Cựu danh thủ Vương Tiến Dũng: Hãy giữ lấy “huyền thoại” Thể Công!

Lê Đức Thứ năm, ngày 30/04/2015 11:50 AM (GMT+7)
Có cảm giác bao nỗi ẩn ức đã có dịp bung thỏa trong từng lời tâm sự như trút hết tâm can của cựu danh thủ Thể Công - HLV Vương Tiến Dũng khi phóng viên NTNN gợi lại câu chuyện về đội bóng vang danh một thời này. “Tôi chỉ ước sao có một ngày ra sân, được nhìn thấy cái tên Thể Công hiện trên bảng điện tử” - ông Dũng nói, khóe mắt đỏ hoe…
Bình luận 0

Đá bóng dưới “mưa bom”

Theo dòng tâm sự, cựu danh thủ năm nay đã 65 tuổi bộc bạch: “Những năm đỉnh cao thế hệ Thể Công chúng tôi (1970-1978), việc được thi đấu phục vụ bà con nhân dân là vui lắm rồi. Mỗi khi ra sân, ai cũng cảm thấy rạo rực, vinh dự được khoác trên mình màu áo lính. Đi đến đâu cũng nhận được rất nhiều tình cảm. Sân Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), sân Nhổn… vốn không có khán đài, khi thi đấu chẳng có thông báo gì đâu nhưng đôi khi vẫn bị biến thành… sân bầu dục, hình… quả nhót do dân làng đến đông quá, cứ lấn dần vào sân để được gần các cầu thủ mình yêu thích nhiều hơn. Nhưng mọi thứ đều diễn ra rất trật tự chứ không hề có cảnh lộn xộn, chen lấn, xô đẩy gì cả”.

img
Cựu danh thủ - HLV Vương Tiến Dũng. Ảnh: Minh Hoàng

Kỷ niệm làm ông Dũng nhớ nhất chính là những lần đang đá bóng trên sân Nhổn, nghe báo động có máy địch đến đánh phá, các cầu thủ cùng người dân tất cả xuống hầm trú ẩn: “Lúc đó không còn phân biệt cầu thủ hay người dân nữa. Cứ xuống hầm hẵng hay. Máy bay địch đi lại lên đá tiếp, người xem tiếp tục cổ vũ”.

Hỏi ông Dũng, chơi bóng trong điều kiện máy bay địch có thể đến thả bom oanh tạc bất cứ lúc nào như vậy, liệu ông cùng các đồng đội một thời như “trung vệ thép” Nguyễn Trọng Giáp, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Duy Phú, Nguyễn Văn Nhật, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn)… có thể dồn toàn tâm vào trái bóng hay không, ông Dũng cười xòa nói: “Các bạn trẻ giờ nghe nói thì thấy ghê chứ với chúng tôi ngày đó thì chả có gì lạ, chuyện cơm bữa thôi. Người dân còn thấy bình thường, thì chúng tôi, những cầu thủ khoác áo lính với mục đích ra sân phục vụ nhân dân đâu có gì mà e ngại”.

Phần thưởng vô giá

Những ngày ấy, thế hệ Thể Công của ông Dũng gồm phần lớn những cầu thủ sinh năm 1948 -1950 gần như “vô đối”, đá đâu thắng đó: “Tôi nhớ những khán đài sân Hàng Đẫy, rồi sân Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh… luôn đầy ắp khán giả. Người ta sẵn sàng nhịn ăn 1-2 bát phở (3 hào đến 7 hào) mua vé vào sân. Ở các giải đấu như giải vô địch miền Bắc, giải Chống Mỹ cứu nước, giải Giải phóng Thủ đô… không được thi đấu tập trung ở 1 sân, mà thường đá ở nhiều sân khác nhau. Thậm chí năm 1974, chúng tôi còn vào tới tận Quảng Bình đá để phục vụ bà con, mang đến món ăn tinh thần đặc biệt cho người dân trong thời chiến”.

Để có thể cảm nhận rõ hơn về sức mạnh của Thể Công những ngày ấy, ông Dũng nói vui: “Nhiều trận đấu, các cổ động viên còn quay sang cổ vũ hết cho đối thủ của chúng tôi. Mỗi khi đối thủ của chúng tôi ghi được bàn thắng là cả sân vỡ òa!”.

Những ngày tháng hào hùng ấy, những cầu thủ khoác lính như Thể Công nói riêng và các đội bóng khác nói chung đều ra sân với tất cả đam mê: “Chúng tôi không có lương và chỉ có tiền công tác phí. Tôi nhớ không nhầm, mỗi ngày được tính 2,4 đồng. Những lần đi thi đấu ở Hải Phòng, Hải Dương được tính 2 ngày công tác phí, đổi ra sẽ mua được 1 con chim quay (giá 2,5 đồng) thêm 1 chai bia và 1 bát phở là nhất” - ông Dũng nhớ lại.

Vượt lên trên tất cả, thế hệ cầu thủ của ông đã nhận được những tình cảm nồng hậu từ bà con ở mỗi miền đất mình đi qua – điều đó thì có bao nhiêu tiền cũng không thể nào mua được: “Có những trận chúng tôi đi tới các đơn vị, vào Nghệ An thi đấu. Thể Công chia làm 2 đội, 1 đội lấy tên là Thanh niên Quân Đội, 1 đội lấy tên là Thể Công thi đấu hết mình. Sau trận đấu, đơn vị, bà con thường giết bò, mổ lợn ăn khao. Khi về, còn cho thêm 1 xe cam nữa” - ông Dũng chia sẻ về phần thưởng vô giá mà ông cùng các đồng đội một thời được nhận.

Trả lại tên cho Thể Công

Càng nhớ về quá khứ với đầy ắp những kỷ niệm, nhiệt huyết, niềm đam mê của tuổi trẻ bao nhiêu, ông Dũng bỗng trầm hẳn xuống giọng buồn bã nhớ về dấu mốc định mệnh.

“Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cái thời khắc ngày 15.8.1998. Ngày đó, chúng tôi, những cựu cầu thủ Thể Công đã hạnh phúc biết bao, gọi điện rủ nhau làm vài ly bia ăn mừng khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng ký quyết định lấy lại tên Thể Công, sau mấy năm mang tên CLB Quân Đội. Vậy thì thời điểm này, tại sao lại không thể có một quyết định tương tự, lấy lại tên Thể Công? Theo thông tin tôi có được thì họ ngại khi năm 2009 đã “khai tử” Thể Công rồi, giờ “dựng lại” sẽ có điều gì đó bất hợp lý. Nhưng theo tôi, tất cả chỉ là câu nệ, còn điều gì đó chưa thống nhất giữa những người trong cuộc thôi. Cần nhớ, rất, rất nhiều người muốn thấy lại hình ảnh Thể Công ngày nào. Thể Công có ý nghĩa như một tượng đài, là sự nối tiếp truyền thống của nhiều thế hệ, trước chúng tôi và cả sau chúng tôi”- ông Dũng nhấn mạnh.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2015), từ ngày 13-15.4, ông Dũng cùng các đồng đội vang bóng một thời ở Thể Công và nhiều đội bóng khu vực phía Bắc khác mang tên đội bóng Hồng Hà đã vào TP.HCM thi đấu giao hữu với đội lão tướng miền Trung (mang tên đội bóng Trường Sơn) và lão tướng miền Nam (mang tên Cửu Long). Trường Sơn - Hồng Hà - Cửu Long là tên 3 giải bóng đá đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

“Việc VFF tổ chức giải bóng đá lão tướng 3 miền khiến chúng tôi rất cảm động. Đã lâu rồi, anh em cựu cầu thủ chúng tôi mới có dịp gặp lại, ôn lại những kỷ niệm thời còn là cầu thủ. Trong mỗi câu chuyện, chúng tôi đều rất băn khoăn cho sự phát triển của bóng đá trẻ Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Trong sự phát triển, không thể tách rời khỏi truyền thông, mà những biểu tượng như Thể Công cần được những người có trách nhiệm phục dựng lại” - ông Dũng chốt lại.

Miên man suy nghĩ về tương lai của bóng đá nước nhà, ông Dũng trăn trở: 

“Tôi cảm thấy rất vui khi hiện nay có được một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… của Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal JMG. Để có được lứa này, anh Đoàn Nguyên Đức-Chủ tịch Tập đoàn HAGL đã phải mất hơn 7 năm rèn giũa. Bên cạnh đó, PVF (TP.HCM), Hà Nội T&T… cũng đang làm bóng đá trẻ rất tốt bên cạnh “cái lò” truyền thống SLNA. Viettel bây giờ cũng làm tốt, nhưng tôi không biết họ có làm lâu dài không, đặc biệt khi cái tên Thể Công chưa trở lại. Chỉ khi bóng đá Việt Nam mở được thật  nhiều học viện đào tạo trẻ chất lượng, có kết hợp với những CLB danh tiếng nước ngoài thì mới hy vọng trong vài chục năm tới, chúng ta đạt tới trình độ châu lục, trước khi nghĩ tới những tham vọng lớn hơn”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem