Đã đến lúc giải Hạng Nhất Việt Nam dùng ngoại binh?

PV Thứ bảy, ngày 12/12/2020 15:10 PM (GMT+7)
Việc Giải Hạng Nhất Việt Nam không dùng ngoại binh liệu có phù hợp với xu thế và quy luật phát triển chung của các tổ chức bóng đá trên toàn thế giới hiện nay?
Bình luận 0

Việc Giải Hạng Nhất từ chối sử dụng ngoại binh có thể mang tới lợi ích cho các CLB trong bối cảnh tài chính số đông đều không mấy dư dả, song về tính chuyên môn lẫn sự chuyên nghiệp của nền bóng đá, đây là một vấn đề rất đáng bàn cãi.

Đã đến lúc giải Hạng Nhất Việt Nam dùng ngoại binh? - Ảnh 1.

Vì sao Giải Hạng Nhất nói không với ngoại binh?

Từ mùa giải 2015, Giải Hạng Nhất Quốc gia chính thức nói không với ngoại binh. Nguyên nhân cốt lõi được chỉ ra nằm ở yếu tố tài chính.

Thời điểm này, xu hướng các ông bầu, doanh nghiệp đổ tiền một cách vô tội vạ vào địa hạt bóng đá nhằm tìm cơ hội làm ăn đã dần thoái trào.

Khi bóng đá trở về với bộ mặt thật, số đông các CLB không còn đủ điều kiện để chi ra những khoản tiền lớn cho nhóm các cầu thủ ngoại.

Đề xuất không dùng ngoại binh ở Giải Hạng Nhất thực tế không đến từ VFF hay VPF, mà là chính các ông bầu, những nhà quản lý các đội bóng. Và điều này nhận được sự tán thành từ tất cả các đội.

Đã đến lúc giải Hạng Nhất Việt Nam dùng ngoại binh? - Ảnh 3.

Bất chấp những ý kiến trái chiều, quy định này được áp dụng suốt 6 mùa giải vừa qua và không phải nhận lĩnh phản ứng nào từ thành viên dự giải.

Bởi đơn giản, nó chẳng ảnh hưởng đến bất kì quyền lợi nào của các CLB, mà ngược lại, còn giúp họ tiết kiệm được khoản ngân sách đáng kể.

Ba đội bóng giành quyền thăng hạng V.League giai đoạn 2017/2019 gồm Nam Định, Viettel và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đều có chung lợi thế về nguồn cầu thủ trẻ đảm bảo chất lượng, đa dạng, thi đấu cùng nhau trong thời gian đủ lâu và đạt đến độ chín nhất định ở thời điểm đăng quang giải đấu.

Tân vương Giải Hạng Nhất 2020, CLB Bình Định dù không có được lò đào tạo đủ tốt để cung ứng sản phẩm khá cho đội một, song về cơ bản, cách xây dựng lực lượng của họ không khác những nhà vô địch đi trước.

Đã đến lúc giải Hạng Nhất Việt Nam dùng ngoại binh? - Ảnh 4.

Đội bóng của HLV Đức Thắng ưu tiên tuyển dụng các nhân tố trẻ từ CLB V.League theo dạng cho mượn, bên cạnh việc chiêu mộ các cựu binh dày dạn kinh nghiệm để làm đầu tàu.

Bỏ ra khoản tiền vừa đủ mà vẫn đạt được điều mình muốn, các CLB Hạng Nhất có lí do cho việc không mặn mà với ngoại binh.

Bên cạnh đó, không phải đội bóng nào cũng sở hữu tiềm lực mạnh và tham vọng lên V.League. Chơi ở giải đấu mà sức cạnh tranh không quá khốc liệt, nhiều đội bóng cũng không muốn đầu tư ngay mà "để dành" khi lên được V.League mới bắt đầu mua người.

Ở một mặt tích cực nào đó, việc Giải Hạng Nhất không có ngoại binh còn góp phần mở ra đất diễn tuyệt đối cho những tài năng trẻ quốc nội.

Đã đến lúc giải Hạng Nhất Việt Nam dùng ngoại binh? - Ảnh 5.

Không còn bị cạnh tranh, những nhân tố này mặc nhiên trở thành điểm nhấn chính ở giải đấu số 2 của nền bóng đá.

Rất nhiều tài năng quốc nội thi đấu ở các vị trí nhạy cảm như trung vệ hay tiền đạo đã có cơ hội bước ra ánh sáng nhờ thời gian chinh chiến ở Hạng Nhất.

Đáng nói có thể kể tới như Bùi Tiến Dũng (Viettel), Trần Đình Trọng (CLB Hà Nội - tiền thân của Sài Gòn FC), Ngô Hồng Phước (An Giang)...

Thực tế phù hợp, nhưng đi trái với quy luật phát triển tự nhiên

Việc Giải Hạng Nhất nói không với cầu thủ ngoại không chịu nhiều ý kiến phản ứng từ các đội bóng, song với một bộ phận người hâm mộ, quan điểm này chưa thuyết phục được họ.

Đã đến lúc giải Hạng Nhất Việt Nam dùng ngoại binh? - Ảnh 6.

Có 2 lý do chính dẫn tới sự phản ứng này:

Thứ nhất, "tâm lý cào bằng" ở Giải Hạng Nhất lúc này đang đi ngược với quy luật phát triển của mọi tổ chức thể thao trên toàn thế giới.

Thay vì để các CLB sinh tồn thuận theo tự nhiên, và nỗ lực tìm cách cải thiện nguồn thu theo mô hình bóng đá nuôi bóng đá, đáp ứng các khoản chi tiêu (bao gồm việc mua sắm ngoại binh), nhà tổ chức lại yêu cầu tất cả cùng chịu chung hoàn cảnh với khó khăn của đám đông.

Điều này chẳng những không thúc đẩy chất lượng giải đấu, vốn đã rất kén người xem vì trình độ chuyên môn hạn chế và giờ thi đấu bất hợp lí, mà còn làm giảm đi tính tranh đua giữa các CLB.

Thứ hai, việc không có ngoại binh ở sân chơi số 2 nền bóng đá cũng khiến cầu thủ nội mất cơ hội cọ xát, cạnh tranh qua đó cải thiện năng lực chuyên môn, sẵn sàng cho ngày xuất hiện ở đấu trường cấp cao nhất là V.League. 

Đã đến lúc giải Hạng Nhất Việt Nam dùng ngoại binh? - Ảnh 7.

Còn nhớ, giai đoạn lượt đi mùa giải 2019, tiền đạo nhập tịch Nguyễn Trung Đại Dương dù khi đó đã bước sang tuổi 34 song vẫn tạo ra một ảnh hưởng đáng kể trên hàng công CLB An Giang và trở thành một cái tên "đáng gờm" với mọi hàng thủ ở giải đấu, bởi đơn giản, họ chưa từng phải đối mặt với một nhân tố "ngoại" như vậy, trong suốt nhiều mùa giải trước đó.

Việc Giải Hạng Nhất không cho phép dùng ngoại binh thi thoảng còn dẫn tới những trường hợp "dở khóc dở cười" cho các đội bóng.

Đơn cử như tại Cúp Quốc gia 2020, ngay lượt trận vòng loại, một CLB Sài Gòn "vắng Tây" đã bị đại diện hạng dưới CLB Bà Rịa Vũng Tàu đánh gục.

Đội bóng Sài thành vốn xây dựng lối chơi xoay quanh cặp tiền đạo ngoại gồm Pedro PauloGeovane Magno. Thế nên, khi bỏ hai cái tên này ra, phần còn lại lập tức chới với bởi không có đủ thời gian để thích nghi.

Đã đến lúc giải Hạng Nhất Việt Nam dùng ngoại binh? - Ảnh 8.

Chưa bàn tới vấn đề chuyên môn, HLV Vũ Tiến Thành chỉ ra bất cập trong việc cấm CLB Hạng Nhất sử dụng ngoại binh:

"Cúp Quốc gia rất mắc cười, không có giải nào trên thế giới mà đội bóng phía dưới điều khiển các đội phía trên, buộc phải bỏ 3 cầu thủ ngoại".

"TP.HCM mới đá với Đà Nẵng được dùng ngoại binh, sắp tới họ gặp Bà Rịa Vũng Tàu phải bỏ ngoại binh ra. Tôi hỏi các bạn, có giải nào trên thế giới kỳ lạ như thế, có gì sai sai đúng không?"

"Đặt trường hợp Bà Rịa Vũng Tàu vô địch Cúp Quốc gia và được đi đá AFC Cup nhưng không thăng hạng V.League 2021".

Đã đến lúc giải Hạng Nhất Việt Nam dùng ngoại binh? - Ảnh 9.

"Lúc đó, họ sẽ sắm 4 cầu thủ ngoại chỉ để đá AFC Cup 2021, có gì sai sai nữa đúng không? Chỉ có Việt Nam mới tổ chức giải Cúp như thế này thôi."

Ở một khía cạnh nào đó, việc Giải Hạng Nhất nói "không" với cầu thủ ngoại đã và đang không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông các đội.

Tuy nhiên về lâu dài, việc thực hiện điều chỉnh có lẽ vẫn là điều cần làm, nhằm tạo ra hành lang phát triển cởi mở, phù hợp với xu thế và quy luật phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp trên toàn thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem