Đàn ông nghèo thời nhà Thanh làm thế nào để nối dõi tông đường nếu không đủ tiền lấy vợ?
Đàn ông nghèo thời nhà Thanh làm thế nào để nối dõi tông đường nếu không đủ tiền lấy vợ?
Thứ tư, ngày 15/05/2024 10:31 AM (GMT+7)
Vào thời nhà Thanh, những người đàn ông nghèo không có tiền cưới vợ đã nghĩ ra cách “thuê vợ sinh con”. Hủ tục này rất phổ biến ở thời nhà Thanh. Khi chế độ phong kiến sụp đổ mới bị cấm hoàn toàn.
Thời phong kiến Trung Quốc, người dân rất coi trọng việc nối dõi tông đường. Thậm chí, ai không có con nối dõi còn bị liệt vào một trong ba loại bất hiếu. So với người giàu có, quan lại có thể có ba vợ bảy thiếp nhưng đối với người nghèo, việc lấy được một người vợ đúng nghĩa là điều rất khó khăn chưa kể đến có vợ lẽ hay phòng nhì. Đặc biệt, ở những vùng nông thôn xa kinh thành, việc đàn ông nghèo không lấy được vợ đã trở thành một trong những vấn đề được hoàng đế quan tâm.
Để giải quyết vấn đề này, nhà Thanh đã phổ biến một hủ tục được gọi là điển thê. Điều này có nghĩa, những người đàn ông nghèo có thể thuê vợ để sinh con, giá thuê sẽ tùy theo hai bên tự thỏa thuận. Về phía người phụ nữ, họ có thể trở thành "món hàng" của chính chồng, gia đình để bên thứ hai thuê về với mục đích: Sinh con nối dõi tông đường.
Theo Sohu, việc cho thuê vợ, mượn vợ thực chất xuất hiện lần đầu tiên vào thời nhà Tống và trở nên phổ biến cho đến thời nhà Minh và nhà Thanh.
Mối quan hệ hôn nhân hợp đồng ngắn hạn này được ban hành để giúp những người dân nghèo cải thiện việc sinh con nối dõi tông đường. Theo đó, hợp đồng này sẽ có thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và những vấn đề khác phát sinh. Yêu cầu lớn nhất và quan trọng nhất chính là người phụ nữ được thuê phải có khả năng sinh con và không được phép gặp chồng của mình (nếu đã có chồng) trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực.
Giá của việc thuê vợ sẽ dựa vào ngoại hình, độ tuổi, sức khỏe của người phụ nữ và thời gian chung sống. Khi phụ nữ càng lớn tuổi thì giá càng thấp. Ngược lại những cô gái trẻ, hay thậm chí chưa chồng có nhan sắc đều được trả giá cao hơn.
Thông thường, các hợp đồng được chia làm 2 loại: Loại 1 từ 1-2 năm, loại 2 là từ 3-5 năm. Có một số hợp đồng thuê vợ còn ghi rõ thời gian sinh con. Sau khi sinh con cho người thuê, những người phụ nữ này sẽ bị trả về và không được phép gặp con.
Không những thế, "đám cưới" của những phụ nữ được thuê về làm vợ cũng khá đặc biệt. Cụ thể, họ sẽ được nhà trai rước về vào ban đêm, tiệc chiêu đãi cũng được tổ chức cho khách, nghi thức và phong tục cũng giống như đám cưới bình thường. Chỉ khác điều là không có đèn lồng đỏ hay được trang trí lộng lẫy như đám cưới chính thức.
Ngoài việc nghèo không lấy được vợ, nguyên nhân những người đàn ông thời phong kiến tìm đến hủ tục thuê vợ là do vợ cũ không sinh được con. Do đó, người vợ được thuê về chỉ có nhiệm vụ sinh con, sau khi sinh, hợp đồng cũng chấm dứt ngay lập tức.
Đối với những người phụ nữ được thuê, con cái họ sinh ra sẽ gọi người vợ cả chính thức của người đàn ông là mẹ và được cho vào gia phả của gia tộc.
Hủ tục thuê vợ được người dân nghèo thời phong kiến hưởng ứng nhưng cũng bị nhiều người theo truyền thống Nho giáo phản đối. Những người này quan niệm tòng nhất nhi chung, một phụ nữ không phục vụ hai chồng. Do đó, tục thuê vợ trái ngược với quan niệm lễ nghi truyền thông của Nho giáo.
Trong khi đó, chính quyền nhà Thanh lại "mắt nhắm mắt mở" trước hủ tục này. Dù cấm hay không thì ở những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, tục thuê vợ vẫn liên tục diễn ra trong suốt nhiều năm liền. Cho tới nhà nhà Thanh sụp đổ, triều đại phong kiến chấm dứt, hủ tục thuê vợ mới bị bãi bỏ và cấm hoàn toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.