Cuộc cách mạng công nghệ cao của Ba Huân

Trần Ngọc Thọ Thứ ba, ngày 17/01/2017 12:41 PM (GMT+7)
Từng lao đao vì ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, ít ai biết bà Ba Huân (tức Phạm Thị Huân) - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân đã phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: Chọn công nghệ cao hay là "chết"?
Bình luận 0

Niềm vui Ngày Giải phóng

Tôi đặt lịch phỏng vấn bà từ trước 2 tuần nhưng sau chuyến bay dài đi nhận giải thưởng quốc tế của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc trở về, bà Ba Huân mới thu xếp được thời gian và hẹn gặp phóng viên. Vừa gặp tôi, bà thông tin: “Ba Huân đã khởi công nhà máy xử lý trứng gia cầm đầu tiên theo công nghệ Moba (Hà Lan) tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Nhà máy có tổng giá trị đầu tư 110 tỷ đồng. Dự kiến đầu năm 2017 sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng. Tôi phải bay ra bay vào thường xuyên, rất may có anh Bảy Hùng đây (em trai bà Ba Huân là ông Phạm Thanh Hùng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ba Huân Hà Nội) túc trực tại Hà Nội nên tôi cũng đỡ lo lắng đi nhiều phần”.

Nhấp vội ngụm nước. Bà kể tôi hay “Tôi sinh ra vào một ngày cuối đông năm 1954 tại vùng đất phèn nhiễm mặn nặng tại xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tôi là con thứ trong gia đình có 8 anh chị em nên vẫn thường được mọi người gọi với cái tên rất giản đơn là Ba Huân. Gia đình tôi nghèo lắm bởi rất khó trồng được cây cối gì cho thu nhập cao. Dưới tôi còn các em nữa nên ngay từ nhỏ tôi đã phải cùng mẹ lặn lội kiếm tiền nuôi các em ăn học. Mẹ tôi là người phụ nữ chịu thương, chịu khó chịu khổ rất giỏi. Bà chuyên thu mua trứng gà, trứng vịt của những hộ gia đình xung quanh, vùng Gò Công, Tiền Giang đưa lên Chợ Lớn, Sài Gòn bán. Do gia cảnh quá khó khăn nên học tới lớp 5 thì tôi nghỉ ở nhà phụ giúp mẹ. Mẹ dạy cho tôi cách chọn, phân loại trứng, cách mua, bán từng quả trứng cho khách. Những kinh nghiệm này đã quyết định con đường và sự nghiệp của tôi sau này".

img

Bà Ba Huân (giữa) tới từng người nuôi kể cả nhỏ lẻ để hỏi han, hướng dẫn. Ảnh:Ngọc Thọ

Bà Ba Huân nhớ lại, phụ giúp mẹ được 3 năm thì tròn 16 tuổi thì bà được mẹ chuyển giao toàn bộ công việc buôn bán. So với những người buôn trứng thời điểm đó, bà là người trẻ nhất.  “Khó khăn lớn nhất đối với tôi là vốn, không có vốn thì không tính được chuyện gì hết trơn. Số tiền mà mẹ và tôi dành dụm cũng chẳng thấm thía gì. Tôi quyết định tới gặp từng chủ trại nuôi vịt, gà để thuyết phục họ bán chịu cho tôi, mua – trả theo kiểu gối đầu. Không hiểu sao tất cả các chủ trại chăn nuôi khi nghe tôi nói đều đồng ý” - bà kể.

“Tôi mua trứng của bà con nông dân, người chăn nuôi với mức giá cao hơn so với những lái buôn khác nhưng bù lại tôi yêu cầu người nuôi phải cung cấp lượng hàng đầy đủ, chất lượng đồng đều, ổn định. Nhờ bán “tận ngọn”, không phải qua trung gian nên số tiền lãi tôi thu về cũng cao hơn, đủ để cả gia đình trang trải, nuôi nấng các em ăn học và tích cóp thêm vào” - bà Ba Huân nhớ lại. 

Ngày 17.10.2016, tại Bangkok (Thái Lan), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc đã trao giải thưởng “Nông dân điển hình” cho 5 nông dân chọn từ 45 nước. Tại đây, bà Phạm Thị Huân (Ba Huân) được vinh danh vì có nhiều đóng góp cho cộng đồng: Tiên phong, khởi xướng nghề nuôi vịt chạy đồng giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân vùng ĐBSCL nhất là những vùng bấy lâu thất thu do xâm nhập mặn, giúp nhiều nông dân, công nhân thoát nghèo và có tiếng nói hơn trong xã hội nhờ thu nhập tăng.

Khi tôi hỏi bước ngoặt nào là quan trọng nhất với cuộc đời của bà, không ngần ngại bà cho hay: “Niềm vui lớn đối với tôi và những người dân sông nước ĐBSCL là ngày 30.4.1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Cũng từ đây, Nhà nước chính thức tổ chức lại loại hình buôn bán. Kinh tế tư nhân, buôn bán cá thể bị xóa bỏ và thay thế bằng hình thức mua bán tập trung, hợp tác xã do nhà nước quản lý. Ngành trứng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Một số bạn bè tôi vì tự tin vào tay nghề và nhất quyết "không chịu" làm cho tập thể nên có người ra nước ngoài sống, có người bỏ nghề. Riêng tôi, nhận thấy không thể tiếp tục tự buôn bán được nữa, tôi quyết định xin vào làm cho Công ty Nông sản Thực phẩm Kiên Giang. Công việc của tôi chủ yếu là đi thu mua trứng gia cầm từ các hộ nông dân vùng nông thôn với một mức giá do nhà nước định sẵn rồi đem về công ty, phân phối tới các cửa hàng thực phẩm ở các quận huyện tại TP.HCM. Nhờ những mối cung cấp trứng sẵn có trước giải phóng nên tôi gặp nhiều thuận lợi trong công việc” - bà nhớ lại.

Bước ngoặt “kinh tế tư nhân”

Theo bà Ba Huân, bước ngoặt lớn nhất với bà là thời điểm đó, Công ty giao chỉ tiêu cho bà phải đảm bảo chất lượng 95% tổng số trứng giao về phải đảm bảo không được bể, vỡ. “Công ty cho tỷ lệ hao hụt là 5% và ai cũng nghĩ rằng 5% số trứng đó đương nhiên là vứt đi. Một xe trứng có 100.000 quả đem về thì họ chỉ cần 95.000 quả tôi phải đảm bảo tiêu chuẩn, còn 5.000 quả còn lại thì không cần quan tâm. Ngoài việc phải nghĩ cách làm sao để chọn trứng tốt nhất, tìm mọi cách để quá trình vận chuyển không bị thất thoát, bể, vỡ, tôi còn tìm tới các chủ tiệm làm bánh, làm mì sợi trên địa bàn TP.HCM và được họ nhận lời nhập những quả trứng đẹp ruột nhưng hình thức hơi kén này” – bà kể lại.

img

Và xây dựng một Ba Huân như ngày nay. 

“Từ đây, tôi tích lũy được số tiền kha khá nhờ số trứng tưởng như vứt đi này. Cứ tích cóp được vài ba trăm ngàn là tôi lại để dành. Cũng thời điểm này, có nhiều gia đình ra nước ngoài nên giá nhà đất xuống giá thảm hại. Tôi dùng toàn bộ số tiền tích lũy từ trước giải phóng cho tới khi giải phóng để mua nhà, đất và giữ đấy khi có việc cần dùng tới” - bà nhớ lại.

img

Trong nhiều năm qua, bà Ba Huân thầm lặng tham gia nhiều chương trình ủng hộ, từ thiện.

Bà kể: “Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12.1986), Nhà nước cho phép hình thành nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân được “cởi trói”. Tôi quyết định nghỉ việc. Năm 1982, với số vốn tích cóp được qua hàng chục năm là 200 triệu đồng, tôi mở một vựa trứng lấy tên là Ba Huân tại TP.HCM. Công việc chủ yếu là thu mua trứng từ vùng ĐBSCL về giao cho các chợ đầu mối trong trung tâm thành phố. Tôi liên kết cùng các hộ nông dân, cho các hộ vay vốn mở trại chăn nuôi gia cầm, thuê chuyên gia về hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi hiệu quả cho bà con. Nhiều hộ nông dân bắt đầu thoát nghèo nhờ con vịt, con gà, đảm bảo ổn định nguồn cung cấp trứng. Chỉ sau một thời gian ngắn, tới năm 1985, số lượng trứng bán ra thị trường của tôi tăng lên nhanh chóng, quy mô hoạt động của cơ sở ngày càng lớn mạnh. Từ vựa trứng ban đầu chỉ có số vốn 200 triệu đồng, tôi quyết định nâng cấp lên thành Cơ sở thu mua và phân phối trứng gia cầm Ba Huân với số vốn 400 triệu đồng. Năm 2000, Cơ sở thu mua và phân phối trứng gia cầm Ba Huân chính thức đổi tên thành Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân”.

"Trung thành" với công nghệ cao

Khẽ trầm giọng, nhìn tôi, bà kể tiếp: “Hồi đấy, doanh nghiệp đang hoạt động rất thuận lợi thì đến cuối năm 2003, đợt dịch cúm gia cầm H5N1 “quét” qua các nước châu Á đã khiến Ba Huân chúng tôi liêu xiêu. Tôi nhớ như in thời điểm đấy, nhiều người tiêu dùng nghi ngại và "quay lưng” với trứng gà, trứng vịt. Toàn bộ số trứng tôi lỡ thu mua về đều phải tiêu hủy. Đại dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2003 khiến tôi "bốc hơi" 6 tỷ đồng”.

“Một hôm, tôi xuống với bà con nông dân thì chứng kiến cảnh tượng vô cùng đau xót. Chuồng trại xác xơ, gặp tôi, nông dân nào cũng khóc, tôi cũng khóc theo. Cả đời tôi gắn bó với nông dân giờ trông thấy bà con như vậy tôi không cầm lòng được. Có người nói với tôi rằng không biết thời gian tới có đủ tiền lo cho con đi học không. Đó là những ngày buồn nhất trong nghiệp kinh doanh trứng của tôi. Cũng từ đó, tôi quyết tâm phải cùng bà con, người nuôi vượt qua "khổ ải" này" - bà Ba Huân nói.

img

Bà Ba Huân (trái) giới thiệu về sản phẩm trứng gà đã qua xử lý, diệt khuẩn. 

Bà nhớ lại, lúc ấy, nhiều đêm trằn trọc rồi bà quyết định phải chọn con đường công nghệ cao cho trứng gà, trứng vịt Ba Huân. Sau này cùng với trận đại dịch cúm năm 2005, qua người quen, tôi biết tới công nghệ xử lý, đóng hộp và diệt khuẩn tới 99,9%. 

"Không chỉ đầu tư, áp dụng, mở rộng công nghệ cao trong chăn nuôi, xử lý, chế biến trứng gia cầm khu vực phía Nam, khi nhận thấy người tiêu dùng thủ đô và các tỉnh lân cận rất cần trứng gia cầm sạch dành cho những bữa ăn, Ba Huân đã quyết định đầu tư nhà máy trên 100 tỷ đồng tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 2.2017 sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm cho nông dân Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận, giúp người tiêu dùng sử dụng trứng gia cầm sạch"
- Ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch kiêm TGĐ Ba Huân Hà Nội

"Tôi quyết định bỏ tiền túi qua Úc và Thượng Hải (Trung Quốc), rồi Hà Lan (trụ sở của Tập đoàn Moba). Tôi không biết tiếng nước ngoài nên lúc "bí" tôi diễn đạt bằng cử chỉ. Rồi tôi gặp ông Henry - Chủ tịch của Tập đoàn Moba và nói thực lòng với ông là tôi xuất thân từ nông dân, đến từ một đất nước nông nghiệp còn nghèo. Tiền mà tôi tính mua công nghệ của các công là tiền tự tôi tích cóp cả đời, xin mấy ông cho tôi mức giá sát nhất, phù hợp nhất. Ông chủ của Moba sau đó đã quyết định bán cho tôi dây chuyền trọn gói với giá 650.000 euro, thấp hơn nhiều so với mức báo giá ban đầu. Hãng Moba Hà Lan còn ưu đãi cho Ba Huân loại máy công suất 65.000 trứng/giờ dù tôi chỉ đặt hàng máy công suất 45.000 trứng/giờ” - bà nhớ lại.

Thoáng chốc bồi hồi, bà nói: “Điều đặc biệt làm tôi nhớ mãi là sau khi ký kết hợp đồng với ông chủ của Moba thì lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh của Việt Nam được kéo lên hiên ngang tung bay trước trụ sở của Tập đoàn Moba, sánh ngang với các nước khác. Khoảnh khắc tự hào đó làm tôi nhớ mãi, không thể nào quên…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem