Cuộc đua "vượt vũ môn" vào lớp 10 vẫn chưa vơi sức nóng suốt bao ngày qua ở hầu khắp các tỉnh thành. Hình ảnh bố mẹ đứng trước cổng trường thi dõi mắt ngóng trông con hay hớt hơ hớt hải chạy quanh tìm mua món ngon để bồi dưỡng sức khỏe cho sĩ tử mỗi năm lặp lại khiến chúng ta rưng rưng trước tấm lòng của bậc sinh thành: yêu con, lo cho con, kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của con…
Mấy bài thi vừa khép lại, cuộc ngóng trông giờ chuyển hướng sang chờ đợi các sở giáo dục công bố đáp án rồi hồi hộp lẫn thon thót tim đếm từng ngày công khai điểm thi, điểm chuẩn và danh sách đậu vào các trường đầu cấp. Áp lực đâu chỉ đeo mang suốt ngày dài ôn luyện căng như dây đàn, lúc đối diện đề thi và đặt bút làm bài mà còn hiện diện rõ rành rành ngay chính khoảnh khắc nơm nớp đợi điểm số.
Mấy hôm nay nếp nhà của bạn có vang vọng lời chất vấn "có thế mà cùng làm không xong ư" hay câu chì chiết "học hành thi cử thế còn nhìn được mặt ai" chăng? Và chỉ mấy hôm nữa thôi, người rớt kẻ đậu sẽ công bố, lúc ấy ai sẽ đủ bình tĩnh để cùng con đối diện với kết quả thi, dẫu không như ý nhưng là thực tế buộc chúng ta phải chấp nhận?
Tình yêu thương con của mẹ cha quả là vô bờ bến. Sự tin yêu, niềm kỳ vọng của cha mẹ thật đáng trân trọng! Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng yêu con đúng cách, kỳ vọng vào con đúng mực. Vậy nên mỗi mùa thi chúng ta lại chứng kiến nhiều hơn những giọt nước mắt buồn tủi cùng tiếng thở dài thườn thượt cứ vang vọng ở bờ môi. Xin ai kia là mẹ, là cha hãy nhớ rằng:
Tỷ lệ trẻ rối loạn lo âu do áp lực bài vở, thi cử lại tăng cao mỗi mùa thi. Số trẻ đến khám bởi những bất thường tâm lý đang trên đà tăng cao, đáng lo ngại buộc chúng ta phải cởi trói bớt áp lực học hành và đồng hành cùng con nhẹ nhàng bước qua những kỳ thi nối dài. Đặc biệt, trẻ càng ngoan và học càng giỏi lại stress nhiều hơn bởi áp lực trường chuyên, lớp chọn rồi những kỳ vọng về thành tích, danh hiệu, giải thưởng…
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 luôn được ví căng hơn thi đại học. Cánh cổng trường công vốn hẹp, tỷ lệ chọi từ áp lực "heo vàng" càng khắc nghiệt hơn dự báo có hàng nghìn đứa trẻ không vào được trường công phải tìm lối đi khác. Cuộc thi có người đậu, người rớt và tất nhiên chúng ta không loại từ khả năng con trẻ không may mắn thuộc nhóm thi đỗ.
Nước mắt sẽ rơi là tất yếu. Sự hụt hẫng, bàng hoàng có thể nhấn chìm bất kỳ đứa trẻ tuổi 16 nào vào hố sâu bi kịch khiến con trẻ trượt dài trong nỗi thất vọng về năng lực của bản thân. Niềm tin vào tương lai, niềm vui trên con đường học hành bị tước bỏ không thương tiếc sẽ là một lực cản khiến trẻ tự nhốt mình sâu hơn vào cơn trầm cảm, quay quắt với nỗi đau riêng mình và tìm cách giải thoát tiêu cực.
Điều này đã được cảnh báo khá nhiều nhưng mẹ cha lắm lúc vẫn quên rằng con cái mình chỉ là những đứa trẻ dễ bị tổn thương, suy nghĩ nông nổi và hành động dại khờ. Lắm lúc chúng ta vì quá quay quắt với hiện thực con cái trượt trường cấp ba mà dằn hắt, phủ nhận, chì chiết trẻ. Lắm lúc chúng ta chẳng chấp nhận được sự thất bại tạm thời của đứa trẻ vốn là niềm tự hào bao lâu nay nên buông lời cay nghiệt…
Đừng bao giờ dán nhãn "Kẻ thất bại" cho đứa trẻ đang đau đáu nỗi niềm thi trượt lại hứng thêm gáo nước lạnh từ mẹ cha! Trượt ngôi trường mơ ước ấy không có nghĩa là đóng sập cánh cửa tương lai của trẻ. Rớt ngôi trường mơ ước ấy không đồng nghĩa với việc con chỉ là đứa trẻ bỏ đi, chẳng nên tích sự gì và học nữa cũng chỉ vô ích!
Nếu con bạn chẳng may thi trượt vào ngôi trường cấp ba mơ ước, hãy cho con cơ hội được sai, học cách vượt qua lỗi lầm và mạnh mẽ đứng dậy sau vấp ngã, được không bố mẹ?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.