Ngày 27/1, trong bối cảnh dư luận ngày càng nghi ngờ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng con tin của chính phủ Nhật Bản, một đặc phái viên Nhật ở Jordan đã bày tỏ tin tưởng rằng con tin người Nhật trong tay IS Kenji Goto và phi công người Jordan bị IS bắt làm tù binh sẽ trở về nhà “với nụ cười trên môi”.
Phát biểu tại thủ đô Amman của Jordan, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản kiêm đặc phái viên tại Jordan Yasuhide Nakayama tỏ ra rất quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng con tin hiện nay, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào “mối quan hệ vững chắc” giữa Nhật và Jordan.
Đặc phái viên Nhật Bản tại Jordan Yasuhide Nakayama
Ông Nakayama tuyên bố: “Tôi hy vọng hai nước có thể nỗ lực và hợp tác cùng nhau để cùng chứng kiến ngày phi công Jordan và công dân Nhật Goto có thể trở về nước an toàn cùng nụ cười trên môi”.
Viên phi công mà ông Nakayama đề cập đến ở đây chính là thiếu úy Mu'ath al-Kaseasbeh thuộc Không quân Hoàng gia Jordan, người đã bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt làm tù binh sau khi chiến đấu có F-16 của anh bị rơi ở tỉnh Raqqa, Syria hồi tháng 12 năm ngoái.
Trong khi đó, nhà báo Kenji Goto hiện vẫn đang bị phiến quân IS giam giữ và đòi đổi lấy một nữ chiến binh al Qaeda đang chờ thi hành án tử hình ở Jordan. Goto bị IS bắt cóc ở Syria hồi tháng 10 năm ngoái, khi anh dấn thân tới vùng đất này để tìm cách giải cứu người đồng hương Haruna Yukawa, người đã rơi vào tay IS từ vài tháng trước.
Goto vừa xuất hiện trong một video mà IS tung lên mạng hồi cuối tuần trước, trong đó anh cầm bức ảnh chụp thi thể bị chặt đầu của con tin Yukawa. IS cũng đã thay đổi yêu sách của mình, từ việc đòi 200 triệu USD tiền chuộc sang trao đổi Goto lấy Sajida al-Rashawi, người phụ nữ đã tham gia vào vụ đánh bom tự sát ở thủ đô Amman của Jordan khiến 60 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, việc trao đổi tù nhân là một vấn đề vô cùng nhạy cảm, mặc dù người dân Jordan rất lo ngại cho số phận viên phi công đang nằm trong tay IS. Khi xuất hiện ở đại sứ quán Nhật Bản vào sáng nay, ông Nakayama cho biết: “Có nhiều bên khác đang tham gia, nên tôi không muốn bình luận gì về các cuộc đàm phán”.
Người Nhật đang rất quan tâm đến số phận của nhà báo Kenji Goto trong tay IS
Theo các chuyên gia phân tích, nếu Jordan chấp nhận đổi al-Rashawi lấy con tin người Nhật và có thể là thiếu úy Kaseasbeh, đây có thể là một “cuộc đảo chính tuyên truyền” của IS, giúp nhóm phiến quân này củng cố mối quan hệ với tổ chức al Qaeda ở Iraq.
Sau khi phân tích đoạn video do IS tung lên mạng, các quan chức Nhật cho rằng đoạn video này là thật và chấp nhận thực tế rằng Yukawa đã bị IS sát hại.
Trong khi đó, nhiều người dân Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích 2 con tin Goto và Yukawa đã liều lĩnh tới vùng chiến sự mặc dù biết rõ những nguy cơ mà họ có thể gặp phải. Một số người thì lên án Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn, và cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến người Nhật trở thành mục tiêu của IS.
Mặc dù Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông, song nước này lại có mạng lưới quan hệ không được mạnh ở khu vực.
Ông Ko Nakata, chuyên gia về Hồi giáo từng làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Saudi Arabia nói: “Hiểu biết và các mối quan hệ của chính phủ Nhật Bản về vấn đề Hồi giáo và luật Hồi giáo là cực kỳ yếu”. Hồi tuần trước, ông này đã đề xuất liên hệ với IS để giải quyết cuộc khủng hoảng con tin nhưng không nhận được hồi đáp từ chính phủ Nhật.
Trong khi đó, đặc phái viên Nakayama của ông Abe lại là một cựu chuyên viên quảng cáo có bằng cử nhân khoa học thể thao và hầu như có rất ít kinh nghiệm về Trung Đông, mặc dù ông đã từng tham gia các ủy ban an ninh và quốc phòng của chính phủ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết không chịu khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố
Trong nước, nghị sĩ đảng đối lập Seiji Maehara đã chất vấn Thủ tướng Abe về cách thức chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng con tin kể từ khi Yukawa bị IS bắt cóc hồi tháng Tám năm ngoái.
Nghị sĩ này lưu ý rằng chính ông Abe đã ngầm ám chỉ đến IS khi tuyên bố về khoản viện trợ 200 triệu USD cho các quốc gia đang chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan, và cho rằng đây là một trong những lý do khiến IS nhắm vào con tin người Nhật.
Mặc dù vậy, ông Abe vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng khoản 200 triệu USD viện trợ trên là nhằm “cung cấp thực phẩm, thuốc men để cứu mạng hơn 10 triệu người, trong đó có những người tị nạn và trẻ em mất nhà cửa và đang phải chống chọi với cái đói, cái rét”.
Ông Abe tuyên bố: “Nếu chúng ta sợ hãi đến mức cúi mình trước những đe dọa của khủng bố, chúng ta sẽ không thể đóng góp bất cứ khoản viện trợ nhân đạo nào cho các quốc gia quanh khu vực xung đột. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục hoạt động nhân đạo của mình theo cách riêng”.
Trí Dũng (Theo AP)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.