Thời gian gần đây trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nhất là ở tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện loại cây trồng mới, đó là cây đàn hương. Loại cây này du nhập từ Ấn Độ, được quảng bá là mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Trong tình trạng giá hồ tiêu, cà phê lao dốc, người trồng lâm cảnh nợ nần chồng chất, việc xuất hiện cây đàn hương có giúp cho nông dân cải thiện thu nhập, hay đẩy họ vào tình thế đã khó càng thêm khó khăn hơn?
Vườn ươm cây giống đàn hương ở huyện Buôn Đôn.
Đặc thù của cây đàn hương là sống ký sinh, rễ bám chặt vào rễ cây chủ hút dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển. Do đó đàn hương không trồng riêng biệt và đông đặc như cà phê, hồ tiêu. Cây chỉ sống khi được trồng xen vào vườn cà phê hoặc cây ăn quả, nhất là các loại cây ăn quả có múi.
Ông Nguyễn Quang Tòa, giám đốc Công ty Cổ phần phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên cho biết: Hiện nay, cây đàn hương được trồng nhiều hai xã Ea Nuôl và Ea Wer (huyện Buôn Đôn) với diện tích xấp xỉ 50 ha.
“Tôi cùng một số anh em đưa cây đàn hương vào Tây Nguyên trồng các mô hình nghiên cứu, khảo nghiệm trước. Cây đàn hương rất là quý, búp và lá non của nó ta sẽ làm trà, còn lại hạt của nó ta ép dầu, dầu ăn, dầu phục vụ ngành mỹ phẩm. Thân của nó khi tạo lõi thì lõi là quý nhất. Còn về vấn đề đầu ra thì một số các hộ nông dân trồng liên kết, hay các công ty trồng liên kết, thì tập đoàn sẽ bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân và cho các công ty liên kết liên doanh” - ông Toà nói.
Ông Y Krih Hwing, người Ê Đê ở buôn Niêng, xã Ea Nuôl, (huyện Buôn Đôn) cho biết: Vườn cà phê 1,5 ha này đã hơn 20 tuổi, cây già cỗi, mỗi vụ thu chưa đến 2 tấn cà phê nhân. Năm 2016, ông Y Krih Hwing trồng xen 250 cây đàn hương vào vườn cà phê. Hiện nay cây đàn hương phát triển khá tốt. Sau 4 năm chiều cao của cây đã trên 3 m, đường kính gốc 12 cm. Vừa qua, ông Y Krih Hwing đã thu trên 100 kg hạt đàn hương. Bán hạt được 400.000 đồng/kg, thu trên 40 triệu đồng.
“Trong năm nay tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng đàn hương ở khu đất đồi. Chỗ đất đó tôi trồng xen với cây điều ghép với cây đàn hương. Cây đàn hương này không có cây ký chủ thì nó không phát triển được, phải có cây ký chủ, nó dựa vào mới phát triển được” - ông Y Krih Hwing nói.
“Đối với cây đàn hương hiện nay đang trồng thí điểm. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng như chúng tôi đã tham quan các mô hình tại địa bàn thì về phát triển của cây thì sinh trưởng phát triển đạt yêu cầu. Về tương lai thì huyện mong muốn là đưa cây này vào khảo nghiệm để đánh giá kết quả bước đầu, sau đó mới nhân rộng mô hình để phát triển” - bà Thuỷ cho hay. |
Theo bà Trần Thị Thuỷ, phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Buôn Đôn, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã kiểm tra thực tế, thấy cây đàn hương phát triển tốt. Tuy nhiên đây chỉ là sự chuyển dịch cây trồng mang tính tự phát của người dân. Hiện chưa thể đưa cây đàn hương vào cơ cấu cây trồng, bởi chưa được đánh giá, khảo nghiệm một cách khoa học.
Rất nhiều nhà vườm ươm cây giống ở thành phố Buôn Ma Thuột cũng ươm giống cây đàn hương cung ứng cho thị trường. Những nhà uơm này, chỉ bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/cây. Không ai đảm bảo cây trôi nổi này có phát triển được không, hay trồng xuống sẽ èo uột và chết dần, chết mòn.
Trồng đàn hương, viễn cảnh làm giàu cũng được vẽ ra. Đây là loại cây mới du nhập, liệu thổ nhưỡng, khí hậu có phù hợp để phát triển hay không? Đặc biệt nếu trồng đại trà, cây phát triển tốt, nhưng khi thu hoạch, đầu ra của sản phẩm có bảo đảm không? Hay lâm tình trạng vừa diễn ra như cây nghệ ở Krông Pách (Đắk Lắk), cây Ma-gich ở Đơn Dương, Lạc Dương (Lâm Đồng), và cây mắc-ca ở một số nơi trên địa bàn Tây Nguyên.
Vì vậy rất cần ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương có khảo nghiệm, hướng dẫn bà con nông dân tránh tình trạng tự phát rồi lâm cảnh trồng chặt “bỏ thì thương thương, vương thì tội”./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.