"Đẳng cấp" của bóng đá Việt Nam đến đâu?

Trần Oánh Thứ hai, ngày 27/12/2021 19:10 PM (GMT+7)
ĐT Việt Nam đã thất bại trước ĐT Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020, chính thức trở thành cựu vô địch, nhưng đây là giải đấu mà các học trò của HLV Park Hang-seo đã chứng minh được nhiều điều…
Bình luận 0

Với kết quả hòa 0 - 0 ở trận bán kết lượt về, ĐT Việt Nam đã thua ĐT Thái Lan với tổng tỷ số 2 – 0. Đúng như tuyên bố của HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam đã có 1 trận đấu không phải hối hận. Hiệp 1, ĐT Việt Nam đã dồn lên tấn công, ép các cầu thủ Thái Lan phải lùi về phòng thủ. Nét khác biệt của lối đá tấn công ở trận này là sử dụng 2 tiền đạo, Đức Chinh và Tiến Linh cùng với những đường chuyền dài thay vì những pha bật tường nhỏ. Thực tế là đội Thái Lan đã phải rất vất vả chống đỡ. Không may là trong hiệp 1, hiệp đấu then chốt của lối đá này, hiệp đấu mà nếu không tạo ra được sự khác biệt về tỷ số thì sẽ rất khó làm điều đó trong hiệp 2, các cầu thủ Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội dù đã có khá nhiều cơ hội tốt trước khung thành đội Thái Lan.

"Đẳng cấp" của bóng đá Việt Nam đến đâu? - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam đã để thua ĐT Thái Lan ở bán kết lượt đi AFF Cup 2020.

Hiệp 1 cũng cho thấy khả năng áp đặt trận đấu của các cầu thủ Việt Nam. ĐT Việt Nam của ông Park đã tiến bộ rất nhiều trong việc triển khai lối đá áp đặt, chứ không chỉ giỏi phòng ngự phản công như trước đây. Sự tiến bộ thể hiện ở cả khả năng thích ứng với các mô hình chiến thuật đa dạng. Nó tạo ra niềm tin rằng, nếu muốn, câc cầu thủ Việt Nam có thể áp đặt trước bất kỳ đối thủ nào ở khu vực, dù đó là Thái Lan.

Ở hiệp 2, ĐT Thái Lan đã có những điều chỉnh để chống lại sự áp đặt đó, họ tăng cường trung vệ cao 1,96m Dolah, điều chỉnh đội hình ..., và thực tế là những đường chuyền dài của ĐT Việt Nam đã bị các trung vệ Thái Lan cản phá rất hiệu quả. Tiền vệ Thái Lan cầm bóng nhiều dần, bắt đầu can thiệp vào nhịp độ trận đấu. Họ đã có nhiều pha phối hợp ban bật ở giữa sân, giảm nhịp độ trận đấu cũng như triển khai uy hiếp lại cầu môn đội Việt Nam. Trong khi đó, ở hiệp đấu này, dù các đường chuyền dài giảm hẳn tác dụng, các cơ hội nguy hiểm ít đi nhưng đội Việt Nam vẫn không thay đổi mà tiếp tục duy trì lối đá chuyền dài đó. Có phải Ban huấn luyện của ĐT Việt Nam, rồi HLV Park Hang-seo ngồi ở đường pít sân vận động đã không nhận thấy được điều đó, điều mà hầu hết các cổ động viên Việt Nam nhận thấy qua TV?

