Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân TNGT: Lời nhắc nhở vì cuộc sống an toàn

Minh Hoa Thứ ba, ngày 10/11/2015 08:23 AM (GMT+7)
Từ ngày 8 đến 10.11, Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) được tổ chức tại Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường ở TP.Nam Định, tỉnh Nam Định, do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
Bình luận 0

Chung tay chia sẻ mất mát

Đây là năm thứ tư Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT trên toàn quốc. Trong ngày đầu khai  mạc Đại lễ cầu siêu (8.11),  hơn 8.000 tăng ni, phật tử và người nhà nạn nhân TNGT đã đến dự lễ.

img

Dâng hương tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông tại Đại lễ cầu siêu ngày 8.11. (Ảnh:   DOÃN ĐỨC - Vietnamplus.vn)

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, mỗi ngày ở Việt Nam có trung bình 24 người bị TNGT cướp đi mạng sống cùng với trên 60 người bị thương tật suốt đời, đồng nghĩa với việc nhiều gia đình phải gánh chịu sự mất mát, đau thương do hậu quả của TNGT.

Những di chứng mà TNGT để lại luôn kéo dài và không thể lường hết được, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Thêm vào đó, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả TNGT hàng năm. Điều đó đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác.

Tôn vinh giá trị văn hóa giao thông

"Đại lễ cầu siêu là cơ hội để mỗi người nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng hãy làm tất cả những gì có thể để giao thông ở đất nước chúng ta ngày càng phát triển theo hướng văn minh, an toàn...”.


Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

“Tôi kêu gọi các cơ quan hữu quan của Nhà nước ở T.Ư và địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT để cho niềm vui về hạnh phúc, an toàn và bình yên trọn vẹn đến với mỗi người dân khi tham gia giao thông và đến với mọi người, mọi nhà” - Bộ trưởng kêu gọi.

Theo Bộ trưởng, Đại lễ cầu siêu cũng là một cơ hội để mỗi người quan tâm nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng hãy làm tất cả những gì có thể để giao thông ở đất nước ngày càng phát triển theo hướng văn minh, an toàn, hãy sống có ý thức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội...

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Trong Kinh Phật, những cái chết vì tai nạn trên đường được coi là cái chết oan, chết uổng, linh hồn của họ vẫn chưa thể siêu thoát. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận thấy việc tôn vinh giá trị văn hóa giao thông là việc làm cần thiết, tuyên truyền an toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi người. 

“Qua Đại lễ cầu siêu này, chúng tôi cầu nguyện các chân linh oan uổng sớm được siêu thoát và mong muốn được chia sẻ những mất mát đau thương với các gia đình nạn nhân. Chúng tôi hy vọng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tiếp tục duy trì hoạt động này mỗi năm một lần. Bởi đây là việc làm thiết thực không chỉ đối với người tử vong vì TNGT mà còn có ý nghĩa sâu sắc với mỗi người đang sống” - Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem