nguy hiểm hơn các loại cúm khác? 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, cúm A/H5N1 - cúm gia cầm - cúm chim (avian influenza hay bird flu) là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. 

Virus này được phát hiện lần đầu tiên tại Ý cách đây hơn 100 năm và giờ đây phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virrus cúm A của họ Orthomyxoviridae. 

Vỏ của virus cúm A bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase). 

Có 15 loại kháng nguyên H (từ H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (từ N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của virus cúm A.

Trong số 15 phân týp cúm, H5N1 được quan tâm với nhiều lý do:

- Nó biến dị nhanh và cho thấy nó chứa các gen của các virus nhiễm từ các loài động vật khác nhau.

- Nó có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người. Virus cúm A/H5N1 được chia làm 2 nhóm theo độc lực của virus: virus cúm gia cầm có độc lực thấp (LPAI) và virus cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI). Hiện nay chỉ có các týp H5, H7 và H9 là có độc lực cao.

- Chim có thể đào thải virus ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân do đó làm tăng lan truyền theo các đàn chim di cư.

- Nó có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gà sang người.

- Nếu có nhiều người mắc bệnh thì làm tăng khả năng là người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các virus cúm người và động vật tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành virus mới với gen vi rút cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, gây nên đại dịch ở người.

Cúm A/H5N1 gây chết người lây lan như thế nào? - Ảnh 2.

Trong các cúm gia cầm nguy hiểm lây lan sang người, tại Việt Nam mới ghi nhận cúm A/H5N1, chưa ghi nhận các chủng H7N9, H5N6. Ảnh minh họa WHO

Cúm A/H5N1 có khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài như thế nào? 

- Virus bị giết chết ở 560C trong 3 giờ và 600C trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodin.

- Các týp virus có độc lực cao có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp, có thể sống ít nhất trong 35 ngày ở nhiệt độ 40C. Nếu ở đông băng, chúng có thể sống trong nhiều năm. Ở nhiệt độ 370C nó có thể sống đến 6 ngày trong phân của gia cầm.

Một chuyên gia y tế cho biết, hiện trên thế giới ghi nhận hàng chục loại cúm gia cầm, nhiều loại cúm đã lây lan sang người với tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay đang ghi nhận 1 số cúm gia cầm có thể lây lan sang người tuy nhiên nguy hiểm nhất vẫn là H5N1, H7N9, H5N8...

Trong các cúm gia cầm nguy hiểm lây lan sang người, tại Việt Nam mới ghi nhận cúm A/H5N1, chưa ghi nhận các chủng H7N9, H5N6.

Theo Cục Y tế dự phòng, virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao. Các nhà khoa học đánh giá virus H5N1 là loại virus có khả năng tự biến đổi (hoặc tái tổ hợp) rất cao. 

Virus H5N1 có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với tỉ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong là rất lớn.

Tỷ lệ biến chứng và tử vong cao người do nhiễm cúm A/H5N1 rất cao (từ 50-60% trường hợp mắc).

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H5N1 lây lan qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với các vật, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. 

Cúm A/H5N1 gây chết người lây lan như thế nào? - Ảnh 3.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cúm A/H5N1 ở người. Ảnh minh họa thequint

Các dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm A/H5N1

Theo Cục Y tế dự phòng, cúm A/H5N1 thường được xác định khi bệnh nhân từng tiếp xúc với gia cầm bị bệnh (hoặc người mắc bệnh cúm gia cầm), hoặc đã từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.

Biểu hiện lâm sàng với những diễn tiến cấp tính như: Sốt trên 380C, có thể rét run; Ho, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên..; Khó thở, thở nhanh, tím tái; Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng. Và khi X quang phổi sẽ có các hình ảnh tổn thương thâm nhiễm lan toả một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cúm A/H5N1 ở người. 

Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cũng nhấn mạnh, về lý thuyết, mọi người đều có khả năng cảm nhiễm với virus cúm A/H5N1 nhưng khả năng gây bệnh, lan truyền ở người là rất thấp. 

Trong hàng trăm týp virus cúm gia cầm, hiện chỉ có 4 chủng được biết là gây bệnh ở người, đó là H5N1, H7N3, H7N7, H9N2, H5N6, H7N9... 

Nhìn chung, người thường mắc thể nhẹ, rất ít khi bị nặng trừ khi nhiễm H5N1 hay H7N9, Trên thực tế, khả năng lây nhiễm vi rút cúm A?H5N1 là rất khác nhau. Nhiều người cùng bị phơi nhiễm với virus cúm A/H5N1 nhưng chỉ có một số rất ít người mắc bệnh. 

Hiện nay, người ta chưa biết rõ yếu tố nào làm tăng cảm nhiễm với virus. Một số người cho rằng yếu tố cơ địa hay yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức đóng vai trò quan trọng đến tính cảm nhiễm với bệnh.

Để phòng cúm gia cầm nói chung và cúm A/H5N1 nói riêng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần: 

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem