Vào ngày 4.3, cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc ở Salisbury, Anh. Sự việc nhanh chóng trở thành vấn đề "nóng" chính trường thế giới. Nguyên do là vì Skripal từng bị Nga buộc tội phản quốc sau khi bị phát hiện làm gián điệp hai mang cho cả Nga và Anh. Về sau, cựu điệp viên Skripal sang Anh định cư nhờ một chương trình trao đổi gián điệp.
Chính quyền Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Do vậy, Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và kêu gọi các nước khác có động thái tương tự.
Lực lượng cấp cứu kiểm tra hiện trường nơi cựu điệp viên Nga Sergei Skripal được phát hiện bị đầu độc ở Salisbury, Anh. Ảnh: Reuters.
Hơn 3 tuần sau khi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, các đồng minh của Anh đã chấp nhận quan điểm của chính quyền London cho rằng, việc sử dụng chất độc thần kinh cấp quân sự Novichok trong vụ ám sát ở Salisbury "khả năng cao" là do phía Nga thực hiện.
Do vậy, vào ngày 25.3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh trục xuất 60 người bị cho là nhân viên tình báo Nga làm việc tại Mỹ dưới vỏ bọc ngoại giao. Mỹ cũng cho đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle. Không riêng gì Mỹ, Canada, Australia và các quốc gia châu Âu cũng có quyết định tương tự.
Liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc, Nga bác bỏ cáo buộc và có quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh để đáp trả. Đến ngày 30.3, Nga có hành động đáp trả Mỹ khi thông báo trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ, đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg.
Việc trục xuất các nhà ngoại giao của Anh, Mỹ, Nga và các nước phương Tây trong vụ đầu độc trên được giới chuyên gia nhận định có thể châm ngòi cho căng thẳng toàn cầu. Sự việc này cũng được dự đoán sẽ tạo nên cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Chia sẻ quan điểm về vụ đầu độc đang "nóng" chính trường thế giới, Nina Khrushcheva, cháu gái của cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và đang là giảng viên tại trường New School ở New York, Mỹ cho rằng, căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ nhiều khả năng sẽ leo thang thành "Chiến tranh Lạnh tăng cường", ít nhất là trong ngắn hạn.
Theo bà Khrushcheva, chính quyền Moscow có thể tung ra những đòn đáp trả mạnh mẽ hơn nhắm vào phương Tây, chẳng hạn như rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, cản trở hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, trục xuất nhiều nhà ngoại giao hơn, thậm chí là cả nhà báo nước ngoài.
Một số chuyên gia khác cho rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài giữa Nga với các nước phương Tây liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc có thể dẫn tới việc cả hai bên đều đánh mất ảnh hưởng lẫn nhau.
Tâm Anh (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.