Những ngày này, dọc ven sông Đáy thuộc các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai... của Hà Nội, người dân bắt đầu vào mùa thu hoạch dâu tằm.
Thứ quả dân dã này chỉ xuất hiện vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 hàng năm.
Trước đây, người dân các huyện ven sông Đáy này thường trồng dâu chỉ để lấy lá nuôi tằm. Nhưng từ khi nghề nuôi tằm không còn được chú trọng, những cánh đồng dâu được người dân vun trồng hái quả.
“Những ngày này dâu chín rộ nên cả nhà phải nai lưng ra ruộng từ sáng sớm để hái. Dâu chín nếu không hái kịp sẽ mục rũa và hỏng” - anh Đỗ Hữu Hạnh xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ - Hà Nội), chủ vườn dâu tằm 20 gốc chia sẻ.
Theo anh Hạnh, năm nay dâu mất mùa bởi lúc đơm hoa bị ảnh hưởng của một đợt sương muối. Cũng bởi thế nên giá dâu năm nay nhỉnh hơn so với những năm trước, trung bình từ 15.000 -20.000/kg hái tại vườn.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều gia đình neo người phải thuê thêm nhân công để hái cho kịp.
“Phải thuê thêm người hái với tiền công là 200.000 đồng/công. Trung bình mỗi ngày, một người hái được từ 20-30kg trong suốt 10-12 giờ đồng hồ” - anh Hạnh cho biết.
“Phải rất khéo léo bẻ từ cuống quả ngược lên, một tay giữ quả, tay còn lại giữ cành. Chỉ mạnh tay một chút là quả sẽ bị dập nát là hỏng, phải vứt bỏ” - Chị Thanh, vừa thu hoạch vừa giải thích.
Dâu chín, mọng nước nên chỉ mạnh tay một chút là bị dập.
Vào mùa dâu chín, các gia đình thường huy động tối đa nhân lực ra vườn từ sáng sớm thu hoạch đến tận chiều tối mới trở về.
Những cây dâu có tuổi đời từ 4-5 năm tuổi cao quá đầu người với trĩu trịt trái.
“Trừ công chăm sóc, phân bón mỗi năm cũng cho thu hoạch từ 50-70 triệu đồng, mà đỡ vất vả hơn so với việc trồng để lấy lá nuôi tằm” - chị Thanh, chủ vườn dâu 50 gốc cho biết.
Người hái dâu sau khi hái xuống, đóng thùng và thương lái đến thu mua ngay tại vườn.
Không chỉ thương lái đến thu mua, một bộ phận không nhỏ người dân lân cận cũng tìm đến thưởng ngoạn và mua về dùng.
Những quả dâu chín mọng
Thương lái chở dâu đi tiêu thụ ở khắp nơi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.