Chiều 5/3, 8 ngày sau khi giác mạc của con gái được ghép thành công cho bệnh nhân khác, chị Nguyễn Trần Thùy Dương (33 tuổi, thôn Tân Mỹ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số máy lạ.
Đầu dây bên kia là hai người đã được ghép đôi giác mạc của con gái chị vào chiều 26/2. Sau khi được xuất viện, họ đã gọi cho chị Dương xin phép được đến thăm và thắp nén hương cho ân nhân bé nhỏ của mình trước khi về quê.
Kể từ lúc ấy, chị Dương đứng ngồi không yên, mong chờ cuộc gặp đã khao khát bấy lâu. Chị cho biết khi nghe tin giác mạc của con gái được ghép, chị đã lang thang khắp bệnh viện để mong được gặp nhưng thông tin về họ đều được giấu kín nên chị chưa có cơ hội.
"Sau khi nhận được cuộc điện thoại của anh tôi đã khóc. Cảm giác của tôi lúc đó rất khó tả: vui mừng, sung sướng và lo lắng. Tôi sợ không có can đảm để gặp hai người nhận giác mạc của con tôi", chị Dương nói.
Khi hai người được ghép giác mạc đến, chị Dương đã cố lấy lại sự bình tĩnh chạy ra đón.
Chị Dương cố tỏ ra bình tĩnh để gặp hai người nhận giác mạc của con gái mình. Ảnh: Hà Quyên.Cảm xúc lẫn lộn
Thắp nén hương lên bàn thờ bé Hải An, bà Trần Thị Hạnh (đã đổi tên, 73 tuổi) nói: "Bà tạ ơn cháu đã tặng lại ánh sáng cho bà, mong cháu phù hộ cho bà và bác".
Bà cũng gửi lời cảm tạ mẹ bé Hải An và gia đình. Nhờ tấm lòng của gia đình và di nguyện của bé, bà đã có thể nhìn thấy cuộc đời thêm một lần nữa.
Trước đó, bà Hạnh bị mắc căn bệnh sẹo giác mạc từ khi còn trẻ. Thị lực mờ dần đến năm 60 tuổi, bà bị mù hoàn toàn. Bà sống dựa vào người chồng và các con. Trong suốt 12 năm qua, bà không còn được nhìn thấy những người thân của mình. Chính vì vậy, ca ghép giác mạc mới đây đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà.
Anh Bình và bà Hạnh cùng thắp hương cảm ơn bé Hải An. Ảnh: Hà Quyên.
Cùng đứng bên cạnh bà Hạnh là anh Nguyễn Văn Bình (42 tuổi, đã đổi tên). Trước khi được thay giác mạc, anh mắc bệnh khiến mắt sẽ mất dần thị lực theo thời gian. Do đó, từ một kỹ sư điện lạnh làm trụ cột của gia đình, anh phải nghỉ việc cách đây hơn một năm.
"Sau khi được tháo băng tôi có thể nhìn thấy ngay dù hơi lóa. Tôi mừng quá. Thực sự không có gì diễn tả được", anh Bình nói trong xúc động. Trước bàn thờ bé Hải An, anh Bình tự hứa sẽ tiếp tục hiến giác mạc sau khi mất.
Chị Dương lặng lẽ nhìn di ảnh của con gái. Ảnh: Hà Quyên.
Sau cuộc gặp ngắn ngủi, tiễn anh Bình và bà Hạnh lên xe để về quê, lúc này, chị Dương mới nghẹn ngào. Chị cho biết đã thỏa được tâm nguyện nhìn thấy mắt con mình đang được hiện hữu.
"Khi nhìn thấy đôi mắt của con tôi xúc động, cảm giác con đang ở cạnh bên mình. Tôi đã phải kiểm tra đôi mắt của anh và bà ngay để biết mắt con vẫn tốt. Khi Hải An còn sống hai mẹ con thường nhìn vào mắt nhau như vậy. Tôi muốn làm như vậy với bà và anh dù chỉ là trong tích tắc. Hai mẹ con tôi đã được nhìn vào mắt nhau", chị Dương nói.
Người mẹ lặng người và nhìn lên di ảnh của con rất lâu rồi tự độc thoại với chính mình: "Hải An ơi! Con đã nhìn thấy chưa, đôi mắt con đã thắp sáng thêm một lần nữa. Biết đâu khi mẹ qua đời giác mạc của mẹ sẽ được hiến và biết đâu đôi mắt của hai mẹ con sẽ gần nhau".
10 ngày, hơn 500 người đăng ký hiến mô tạng
Ngọn lửa Hải An vẫn đang cháy, khi đã có hơn 500 người đến đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi qua đời trong hơn 10 ngày qua, kể từ khi câu chuyện bé Hải An tặng giác mạc sau khi qua đời được những người làm công tác điều phối hiến ghép mô tạng kể lại.
Đây cũng là một kỷ lục về số người đăng ký trong thời gian khoảng 10 ngày tại Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia trong 5 năm qua tính từ khi Trung tâm này chính thức đi vào hoạt động như một đơn vị độc lập của Bộ Y tế.
|
Hà Quyên (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.