Ông Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc chiếm đoạt 40 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan
Chiều 5/8, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an thông tin, ngày 15/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Cao Trí (SN 1970) - người đại diện pháp luật kiêm TGĐ của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 175 Bộ luật hình sự.
Báo cáo của Cơ quan cảnh sát điều tra, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án tại công ty cổ phần An Đông hay còn gọi là vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra phát hiện Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với Nguyễn Cao Trí.
Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Trí số tiền hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh. Khi Lan bị bắt, Trí đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền Lan đã chuyển cho Trí.
Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo một số nhân viên tiêu hủy giấy tờ, chứng cứ việc Lan chuyển tiền cho Trí với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền kể trên.
Tại Cơ quan điều tra, Trí đã nhận tội và sẽ phải nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. Cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa tài sản của Trí để đảm bảo thu hồi tài sản trong vụ án.
Quy định về tội danh ông Nguyễn Cao Trí bị khởi tố
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin từ Bộ Công an, ông Nguyễn Cao Trí bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 175 Bộ luật hình sự.
Đối với tội danh này, ông Cường phân tích dưới góc độ pháp lý như sau: theo quy định của pháp luật, người nào nhận tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng trở lên thông qua giao dịch dân sự hợp pháp, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản nhưng cố tình không trả lại tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể tới 20 năm tù.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu hành vi gian dối có trước, sau đó mới nhận được tài sản của nạn nhân và chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn trường hợp nhận tài sản thông qua một giao dịch hợp pháp rồi mới gian dối để chiếm đoạt, người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong tình huống sẽ bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định của bộ luật hình sự, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất nguy hiểm hơn hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Với tội lừa đảo, số tiền từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự, còn với tôi lạm dụng tín nhiệm, số tiền chiếm đoạt phải từ 4 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra mức hình phạt của tội lừa đảo cũng nghiêm khắc hơn mức hình phạt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu là hành vi lừa đảo, hình phạt cao nhất là tù chung thân, còn với hành vi lạm dụng tín nhiệm, hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Theo đó, khoản 4, Điều 175 Bộ luật hình sự quy định, hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
"Nếu trong quá trình điều tra bị can thành khẩn khai báo và động viên gia đình tự nguyện khắc phục hậu quả thì trường hợp bị kết tội, đây là tình tiết giảm nhẹ một phần đáng kể trách nhiệm hình sự vì hậu quả đã được khắc phục và bị can thành khẩn khai báo" – ông Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.