Đại hội cổ đông VPF: Chờ đột phá

Thứ tư, ngày 14/12/2011 06:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được coi như bước ngoặt lịch sử của bóng đá nước nhà. Nhiều người đang chờ đợi những đột phá từ Đại hội cổ đông VPF diễn ra sáng 14.12.
Bình luận 0

Đi tìm trí tuệ tập thể

Trong quá khứ, dư luận đã chứng kiến nhiều cuộc họp, hội nghị, Đại hội VFF khi nói thì quyết liệt lắm, nhưng đến lúc làm thì mới khó vì rào cản cơ chế cũ. Nói cách khác, VPF ra đời được kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ chế mới, nâng tầm V.League nói riêng và bóng đá VN nói chung. Nhưng cái mới bao giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, và chỉ có sức mạnh tập thể, sự đồng lòng mới giúp “con thuyền” vượt qua sóng gió trước khi cập bến miền đất hứa.

img
Hy vọng sự ra đời của VPF sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ.

Thời gian qua, đã có rất nhiều luồng tin rò rỉ ra ngoài bằng những con đường khác nhau để chỉ trích những hạn chế của VFF, VPF. Ngay cả vấn đề nhân sự của VPF cũng được nâng lên đặt xuống, nói qua nói lại rối bời. Vấn đề là tại Đại hội cổ đông VPF-nơi mà những phát biểu có tính chất chính thống, thì có bao nhiêu ý kiến thẳng thắn, phản biện lẫn nhau?

Cần nhớ, một trong những lý do quan trọng khiến những người trong cuộc quyết chọn VPF theo mô hình công ty cổ phần thay vì công ty trách nhiệm hữu hạn là để phát huy tối đa trí tuệ tập thể với khẩu hiệu: “Cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi, hướng tới tương lai, vươn ra thế giới” như lời của ông Phạm Ngọc Viễn - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, ứng viên nặng ký cho vị trí Tổng Giám đốc VPF. Và bản thân bầu Kiên, bầu Đức cũng từng lên tiếng chán ngán khi nghĩ về những buổi họp mà chỉ có một số người độc diễn, và phần còn lại trở thành những “nghị gật”.

Xử lý “án mờ”

Một trong những điểm nóng được dư luận đặc biệt quan tâm chính là sau khi VPF ra đời, những “án mờ” có được đưa ra ánh sáng, xử lý kịp thời hay lại cho qua vì “chứng cứ đâu” như trước?

Nhìn nhận về V.League 2012, ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF, ứng viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF nói: “Tôi không nói trước sẽ có đột biến hay không về chất lượng của mùa giải mới. Nhưng tôi tin sự ra đời của VPF sẽ giúp mùa giải 2012 và những mùa giải sau đó diễn ra trung thực, minh bạch .

Ông Nguyễn Hải Hường-Trưởng ban Kỷ luật VFF cho biết: “Sau khi VPF ra đời, Ban kỷ luật vẫn chịu sự quản lý của VFF, nhưng hoạt động độc lập với cả VFF và VPF. Chúng tôi làm việc theo Luật FIFA. Giữa tuần qua, Ban kỷ luật đã họp và bổ sung thêm vào Quy định về kỷ luật nhiều điểm mới và đã gửi cho các thành viên BCH VFF, các CLB đọc và cho ý kiến gửi lại ban kỷ luật vào cuối tuần này để tổng hợp lại, trước khi trình thường trực VFF quyết định. Về cơ bản, luật đã chặt chẽ hơn rất nhiều và tôi tự tin sẽ có đủ chế tài, không bị động khi xử lý những vi phạm trong mùa giải 2012”.

Theo ông Hường, khi VPF ra đời sẽ thành lập ban đạo đức gồm nhiều chuyên gia có uy tín trong nước. Trước những trận đấu “có mùi” được dư luận phản ánh, ban này sẽ họp và thẩm định. Chỉ cần đa số thành viên ban đạo đức (60-70%) đồng ý xử là xong, chứ không cần chờ chứng cứ:

“Ban kỷ luật luôn luôn cố gắng xử lý nhanh, đúng luật để bảo đảm tính răn đe. Vấn đề là VPF có nhanh chóng cung cấp hồ sơ hay không thôi. Ở những mùa giải trước, dư luận cứ thấy xử lý chậm thì lại nghĩ sai. Có biết đâu hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu nhiều thứ thì làm sao xử nhanh được” - ông Hường nói.

Nghệ sĩ Đức Trung - Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam:

“VPF ra đời là tất yếu nhưng hiệu quả ra sao thì còn phải chờ. Hy vọng rằng không chỉ VPF, VFF mà những người làm bóng đá VN cần biết cân bằng giữa lợi ích cá nhân và tập thể, cùng nhau đoàn kết đặt cái chung vì sự phát triển của bóng đá nước nhà lên hàng đầu. Người hâm mộ hy vọng, chờ đợi một mùa giải mới trung thực với chất lượng chuyên môn được cải thiện. Những bước tiến của bóng đá sẽ tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của TTVN nói chung”.

HLV Lê Thụy Hải:

Suốt 11 mùa giải “bán chuyên nghiệp” đã qua, bóng đá VN đã trải qua nhiều vấp váp, nhân sự lãnh đạo VFF cũng có nhiều thay đổi nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Vì sao lại thế? Tại hội nghị diễn ra hôm nay (14.12), VPF cần phân tích, mổ xẻ nghiêm túc để hy vọng vào một sự đột phá mới. Theo tôi, VPF ra đời với mục đích nâng tầm bóng đá VN thì người đứng đầu phải giỏi chuyên môn, biết đưa ra lộ trình bài bản, khoa học. Nhân sự cụ thể là ai thì hãy để Đại hội cổ đông VPF bầu. Bóng đá VN cần nhiều người dám đấu tranh, thay vì cứ im lặng để rồi trì trệ, tụt hậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem