Ý tưởng này được nêu ra tại Hội thảo đóng góp ý kiến về các tư liệu, hiện vật sẽ trưng bày ở Nhà trưng bày Hoàng Sa. Hội thảo diễn ra ngày 19.1, do UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) tổ chức.
Tàu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm sẽ được trưng bày. Ảnh: Đình Thiên
Tham dự Hội thảo này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng TP.Đà Nẵng cho biết, Nhà Trưng bày Hoàng Sa, phần nội thất sẽ được thiết kế 3 tầng.
Tầng 1 tái tạo cột mốc chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc (dựng năm 1938). Tầng này còn tái hiện Ngọn đuốc Hoàng Sa…
Tầng 2 trưng bày các hiện vật giới thiệu về những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ thời Chúa Nguyễn. Tầng này có hơn 175 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam, 29 bản đồ cổ của Trung Quốc minh chứng chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam...
Tầng 3 trưng bày những bằng chứng chủ quyền đối với Hoàng Sa từ năm 1945 cho đến khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa vào năm 1974.
Theo ông Võ Công Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm, những hình ảnh, tư liệu, bằng chứng sẽ được lựa chọn để trưng bày khi Nhà trưng bày Hoàng Sa hoàn thành (vào tháng 4.2016).
Tại buổi Hội thảo, ông Đặng Công Ngữ, Nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa cho hay, ngoài các tư liệu quan trọng thì con tàu ĐNa 90152 (sau khi bị tông chìm, tàu đã được trục vớt lên) sẽ được trưng bày trang trọng ở công viên phía trước Nhà trưng bày Hoàng Sa.
“Đây là bằng chứng sống về sự vô nhân đạo của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam. Bằng chứng này để nhắc nhở mọi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế biết về một trong những hành động của Trung Quốc nhằm thực hiện giấc mơ độc chiếm Biển Đông…” - ông Ngữ nói.
Ông Đặng Công Ngữ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đình Thiên
Được biết, Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ trưng bày những hình ảnh Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo, cũng như những thước phim về những nhân chứng từng có thời gian làm việc ở trên quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra hình ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel giới thiệu tấm bản đồ cổ Trung Quốc không có quần đảo Hoàng Sa với Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này thăm Châu Âu cũng được trưng bày…
Hình ảnh Thủ tướng Đức giới thiệu bản đồ cổ Trung Quốc với ông Tập Cập Bình sẽ được trưng bày.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng nhắc lại những thông tin vào ngày 19.1 cách đây 42 năm, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong cuộc hải chiến không cân sức, 74 người con của Tổ quốc đã hy sinh… Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ đó đến nay.
Có mặt trong trong Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Văn Minh cho rằng: “Chúng ta phải nhớ rằng, Hoàng Sa đang bị cưỡng chiếm chứ chưa mất. Có thể thời điểm này, thế hệ này chưa đòi được nhưng chắc chắn lớp con trẻ sẽ nung nấu ý chí để một ngày đòi lại Hoàng Sa về với Tổ quốc”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.