Dù ở thời phong kiến lạc hậu hay thời đại tiên tiến như ngày nay, đại dương luôn là một bí ẩn mà con người khao khát được khám phá.
Tại Trung Quốc, vào những năm Khang Hy của Thanh triều, một họa sĩ có tên Nhiếp Hoàng đã đúc kết kinh nghiệm của mình và vẽ 1 cuốn sách gồm những sinh vật biển kỳ lạ sau nhiều năm đi ngao du và khảo sát ở những tỉnh có nhiều biển hồ như Phúc Kiến, Chiết Giang, Hà Bắc. Cuốn sách có tên "Hải Thác Đồ" (海错图) với chữ "Thác"(错) ý chỉ sự phức tạp, đa dạng của thế giới sinh vật biển.
Vào thời nhà Thanh cách đây khoảng 300 năm - khi mà khoa học kỹ thuật chưa phát triển, thông tin không thông suốt, để hoàn thành một cuốn sách như vậy, họa sĩ Nhiếp Hoàng đã phải "trèo đèo lội suối", nghiên cứu văn thư và đích thân đi hỏi những ngư dân lâu năm ở địa phương.
Theo thống kê, có hơn 300 loài sinh vật xuất hiện trong cuốn " Hải Thác Đồ", bao gồm các nhóm sinh vật biển và các loài thực vật ven biển. Mỗi bức tranh nhỏ đều đi kèm theo những lời đề từ có vần có điệu, dễ hiểu và cũng dễ đọc.
Điều bất ngờ là bất kì ai nhìn qua những hình vẽ này cũng đều phải giật mình thốt lên vì sự kinh dị và kì quái của nó. Dù cho họa sĩ Nhiếp Hoàng khẳng định rằng những sinh vật biển này ông đều tận mắt nhìn thấy nhưng không ai tin điều đó cả.
Bởi những giống loài kỳ lạ như vậy đến công nghệ hiện đại ngày nay cũng không thể tìm thấy chứ đừng nói đến 300 năm trước, những sinh vật như vậy có lẽ chỉ sống trong lời truyền miệng dân gian mà thôi!
Những sinh vật biển kỳ quái
Dưới đây là hình vẽ con cá sấu theo như mô tả của họa sĩ Nhiếp Hoàng dù rằng con cá sấu này có cái miệng không khác gì một con thằn lằn. Theo như mô tả, con cá sấu dài hơn hai thước, được bao phủ bởi lớp vảy cứng, các chi của nó rất ngắn với cái miệng vuông và rộng, đuôi phẳng và nhọn.
Còn bức vẽ này, liệu có ai có thể tưởng tượng được rằng đây chính là một con cá voi theo mô tả của nhà họa sĩ "đại tài" này? Ngoại trừ việc phun ra nước thì không có 1 ai thấy nó giống 1 con cá voi cả. Thậm chí người hiện đại khi nhìn thấy bức vẽ này còn nghĩ đây là... một con lợn biết bơi.
Đến cuối cuốn sách, người ta còn bất ngờ hơn bởi hình ảnh "người cá" dưới nét vẽ của họa sĩ Nhiếp Hoàng. Dù nhìn theo góc độ nào đi chăng nữa thì "người cá" này cũng có vẻ ngoài giống thủy quái trong truyền thuyết hơn!
Ấy vậy mà bằng 1 sự tình cờ, cuốn sách sinh vật biển này lọt vào trong hoàng cung và được lưu truyền vào thời Hoàng đế Ung Chính. Cho đến thời vua Càn Long, cuốn sách này còn được sửa sang, từng được đặt trong phòng ngủ của hoàng đế, trở thành cuốn sách gối đầu giường mà ông không thể bỏ xuống.
Có lẽ bởi vì những sinh vật biển kỳ quái như vậy là một món giải trí lạ mắt mà Càn Long chưa từng nhìn thấy trong đời, đặc biệt là những người dành cả đời mình sống trong thâm cung. Thậm chí, vài năm sau, Càn Long đế còn yêu cầu đưa cuốn "Hải Thác Đồ" này vào phần tiếp theo của "Thạch Cừ Bảo Ký" thuộc kho tàng thư họa cung đình.
Ngày nay khi xem lại cuốn sách này, nhiều người cũng phải phì cười vì những nét vẽ dễ thương nhưng cũng vô cùng kỳ quái, kinh dị trong sách. Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng, có lẽ những sinh vật biển này thật sự tồn tại, chỉ là dưới nét vẽ của họa sĩ Nhiếp Hoàng, chúng không còn cái vẻ ngoài vốn có của nó nữa mà thôi!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.