Thực tế, HLV Park Hang-seo đã cố gắng điều chỉnh, ông tung Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, và Nguyễn Tuấn Anh vào sân, đây là các cầu thủ phù hợp với lối đá tấn công phối hợp nhỏ. Nhưng lực bất tòng tâm. Để đá phối hợp nhỏ, đòi hỏi cầu thủ các tuyến phải di chuyển nhiều, quan sát, ban bật nhanh, cài đè, xử lý kỹ thuật chính xác và tốc độ …, những thứ mà chỉ có thể thực hiện được khi thể lực còn tốt. Sau 45 phút đá pressing toàn sân, đẩy cao tốc độ trận đấu lên tối đa, với vốn thể lực giới hạn, các cầu thủ Việt Nam đã đốt gần hết năng lượng. Trong khi các cầu thủ Thái Lan đã "hoàn hồn" sau sự choáng ngợp ở hiệp 1, các pha phối hợp nhỏ thiếu chính xác, thiếu tốc độ của đội Việt Nam trở thành cơ hội phản công nguy hiểm của các cầu thủ Thái Lan. Không thể phối hợp nhỏ, để giảm bớt mạo hiểm, các cầu thủ Việt Nam đành tiếp tục chuyền dài, tạo ra thật nhiều tình huống bóng trước cầu môn đối phương và hy vọng rằng trong số rất nhiều tình huống đó, sẽ xuất hiện sai lầm của hàng phòng ngự Thái Lan để cho tiền đạo Việt Nam tận dụng.

Chắc chắn HLV Park Hang-seo đã nhận thấy rằng các cầu thủ của ông đã hết sức, chính vì vậy chúng ta không nhìn thấy ông ép các cầu thủ phải phối hợp nhỏ, không được chuyền dài, nhất là ở nửa cuối hiệp 2. Cũng chính vì vây ông đã phải rút Tuấn Anh ra sân sau có hơn 10 phút thi đấu. Hàng phòng ngự đội Thái Lan đã đứng vững trước áp lực của đội Việt Nam, họ đã loại đội Việt Nam và vào chung kết rất xứng đáng.

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra thất bại của ĐT Việt Nam ở giải này có thể được nêu ra, ví dụ như đội đã thiếu đi một số cầu thủ chủ chốt do chấn thương, rồi sự thiếu công bằng trong các quyết định của trọng tài, rồi không may mắn…  Nhưng về phía BHL ĐT Việt Nam có vẻ cũng đã có sai lầm. Mà bắt đầu của sai lầm đó lại xuất hiện từ trước trận bán kết gặp đội Thái Lan.

Bước vào trận cuối cùng của vòng bảng, gặp đội Campuchia, đội Việt Nam có 2 lựa chọn, mà lựa chọn nào cũng có ưu nhược điểm riêng: Hoặc chỉ cần đủ điều kiện, chấp nhận gặp Thái Lan ở bán kết. Nếu vậy, đội sẽ cất 1 số cầu thủ quan trọng để giữ sức cho trận bán kết. Hoặc dồn sức ghi thật nhiều bàn thắng vào lưới Campuchia để tránh phải gặp Thái Lan ở bán kết. Dường như chiến lược tiến vào bán kết của đội Việt Nam đã có sự lưỡng lự, do dự, đã không rõ ràng. Trong khi hầu hết các cầu thủ quan trọng nhất của ĐT Việt Nam đều có mặt trong suốt trận gặp Campuchia, thì sau khoảng chưa đến 20 phút đầu của cả 2 hiệp đấu, đội Việt Nam gây áp lực và ghi được mỗi hiệp 2 bàn thắng, thay vì tiếp tục gây sức ép để có thêm nhiều bàn thắng, đội lại giảm áp lực như để giữ sức.

Với chiến lược không rõ ràng đó, ĐT Việt Nam vừa không tránh được ĐT Thái Lan ở bán kết, lại vừa phung phí sức vô ích. Đó có thể là một sai lầm, nhưng chỉ có không làm gì mới không có sai lầm. HLV giỏi không phải là người không bao giờ sai lầm. Khi theo dõi trận đấu, đến bà nội trợ cũng có khả năng nhận ra và đếm được Hồng Duy hay Phan Văn Đức chuyền hỏng mấy quả. Nhưng để tìm ra các cầu thủ đó, hoặc tìm người để thay thế họ một cách phù hợp với mô hình chiến thuật thì không phải cứ có bằng HLV là làm được. Thất bại trước đội Thái Lan ở bán kết không phải là thảm họa gì. Đội Thái Lan là đội bóng hay, là tập hợp có tổ chức bởi những cầu thủ giỏi.

Khi nói về bóng đá Việt Nam những năm gần đây, người ta hay nhắc đến từ "đẳng cấp". Vậy đẳng cấp của 1 nền bóng đá thể hiện qua điều gì? Hay nói cách khác, để so sánh về đẳng cấp bóng đá, ta dựa vào cái gì? Trước tiên, đương nhiên đó là thành tích của đội tuyển quốc gia. Nhưng thành tích của đội tuyển quốc gia lại phụ thuộc rất nhiều vào phong độ của đội bóng, cũng như phong độ của các đối thủ. Mà đã phụ thuộc vào phong độ thì nó không lâu dài, không bền vững.

Người ta có nhiều thứ nữa để đánh giá về 1 nền bóng đá, ví dụ như mức độ chuyên nghiệp của giải vô quốc gia, số lượng các CLB tham gia giải, số lượng các cầu thủ nhà nghề đăng ký thi đấu trong toàn bộ các giải bóng đá quốc gia. Mang tính nền móng hơn thì sẽ là số trung tâm đào tạo vận động viên trẻ chuyên nghiệp và quy củ trên toàn quốc, kể cả mức độ hâm mộ của người dân, số khán giả bỏ tiền ra hàng tuần đến sân vận động xem các trận đấu bóng đá … Nhưng có 1 con số dễ thống kê hơn các chỉ số nêu trên rất nhiều, trong đa số các trường hợp, nó có thể thay thế các chỉ số đó để đánh giá, để so sánh đẳng cấp của nền bóng đá, đó là số lượng cầu thủ của nền bóng đá đó tham gia thi đấu ở các giải vô địch quốc gia khác có trình độ cao hơn, nhất là ở Châu Âu hay ở các nước có nền bóng đá tiên tiến của Châu lục.

Nếu căn cứ vào chỉ số đó, nền bóng đá Việt Nam không thể so sánh với Thái Lan về đẳng cấp. Không kể thành tích của ĐT Thái Lan vẫn đang tốt hơn so với đội tuyển quốc gia Việt Nam, mà số lượng các cầu thủ Thái Lan ra thi đấu nước ngoài nhiều hơn nhiều so với Việt Nam. Họ không chỉ được thi đấu, mà còn có những đóng góp quan trọng cho đội bóng họ đầu quân. Số lượng cầu thủ này không chỉ phản ánh đẳng cấp của nền bóng đá Thái Lan, mà chính những cầu thủ này khi quay về phục vụ đội tuyển, họ đã dùng những kỹ năng, tư duy, thái độ thi đấu đã được rèn luyện qua các giải bóng hết sức chuyên nghiệp để đóng góp vào đội tuyển. Điển hình cho số này chính là cầu thủ số 18 của ĐT Thái Lan, Chanathip.

Đã có những người nhắc đến chu kỳ thành công bóng đá Việt Nam, nhắc đến sự cần thiết phải thay đổi đội tuyển, cả cầu thủ và HLV, để có những thành tích cao hơn. Nhưng nếu không phải là HLV Park Hang-seo, liệu chúng ta đã có thành công để bây giờ ngồi mà tính chu kỳ không? Để nâng cao thành tích của đội tuyển 1 cách bền vững, không lệ thuộc và phong độ của 1 lứa cầu thủ xuất sắc, việc cần thiết là nâng cao mặt bằng của nền bóng đá, bằng cách cải thiện những yếu tố như tính chuyên nghiệp của giải vô địch quốc gia, chất lượng giải đấu, hệ thống đào tạo trẻ, ... kể cả các chương trình dinh dưỡng cải thiện thể hình thể lực cho thế hệ trẻ mang quy mô quốc gia ... Sao cho chúng ta có những giải bóng đá lành mạnh và chất lượng, có các CLB hùng mạnh với có nhiều cầu thủ giỏi, thể hình thể lực tốt. Có nhiều cầu thủ đi thi đấu ở nước ngoài ...

Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng có thể nâng cao mặt bằng nền bóng đá quốc gia, qua đó nâng cao thành tích của đội tuyển bằng cách đi tìm thuê 1 HLV giỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem