Đại hội TDTT toàn quốc 2014: Nhiều cái lợi chứ không phải “phí tiền”

Lê Đức Thứ năm, ngày 18/12/2014 15:12 PM (GMT+7)
Trao đổi với NTNN chiều qua (17.12), các chuyên gia trong nước đều cho rằng việc suy diễn về kinh phí tổ chức Đại hội thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc 2014 tốn kém là không nên. Và cần biết rõ, Đại hội TDTT toàn quốc chính là động lực phát triển chân đế thể thao phong trào của nước nhà…
Bình luận 0

Phải có Đại hội

Trước câu hỏi về chuyện Đại hội TDTT toàn quốc 2014 tiêu tốn quá nhiều tiền, trong khi thành tích lại chỉ có ý nghĩa… cho vui là chính, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) cho biết: “Ai thống kê cho tôi biết Đại hội TDTT toàn quốc 2014 tốn bao nhiêu tiền, tôi sẽ có ý kiến cụ thể. Phải biết rằng ý nghĩa của Đại hội TDTT toàn quốc là thúc đẩy toàn dân luyện tập thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại. Ví như kinh phí ban đầu để đăng cai ASIAD 2018 là 150 triệu USD, tôi phản đối ngay. Nhưng Đại hội TDTT toàn quốc lại khác. Nó khơi dậy niềm đam mê thể thao trong mỗi gia đình, tới cấp xã, cấp huyện, rồi tới cấp tỉnh. Từ chân đế đó mới cho ra “lò” những điểm sáng như Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn, Dương Thúy Vi, Phan Thị Hà Thanh…”.

img

Những VĐV tên tuổi như Dương Thúy Vi (Wushu) đều trưởng thành từ những ngày hội thể thao cấp tỉnh và toàn quốc.   DƯ HẢI

Hỏi ông Minh, bao nhiêu tiền đổ vào xây dựng cơ sở vật chất rồi bỏ không, phí hoài, trong điều kiện đất nước còn vô vàn khó khăn, ông đáp: “Đấy là do trình độ quản lý của cán bộ Sở VHTTDL ở mỗi địa phương. Theo tôi, mỗi dịp tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc chính là dịp đào tạo thế hệ cán bộ, chuyên gia, huấn luyện viên kế cận, sẵn sàng đăng cai những đại hội lớn tầm khu vực, châu lục và thế giới. Vận động viên nước nhà cũng có điều kiện tập huấn, cải thiện năng lực chuyên môn. Trước đây, những tưởng Hoàng Anh Tuấn (cử tạ hạng 56kg) là không thể thay thế. Nhưng rồi Thạch Kim Tuấn đã nổi lên qua những giải thi đấu trong nước, qua Đại hội TDTT đó thôi. Ở các môn điền kinh, thể dục dụng cụ, qua đại hội lần này, tôi đều thấy những điểm sáng...”.

 

Niềm tin từ thần tượng

Người viết đã may mắn có cơ hội gặp gỡ những “ngôi sao” của thể thao nước nhà. Hỏi họ đâu là “cái gốc” để họ có thể đối mặt với tất cả, vượt qua bao khó khăn với quyết tâm khẳng định mình trên đấu trường quốc tế, thì nhận được câu trả lời: Em hâm mộ chị (anh) ấy... nên quyết theo đuổi tới cùng.

 

Gặp Lệ Dung- nữ vận động viên kiếm chém từng “làm mưa làm gió” trên đấu trường SEA Games, giải vô địch Đông Nam Á, nghe tâm sự: “Em cũng gần 30 tuổi rồi, nhiều người hỏi em, sao còn thi đấu làm gì? Gia đình em cũng không khó khăn, nhưng mê rồi thì biết làm sao?! Lên đường thi đấu, em chỉ nghĩ tới danh dự, niềm tin của cha mẹ, người thân đang ngồi trên khán đài thôi. Nhìn lứa đàn em ngày càng tiến bộ, em vui lắm. Em và chị sinh đôi của em (Hoài Thu-vận động viên kiếm liễu lừng danh một thời) theo đấu kiếm, ban đầu, là môn thể thao lạ. Nhưng giờ mấy đứa trẻ quanh nhà em (Sóc Sơn-Hà Nội) đều muốn theo học. Em khuyên, theo nghiệp này cực lắm, nhưng các em ý cứ muốn giống chị Dung, chị Thu, được lên truyền hình, thì biết làm sao?”.

Để kết thúc lại câu chuyện này, NTNN đã tìm đến ông Lâm Quang Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT để nghe những lời tâm huyết: “Ai nói làm Đại hội TDTT tốn tiền thì gặp tôi. Những giá trị vô hình mà đại hội tạo ra làm sao cân-đo-đong-đếm được. Một địa phương sẽ hứng khởi như thế nào khi có đại hội, khi con em mình giành huy chương... Nếu không có đại hội thì sao? Thể thao đẩy lùi bao nhiêu tệ nạn xã hội, ai tính được không? Còn thể thao thành tích cao là một câu chuyện khác, cần phân biệt rõ. Chắc chắn chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp từ Đại hội TDTT 2018 và những năm tiếp theo”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem