Đại học Việt Nam có "mất giá"?

Thứ ba, ngày 21/03/2023 09:10 AM (GMT+7)
Số lượng học sinh cuối cấp THPT đăng ký tuyển sinh vào đại học sụt giảm ở một sô địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Vậy đại học Việt Nam liệu có giảm sức hút với các thí sinh?
Bình luận 0

Thí sinh không đăng ký tuyển sinh đại học 

Mùa thi năm 2022, Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số thí sinh không xét đại học với 15.700 em. Cô Lê Thị Lựu, giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa cũng nhận thấy xu hướng này. Tuy nhiên, vì THPT Lam Sơn thuộc khối trường chuyên nên theo cô giáo Lựu, tỷ lệ bỏ đăng ký đại học của nhà trường rất hiếm và thường rơi vào trường hợp du học.

Đại học Việt Nam có "mất giá"? - Ảnh 1.

Một góc tư vấn tuyển sinh tại Ngày hội tuyển sinh - hướng nghiệp 2023. Ảnh: KT

“Khối trường chuyên đầu vào tuyển sinh đều là những em học khá giỏi thực sự và tất cả đều có định hướng thi đại học. Một nhóm các em có thể không đăng ký tuyển sinh vào đại học trong nước nhưng đều có được học bổng du học từ chính phủ, từ các cuộc thi học thuật”, cô Lựu chia sẻ.

Theo chia sẻ của các giáo viên tại tỉnh này, nhóm học sinh bỏ đăng ký vào đại học rơi vào hai đối tượng.

Thứ nhất thuộc vào nhóm học sinh các trường THPT dân lập. Ngay từ điểm đầu vào không cao, lực học trung bình, nhiều em sớm xác định học nghề khi tốt nghiệp thay vì theo học một trường đại học top dưới, vừa tốn chi phí và cũng lại khó có cơ hội việc làm trong tương lai.

Nhóm còn lại rơi vào học sinh vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu xa, nơi điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn, ít có khả năng chi trả cho học đại học. Trong khi đó, chuyển sang học nghề, các em nhận được hỗ trợ không chỉ về học phí mà được đảm bảo việc làm ngay khi ra trường.

Học sinh ở khu vực trung tâm thành phố sẽ có xu hướng chọn học tiếp lên đại học và nếu điều kiện kinh tế tốt sẽ du học theo nhiều dạng như liên kết, trao đổi sinh viên, học bổng hoặc tự túc. Việc bỏ đăng kí tuyển sinh đại học tập trung ở nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội.

Trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An sau cuộc khảo sát sơ bộ gần 500 học sinh khối 12 về nhu cầu xét tuyển ĐH đã cho kết quả "thay đổi rõ rệt" như chia sẻ từ cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó hiệu trưởng nhà trường.

Theo cô Hiền, trong 10 lớp khối 12 được khảo sát, tỷ lệ học sinh bỏ đăng kí tuyển sinh đại học tăng dần. 3 lớp C1,2,3 thuộc nhóm học sinh có điểm đầu vào cao, học đều và hầu như các em đều có nhu cầu học đại học. 3 lớp C8,9,10 có tỉ lệ 100% học sinh không đăng kí dự tuyển đại học đều thuộc diện học sinh có lực học bình thường và các em sớm xác định con đường lập thân lập nghiệp.

“Phần lớn các em sẽ đi xuất khẩu lao động hoặc học nghề. Kết quả này bên cạnh việc tổ chức hướng nghiệp, mời các trường nghề, các doanh nghiệp đến tiếp xúc, chia sẻ với học sinh thì bản thân cha mẹ các em từ thực tế cuộc sống cũng đã thay đổi trong tư duy. Việc con em theo học đại học có thể mang lại sự tự hào nhất thời nhưng nếu không tìm được việc thì sẽ khó để các em tự chủ được với cuộc sống bản thân và gia đình sau này”, cô Hiền chia sẻ thêm.

Đại học Việt Nam có "mất giá"? - Ảnh 2.

Tư vấn tuyển sinh được các trường THPT tổ chức ngay tại khuôn viên nhà trường với sự tham gia của cả trường đại học và trường nghề. Ảnh: KT

Từ thực tế học sinh của nhà trường qua nhiều khóa, cô Thu Hiền nhấn mạnh về đối tượng các em học sinh xuất khẩu lao động ngay sau khi ra trường. Các em thường sẽ đi theo diện mang danh du học do có người thân ở nước ngoài. Vì chưa được đào tạo nghề nên công việc vẫn chủ yếu là lao động phổ thông, tham gia vào đội ngũ lao động phổ thông nặng nhọc, thu nhập thấp so với mặt bằng chung và không có tương lai lâu dài.

Cùng với Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An xưa nay vẫn được coi là đất có truyền thống khoa cử, việc học đại học không chỉ là câu chuyện thoát nghèo mà còn như một cách làm rạng danh dòng họ. Tuy nhiên theo như cô Hiền, bên cạnh việc làm tốt công tác hướng nghiệp của nhà trường thì thay đổi trong tư duy của chính phụ huynh mới là điều quan trọng nhất.

Năm 2015, Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS, THPT. Những thay đổi trong số lượng thí sinh đăng ký vào đại học của địa phương cũng có thể xem là thành công bước đầu cho phần việc khó khăn này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ sinh viên đại học/vạn dân của chúng ta còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới thì câu chuyện giảm thí sinh vào đại học cũng cần được nhìn nhận và nghiên cứu từ giới chuyên môn để có thêm những cách thức phân luồng tốt hơn, chính xác hơn và hiệu quả hơn.

Đại học liệu có đang “mất giá”?

Câu chuyện một thời “người người, nhà nhà đi thi đại học”, cánh cửa đại học cao vời vợi và luôn trở thành khát khao, mong ước của thí sinh cũng như gia đình các em đã chấm dứt khi ngày càng nhiều trường đại học với nhiều quy mô, nhiều ngành đào tạo được mở ra cùng nhiều cách xét tuyển khác nhau.

Trước câu hỏi “Liệu có phải đại học Việt Nam đang bị “mất giá”?”, TS. Trần Thị Phương Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng hơi quá nếu dùng cụm từ này để đánh giá tình trạng chung của giáo dục đại học trong nước.

Bởi vì vẫn có những trường rất “đắt giá” và những trường "hạ giá” thuộc về thiểu số. Một số trường không có đội ngũ giảng viên đủ năng lực, đáp ứng các ngành đào tạo hoặc nhu cầu thực sự của xã hội, tất yếu khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Và muốn duy trì hoạt động bắt buộc các trường này phải hạ chuẩn đầu vào xuống thấp hơn.

“Thực tế cho thấy các trường như Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội hay Trường đại học Ngoại thương, Ngoại giao, Sư phạm Hà Nội... là những trường vẫn rất “đắt giá”. Thời điểm này, hồ sơ tuyển sinh hay phương thức tuyển sinh của các trường này đang được phụ huynh và học sinh cực kỳ quan tâm.”

Đại học Việt Nam có "mất giá"? - Ảnh 3.

TS Trần Thị Phương Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Trở lại câu chuyện lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh đại học giảm sút, TS Trần Thị Phương Nam khẳng định không phải là do nhu cầu học đại học của người dân Việt Nam giảm sút mà do có nhiều yếu tố tác động.

Thứ nhất là sự phát triển giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam khá tốt, xu hướng con em học trường nghề tốt nghiệp và có công ăn việc làm tốt đã thúc đẩy cha mẹ quan tâm sang một hướng khác. “Có nhiều em sinh học tốt và điểm thi đại học cũng khá cao vẫn chọn trường nghề để chắc chắn hơn trong tương lai. Có thầy giỏi và có thợ giỏi là thực tế mà chúng ta đều mong muốn”, bà Phương Nam nhấn mạnh.

Điểm tiếp theo tác động tới việc vào đại học của học sinh cuối cấp THPT là nhu cầu du học trước, trong và sau đại dịch. Trước đại dịch, phụ huynh có xu thế mong muốn cho con đi du học rất lớn. Nhưng trong đại dịch, phụ huynh thấy rằng cũng không nhất thiết phải đi du học và có một số người cho con em quay lại, chọn những trường trong nước, có yếu tố nước ngoài hay những trường có thương hiệu tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, sau khi dịch kết thúc, xu hướng du học trở lại, một phần do xu hướng toàn cầu hóa giáo dục. Phần nữa việc liên hệ trong thế giới phẳng giữa cha mẹ và con cái không quá khó khăn như ngày xưa.

Thêm một nguyên nhân nữa, lượng thí sinh đăng kí tuyển sinh đại học giảm sút còn do tác động của việc triển khai thực hiện hướng nghiệp phân luồng sau THCS theo định hướng của đề án Chính phủ. Rất nhiều bố mẹ hiểu thực tế cũng như sức học của con em mình nên ngay khi học hết 9 đã định hướng luôn vào các trường nghề, giảm đi phần nào áp lực cho các trường THPT công lập.

“Đấy cũng được coi như lựa chọn không tồi. Chúng tôi đánh giá rất cao sự lựa chọn phù hợp với năng lực của các con, phù hợp điều kiện kinh tế mỗi gia đình nữa. Bởi vì đầu tư vào giáo dục đại học đòi hỏi những chi phí không hề nhỏ cho mỗi gia đình.”, T.S Phương Nam chia sẻ.

TS. Phương Nam cho biết, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học hiện đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu cùng với các Cục, Vụ của Bộ GD-ĐT xây dựng, định hướng, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học. Từ đó, Trung tâm đề xuất các tiêu chí theo hướng nâng chất lượng của các trường, thu hút học sinh, sinh viên vào học, nâng tỷ lệ sinh viên trên vạn dân theo mục tiêu Chính phủ đặt ra cho giáo dục đại học.

“Chúng tôi là đơn vị nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các cơ sở khoa học để có đề xuất, tham mưu với Bộ GD-ĐT xây dựng hệ thống các chính sách để phát triển. Vì vậy, chúng tôi phải bám sát thực tế, vừa nghiên cứu xu thế của thế giới, tạo định hướng nghiên cứu phù hợp. Ví dụ như chúng tôi dự định sẽ nghiên cứu theo hướng giúp các trường đại học của Việt Nam có thể thu hút được sinh viên quốc tế và nâng tầm giáo dục Việt Nam.

Chúng ta hoàn toàn kỳ vọng rằng một ngày không xa đại học Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới. Rất nhiều trường đại học đang cố gắng và đã có một số trường của Việt Nam lọt vào danh sách các trường đại học uy tín trên thế giới tạo ra niềm tin vào hành trình xây dựng hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao”, TS Phương Nam phân tích.

Ý Dịu (VOV2)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem