Hình ảnh khu vực quảng trường Lâm Viên, chợ đêm Đà Lạt ngổn ngang rác thải do Facebooker Trương Duy Khánh chụp lại đang được nhiều người chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn mạng. Thậm chí có người còn thản nhiên dùng sơn phun tên mình lên nền gạch ở khu vực quảng trường.
Những hình ảnh này gây tranh cãi về ý thức của các khách du lịch khi đến thành phố sương mù.
Một bạn đọc nhìn ảnh thốt lên: Không ai nghĩ rằng đây là hình ảnh Đà Lạt - nơi mà nhiều khách du lịch dành cho nhiều cho danh hiệu mỹ miều.
Những bức ảnh cho thấy chỗ nào cũng rác và rác. Trên trang cá nhân của mình, anh Minh Đạt chia sẻ tỏ ra bất bình với cách hành xử vô ý thức của khách du lịch khi đến Đà Lạt, người này viết: 'Du lịch là ngành công nghiệp không khói nhưng đầy rác. Năm nay Đà Lạt là điểm đến tấp nập của người dân các tỉnh lân cận, người đông chen nhau từng tấc đất để ăn chơi, mua sắm và thưởng thức cái lạnh đầu năm hiếm hoi của xứ nhiệt đới.
Một trang fanpage của giới trẻ Đà Lạt đăng tải lại kèm theo chia sẻ: “Thật sự không còn lời nào để nói. Người dân Đà Lạt chúng tôi rất hoan nghênh các bạn đến du lịch nhưng làm ơn du lịch một cách có ý thức và tôn trọng. Chúng tôi không quy chụp tất cả du khách vì chắc chắn có rất nhiều người yêu và quý trọng Đà Lạt và trong đấy cũng có phần là lỗi của chúng tôi. Đà Lạt đón các khách đến du lịch thì xin các bạn cũng hãy góp phần tôn trọng và bảo vệ Đà Lạt. Hy vọng cảnh này sẽ không tái diễn để khi tới mùa du lịch, những người con Đà Lạt chúng tôi không phải ngán ngẩm như những ngày vừa qua nữa”.
Sự việc đã khiến không ít người bức xúc, tỏ ra ngán ngẩm về ý thức giữ gìn vệ sinh chung: “Tôi là nguời Sài Gòn, tôi rất yêu Đà Lạt nhưng nhìn thấy cảnh này tôi rất giận các bạn đã không có ý thức. Hãy văn minh lên và có trách nhiệm một chút. Có thể bạn nghĩ 1-2 cái túi nilon thì chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng nhiều người cùng nghĩ như thế thì chắc chắn nó sẽ thành bãi rác. Cảnh quan chung, chẳng riêng gì của ai nên hãy để cho những người đến sau được hưởng cùng”, nickname Gigi bình luận.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này một phần do xung quanh các điểm vui chơi công cộng số lượng thùng rác còn khá ít. Đồng thời, không chỉ riêng du khách mà chính người dân ở đây cũng chưa có ý thức bảo vệ môi trường.
"Cái này cũng là người bán góp phần xả rác nữa, khu vực chợ đêm bán hàng ăn la liệt, người bán là dân Đà lạt. Người bán ở đó không có ý thức thì hỏi sao dân từ nơi khác không nhìn theo mà làm", tài khoản Toloan Nguyen viết.
Facebooker Hau Truong chia sẻ: “Để xảy ra tình huống này trước tiên ban quản lý khu vực phải xem lại xem đã bố trí đủ thùng rác chưa, đã quy định và kiểm tra việc dọn rác của các hộ kinh doanh chặt chẽ chưa?. Ví như vào chợ đêm ăn bún mà không để sọt rác cho khách, người ta biết vứt đi đâu, giấy lau ướt bẩn bắt người ta cho vào túi quần, balô mang đi chắc. Tôi không có ý đổ lỗi cho những người bán hàng nhưng việc này đòi hỏi ý thức của tất cả người dân chứ không riêng gì du khách đến tham quan Đà Lạt hay bất cứ điểm du lịch nào”.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết tình trạng rác thải mới nổi cộm trong dịp Tết năm nay.
"Nạn xả rác nơi công cộng thật sự là vấn đề đau đầu. Du khách đến Đà Lạt đông là niềm vui với người dân chúng tôi nhưng buồn vì một số người đã xả rác bữa bãi. Mấy ngày nay, các chị lao công làm việc cả đêm lẫn ngày nhưng thu gom rác không xuể", bà Ngọc nói.
Cũng theo bà Ngọc tới đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ đề xuất xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với du khách đến Đà Lạt, trong đó chú trọng đến vấn đề giữ vệ sinh môi trường tại nơi công cộng và các khu du lịch.
TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, đừng xem xả rác là… việc nhỏ
Hệ thống các quy định pháp luật của Việt Nam đã đủ điều chỉnh các hành vi xả rác nơi công cộng nhưng lực lượng chức năng quá ít để có thể bắt quả tang, xử phạt. Quan trọng hơn là quan điểm, nhận thức của người làm công tác xử phạt.
Thứ nhất, mức phạt quá thấp khiến cho họ không muốn bỏ thời gian để thực hiện các thủ tục mà một số trường hợp chi phí cho các thủ tục xử phạt còn cao hơn giá trị tiền phạt. Thứ hai, họ xem hành vi xả rác nơi công cộng là “việc nhỏ”: một mẩu thuốc, vài bao ni-lông… không có gì lớn, không ảnh hưởng mấy đến môi trường, mỹ quan đô thị. Cứ thế người sau nhìn người trước để hành xử. Một người thản nhiên vứt rác trước mặt bao nhiêu người là… vô cùng bình thường. Thế nhưng, nhiều vi phạm nhỏ không ngăn chặn sẽ gây ra họa lớn.
Do vậy, theo ông Khoa, cần chấn chỉnh lại việc xử phạt hành vi xả rác hiện nay, nếu thấy có người bị phạt vì hành vi xả rác công cộng, những người sắp làm điều đó sẽ suy nghĩ lại.
Hình ảnh về một Đà Lạt đẹp và mộng mơ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.